Multimedia Đọc Báo in

Những ngày đầu tiên

19:00, 05/01/2011

 
Chưa có một văn bản pháp quy nào quyết định về việc thành lập Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội, số lượng cán bộ còn rất ít, chỉ có từ 4 đến 5 người và một số nhân viên phụ trách các công việc hành chính và quản trị, nhưng hoạt động của Văn phòng thời kỳ này đều thiết thực, góp phần vào việc bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Ban Thường trực Quốc hội ngay từ khi mới ra đời. Vì thế, ngày 2.3.1946 có giá trị lịch sử là ngày mở đầu truyền thống hoạt động của Văn phòng Quốc hội (lúc đó là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội).

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời. Tuyên ngôn khẳng định:“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập”(1).

Việc chính quyền cách mạng được thiết lập trong cả nước là một thuận lợi cơ bản của cách mạng nước ta trong bối cảnh lịch sử lúc đó. Nhưng, ngay sau khi thành lập, chính quyền cách mạng đã lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vận mệnh của Tổ quốc, nền độc lập của dân tộc vừa mới giành được đang đứng trước nguy cơ mất còn. Giữ vững và bảo vệ chủ quyền dân tộc là nhiệm vụ hết sức cấp bách của nhân dân Việt Nam. Do vậy, phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, hòa hợp dân tộc, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng về mọi mặt.

 


Để củng cố chính quyền cách mạng, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra cho Đảng và nhân dân ta là phải thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân, phải xúc tiến bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Ngày 3.9.1945, một ngày sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ:“Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v..” (2).

Chưa đầy một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 8.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14-SL quy định về Tổng tuyển cử bầu Quốc hội(3) .

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 bầu đại biểu Quốc hội Khóa I đã diễn ra đúng kế hoạch và thắng lợi trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là:“kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta đoàn kết của toàn thể đồng bào, không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho tổ quốc”(4) .

 


Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, tình hình chính trị ở nước ta có những diễn biến phức tạp mới. Cuộc kháng chiến của quân và dân ta đang gặp nhiều khó khăn. Ở miền Nam, cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đã lan rộng đến Tây Nguyên và miền Nam Trung bộ. Ở miền Bắc, quân Pháp đã từ Vân Nam trở lại chiếm Lai Châu, Tuần Giáo, Điện Biên.

Lợi dụng tình hình đó, bọn “Việt Quốc” và “Việt Cách”(5) đã gây sức ép với chính quyền cách mạng nhằm thủ tiêu kết quả Tổng tuyển cử. Trên thực tế, thực dân Pháp còn tìm mọi cách dàn xếp với Tưởng Giới Thạch để được đưa quân ra miền Bắc dưới danh nghĩa Đồng minh thay thế quân Tưởng tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ quyết định triệu tập họp Quốc hội. Ngày 2.3.1946, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa I đã khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua danh sách và công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và quyết định bầu Ban Thường trực Quốc hội gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên Dự khuyết để thay mặt Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội và bầu ra Ban Dự thảo Hiến pháp để soạn thảo Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Đây là một bước hoàn thiện và củng cố bộ máy Nhà nước ở Trung ương, bảo đảm cho Nhà nước ta có đầy đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện mọi chức năng, nhiệm vụ đối nội và đối ngoại. Vì tình thế cấp bách, nạn ngoại xâm đang đe dọa nền độc lập quốc gia, nên Quốc hội không thể họp lâu được và phải bế mạc ngay trong ngày 2.3.1946. Quốc hội đã nhất trí xác định quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội như sau:

1. Góp ý kiến với Chính phủ;
2. Phê bình Chính phủ và khi Chính phủ đi ngược lại quyền lợi quốc dân thì có quyền hiệu triệu quốc dân;
3. Triệu tập Quốc hội trong những trường hợp sau đây:
a. Khi Chính phủ yêu cầu,
b. Khi quá nửa số đại biểu yêu cầu
c. Khi quá nửa Ủy viên Thường trực xét thấy cần phải triệu tập.
4. Khi tuyên chiến hay đình chiến, bắt buộc phải được hỏi ý kiến;
5. Khi ký hiệp ước với nước ngoài phải triệu tập Quốc hội để chuẩn y.

Trong những ngày đầu sau khi thành lập, trụ sở làm việc của Ban Thường trực Quốc hội đặt tại số nhà 71 (nay là số nhà 79) phố Hàng Trống, Hà Nội, trụ sở của Hội Khai trí Tiến Đức. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Thường trực Quốc hội đã nhanh chóng củng cố và kiện toàn tổ chức. Trong phiên họp ngày 4.3.1946, Ban Thường trực đã bầu ra một Ban Thường vụ gồm 5 người do ông Nguyễn Văn Tố (6) làmTrưởng ban và soạn thảo Nội quy về cách làm việc của Ban Thường trực Quốc hội. Do công việc cần phải xúc tiến ngay nên Ban Thường trực Quốc hội đã thành lập 3 Tiểu ban là: Tiểu ban Pháp chính; Tiểu ban Kinh tế và Tài chính; Tiểu ban Xã hội (7). Các ủy viên của Ban Thường trực được bố trí theo 3 Tiểu ban để vừa hoàn thành nhiệm vụ là thành viên của Ban Thường trực, vừa phục vụ tốt cho việc chỉ đạo, xây dựng tổ chức của Ban.
Để giúp Ban Thường trực Quốc hội thực thi nhiệm vụ, Chính phủ đã điều động một số cán bộ, nhân viên sang phục vụ Ban Thường trực, trước hết là phục vụ Trưởng ban trong mọi hoạt động liên lạc với Chính phủ và làm những công việc do Văn phòng đảm nhiệm như: in, phát tài liệu, giao thông liên lạc, tổ chức công tác tài chính, sắp xếp nơi ăn ở cho các đại biểu Quốc hội, tổ chức hội nghị cho Ban Thường trực Quốc hội (8) … Đây là những cán bộ được tuyển chọn từ các cơ quan Trung ương và đều là những người có phẩm chất cách mạng, tư cách đạo đức tốt, tận tâm, tận lực thực hiện nhiệm vụ được giao, phục vụ Ban Thường trực giải quyết các công việc theo nhiệm vụ, quyền hạn.

Mặc dù lúc này chưa có một văn bản pháp quy nào quyết định về việc thành lập Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội, số lượng cán bộ còn rất ít, chỉ có từ 4 đến 5 người và một số nhân viên phụ trách các công việc hành chính và quản trị, nhưng hoạt động của Văn phòng thời kỳ này đều thiết thực, góp phần vào việc bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Ban Thường trực Quốc hội ngay từ khi mới ra đời. Vì thế, ngày 2.3.1946 có giá trị lịch sử là ngày mở đầu truyền thống hoạt động của Văn phòng Quốc hội (lúc đó là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội)(9)

 

(Trích Lịch sử VPQH – NXB Chính trị Quốc gia - Hà Nội 2007)


____________
1. Việt Nam Dân quốc công báo, số ra ngày 29.9.1945.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.8.
3. Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 -1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.31.
4. Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, t.4, tr.189.
5. Việt Quốc: tên gọi tắt của Việt Nam Quốc dân đảng.
Việt Cách: tên gọi tắt của Việt Nam Cách mạng đồng minh hội.
6. Ông Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947), quê ở làng Đông Thành, tổng Tiến Túc, huyện Thọ Xương cũ (nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ông là một nhà trí thức Nho học và Tây học. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6.1.1946, ông ra ứng cử tại thành phố Nam Định và đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, ông được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Ông bị thực dân Pháp sát hại ở Bắc Kạn ngày 7-10-1947.(Xem Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t.1(1945 - 1960), NXb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.1531).
7. Báo cáo về hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I ngày 30-10-1946 - Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập,t.1 (1945 -1960). Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.tr.70.
8 Theo giấy khai lý lịch của nhân viên phục vụ Ban Thường trực Quốc hội ngày 20-6-1947, số cán bộ, công chức đầu tiên phục vụ Ban Thường trực Quốc hội gồm các ông Trần Văn Xoang (tức Trần Thanh Tú); Hoàng Việt Sinh (tức Trịnh Hoàng); Phạm Văn Tâm và bà Trịnh Thị Phúc - Hồ sơ số 276, phông Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
9. Để đánh dấu sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại của Văn phòng Quốc hội, căn cứ vào các chứng cứ lịch sử và kết quả của các cuộc hội thảo về xác định Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội, theo đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ngày 2.3.2005 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 751/2005/NQ-UBTVQH11 lấy ngày 2 tháng 3 hàng năm làm Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội.

 

Theo ĐạibiểuNhândân


Ý kiến bạn đọc