Multimedia Đọc Báo in

65 năm Quốc hội Việt Nam

Nhớ lại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I

15:52, 07/01/2011

Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc bầu ra Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mặc kẻ thù ngăn cản, khiêu khích, khủng bố. Cả nước có 333 đại biểu trúng cử (Bắc Bộ: 152; Trung Bộ: 108; Nam Bộ: 73); 57% đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% không đảng phái; 87% đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ; 34 đại biểu các dân tộc ít người.

Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đại diện cho ý chí của dân tộc, đại diện của Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, của Việt Minh, các ngành, các giới, các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, các thế hệ người Việt Nam yêu nước đương thời, từ những nhà cách mạng lão thành nổi tiếng như Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng… cho đến những đại biểu trẻ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết như Nguyễn Đình Thi vừa tròn 22 tuổi; có những nhà tư sản dân tộc, trí thức, nhân sĩ, kể cả sự có mặt của Vĩnh Thụy, tức cựu hoàng Bảo Đại vừa mới thoái vị trước đó mấy tháng và những người vốn là quan lại cấp cao của chế độ cũ.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 2-3-1946.

Đúng 9 giờ, đoàn Chủ tịch vào hội trường, đi đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mặc bộ quần áo kaki màu đã nhạt, khuy cổ áo không cài, rồi đến cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông Vĩnh Thụy, ông Nguyễn Tường Tam.

Ban âm nhạc Vệ Quốc Đoàn cử bài Quốc ca và Hồn tử sĩ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Diễn văn khai mạc trước máy truyền thanh, khẳng định thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946: “…là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc.”

Tiếp đến, Người khẩn thiết đề nghị Quốc hội: “Trong lúc toàn thể đồng bào đương tranh đấu thì những đồng chí cách mạng Việt Nam ở hải ngoại không có thì giờ tham gia vào cuộc Tổng tuyển cử của dân ta, vì thế muốn tỏ rõ sự đoàn kết toàn dân, Chính phủ xin đề nghị với Đại hội mở rộng số đại biểu ra thêm 70 người nữa. 70 người ấy là mời các đồng chí ở hải ngoại về: Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội, và như thế là Quốc hội của ta tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết nhất trí, mà đoàn kết nhất trí thì việc gì cũng thành công”. (1) Đề nghị này được Quốc hội biểu quyết thông qua. Đây là trường hợp hy hữu của Quốc hội nước ta và Quốc hội các nước trên thế giới.

Trong hội trường hôm đó, người ta thấy riêng hai hàng ghế trên hết, phía bên phải, dành cho đại biểu Việt Nam Quốc dân đảng. Hai hàng ghế phía bên trái dành cho đại biểu Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội. Số đại biểu trúng cử qua cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngồi kín các hàng ghế còn lại.

Thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo trước Quốc hội những công việc chính đã làm sáu tháng qua và nhấn mạnh: “Việc hệ trọng nhất bây giờ là kháng chiến…và …dù có khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công” (2)

Ngày 2-3-1946, Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ nhất thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngày 2-3-1946, Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ nhất thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tại kỳ họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Báo cáo về việc thành lập Chính phủ kháng chiến. Với giọng trang nghiêm, Người nói: “Trước khi báo cáo về việc tổ chức Chính phủ kháng chiến, tôi xin nói để Quốc hội biết rằng một số đại biểu ở Nam Bộ và một phần Nam Trung Bộ đã ra đi nhưng chưa tới, một phần đông nữa vì công việc kháng chiến nên không ra họp được,” Sau đó, Người đọc tên từng thành viên được giới thiệu tham gia Chính phủ:

“ -  Bộ Ngoại giao: ông Nguyễn Tường Tam.
 - Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng.
- Bộ Kinh tế: một người đã bôn ba hải ngoại về công việc cách mạng: ông Chu Bá Phượng.
- Bộ Tài chính: một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm, mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc: ông Lê Văn Hiến.
- Bộ Quốc phòng: một thanh niên trí thức và hoạt động, quốc dân ta đã từng nghe tiếng: ông Phan Anh.
- Bộ Xã hội, kiêm cả Y tế, Cứu tế và Lao động: một nhà chuyên môn có tiếng trong y giới: bác sĩ Trương Đình Tri.
- Bộ Giáo dục: một người đã lâu năm hoạt động trong công việc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ: ông Đặng Thai Mai.
- Bộ Tư pháp: cũng là một trong đám người trí thức và đã hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng: ông Vũ Đình Hòe.
Trong 10 Bộ thì 2 Bộ Chính phủ định để dành cho đại biểu đồng bào Nam Bộ, chắc Quốc hội cũng đồng ý. Trong lúc đại biểu Nam Bộ chưa đến, thì 2 Bộ đó do anh em trong các đảng phái thỏa thuận cử những người mà quốc dân có tín nhiệm ra gánh vác:
- Bộ Giao thông công chính: ông Trần Đăng Khoa quản lý.
- Bộ Canh nông: ông Bồ Xuân Luật.
Phó Chủ tịch do Quốc hội cử ra tức là cụ Nguyễn Hải Thần. Còn Chủ tịch là tôi đây.
Về Cố vấn đoàn thì do Tối cao cố vấn Vĩnh Thụy đảm nhiệm.
Về Kháng chiến ủy viên hội, thì do hai người tuy là thanh niên, nhưng về hoạt động thì phần nhiều đại biểu ở Quốc hội cũng đã biết:
-Kháng chiến ủy viên chủ tịch:  ông Võ Nguyên Giáp.
-Kháng chiến ủy viên phó chủ tịch: ông Vũ Hồng Khanh. (3)

Quốc hội đã công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, một vị Chủ tịch được Quốc hội tôn vinh “xứng đáng với Tổ quốc”. Đó là Chính phủ hợp hiến có đủ tư cách pháp lý đại diện cho nhân dân Việt Nam giải quyết mọi vấn đề ngoại giao và nội trị của một quốc gia độc lập.

Quốc hội cũng đã bầu ra Ban Thường trực Quốc hội do học giả Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban.

Trong lời phát biểu trước khi bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quốc hội họp lần này là Quốc hội kháng chiến mà Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi, mà Chính phủ cũng sẽ là Chính phủ thắng lợi”. (4)

Trước những hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, nhiều cuộc thương lượng, dàn xếp giữa Việt Minh, Đảng Dân chủ với Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội đã diễn ra trước kỳ họp. Nhờ thiện chí và sự lãnh đạo khôn khéo, tế nhị, uyển chuyển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã đẩy lùi được những hoạt động chia rẽ, phá hoại. Sau bốn giờ làm việc hết sức khẩn trương, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã hoàn thành các mục tiêu trọng đại có tính lịch sử đối với vận mệnh của toàn dân tộc.

 

Nguyễn Xuyến

 

----------------
(1)(2)(3)(4) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995 - T 4 - tr 189-190-191-193-194-196.


Ý kiến bạn đọc