Dấu mốc của 80 năm
Năm 2010 khép lại với nhiều ý nghĩa: kết thúc một nhiệm kỳ 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, mở ra một giai đoạn mới hứa hẹn nhiều đổi thay. Năm 2010 cũng là dấu mốc của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu 80 năm sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Trên chặng đường phát triển của lịch sử dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và đoàn thể đã ghi dấu bằng nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Phất cao ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam trên chặng đường 80 năm
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam. Lúc này, xã hội Việt Nam diễn ra quá trình phân hóa sâu sắc. Các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên lần lượt thất bại.
Giữa lúc cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các thuộc địa. Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một đảng cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930 thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3-2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân và tiến hành thành công hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thời kỳ 1945-1975. Sau chiến tranh, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết sáng kiến từ thực tiễn của nhân dân, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới và giành được những thắng lợi to lớn, vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.
Lịch sử chứng minh vị trí chính trị của giai cấp nông dân Việt Nam
Chỉ 8 tháng sau khi thành lập, Đảng ta đã ra Nghị quyết thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tháng 10 năm 1930) dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Qua những thời kỳ lịch sử khác nhau, Hội Nông dân Việt Nam đã trải qua nhiều tên gọi như: Nông hội đỏ, Hội Nông dân phản đế, Hội Tương tế ái hữu, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Nông dân giải phóng (tại miền Nam). Ngày 1-3-1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy tên là Hội Nông dân Việt Nam. Ở bất kỳ giai đoạn nào, Hội luôn là tổ chức nòng cốt của giai cấp nông dân trong các phong trào đấu tranh cách mạng, giành, giữ chính quyền, xây dựng và phát triển đất nước với các mốc son như: Cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh; phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ; chống Pháp - Nhật; xóa nạn mù chữ, tăng gia sản xuất và xây dựng XHCN ở miền Bắc, chống Mỹ cứu nước ở miền Nam… Sau những biến cố thăng trầm của lịch sử, giai cấp nông dân đã chứng tỏ các tố chất thông minh, cần cù, dũng cảm, sáng tạo, là chỗ dựa tin cậy của Đảng. Giai cấp nông dân đã góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản. Đến nay, 3 phong trào lớn của Hội như: Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; Thi đua xây dựng nông thôn mới; Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh đã cuốn hút hàng chục triệu hộ hội viên tham gia và góp phần đáng kể vào công tác xóa đói, giảm nghèo; phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cải thiện đời sống nông dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn. Hội đã có 10 triệu hội viên đủ mọi ngành nghề, lĩnh vực như nuôi trồng thủy hải sản, kinh doanh, dịch vụ, nông - lâm - diêm nghiệp… Số hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cũng tăng nhanh, cả nước hiện có trên 3 triệu hộ gia đình hội viên được công nhận hộ SXKD giỏi các cấp.
Nghị quyết số 26 NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của BCH TƯ Đảng cũng khẳng định vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Nghị quyết chỉ rõ “Tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Chăm lo xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam…”.
Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: T.L) |
Trụ cột của khối đại đoàn kết dân tộc
Lịch sử đã in những dấu mốc quan trọng với tổ chức tiền thân của Mặt trận Dân tộc thống nhất là Hội Phản đế đồng minh được thành lập ngày 18-11-1930. Đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam có những hình thức, tên gọi khác nhau: Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế, Mặt trận Việt Minh, Hội Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cách mạng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam dù có những hình thức, tên gọi khác nhau nhưng đều nhằm mục đích xây dựng, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, tạo thành sức mạnh dời non, lấp bể của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo thực hiện. Sức mạnh đó được tổ chức Mặt trận thể hiện ở việc giữ vai trò trụ cột và làm hậu thuẫn cho chính quyền cách mạng, không ngừng đẩy mạnh hoạt động trên cả ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tạo thành sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp Mặt trận không ngừng chăm lo xây dựng khối đoàn kết dân tộc, ra sức vận động các tầng lớp nhân dân đi đầu trong các phong trào thi đua sản xuất, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”...
Những người dệt thêu cho non sông gấm vóc thêm tốt đẹp, rực rỡ
Ngày 20-10-1930, Hội Phụ nữ chính thức được thành lập. Tuy mỗi giai đoạn lịch sử, tổ chức Hội có nhiều tên gọi khác nhau như: Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Phụ nữ dân chủ, Hội Phụ nữ phản đế, Đoàn Phụ nữ cứu quốc, Hội LHPN Việt Nam, nhưng Hội vẫn là tổ chức kiên trung cho phong trào phụ nữ.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò trọng trách của mình. Nhiều phong trào phát động đã khích lệ, động viên chị em hăng hái tham gia lao động sản xuất, chiến đấu, xây dựng hậu phương vững chắc, điển hình như phong trào “Năm tốt”, “Ba đảm đang”… Để chia lửa với đồng bào miền Nam ruột thịt, phụ nữ miền Bắc tham gia phong trào thi đua bảo vệ và xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến. Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, các tầng lớp phụ nữ cả nước đã vươn lên lập nhiều thành tích trong sản xuất và chiến đấu, viết tiếp trang sử vẻ vang của Bà Trưng, Bà Triệu. Trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có biết bao tấm gương sáng ngời đã hy sinh cho Tổ quốc, làm rạng ngời thêm lịch sử dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với tỉnh hình bằng nhiều phong trào thi đua như: Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà; phụ nữ tích cực học tập, lao động sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Bộ máy tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở mỗi cấp ngày càng được trẻ hóa và nâng cao về trình độ, năng lực.
Ý kiến bạn đọc