Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa I

08:00, 11/01/2011

Gần 8 tháng sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa I, trong khi thực dân Pháp đã bội ước không thực hiện Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946 do Hồ Chủ tịch đã ký với chính phủ Pháp, từ ngày 28-10-1946 đến 9-11-1946 có 294/333 đại biểu Quốc hội nước ta đã họp kỳ thứ 2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với khẩu hiệu “Đoàn kết, thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc”, một kỳ họp dù chỉ nghe qua ai cũng có thể cảm nhận được tầm quan trọng của hội nghị với vận mệnh đất nước đương thời.

Quốc hội đã thảo luận và thông qua những chủ trương cấp bách để chuẩn bị kháng chiến, thông qua danh sách Chính phủ mới do Hồ Chủ tịch thành lập; bọn phản động Việt Nam Quốc dân Đảng đã bị gạt ra khỏi Quốc hội và Chính phủ, và ngày 8-11-1946 Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tại cuộc họp lịch sử này đã diễn ra một sự kiện đặc biệt độc đáo, đến nay có nhiều người chưa biết. Trong buổi họp ngày 31-10-1946, các đại biểu của nhân dân đứng lên chất vấn Chính phủ do Hồ Chủ tịch đứng đầu, và được trả lời đầy đủ, nghiêm túc với ý thức trách nhiệm rất cao.

Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn Chính phủ do Hồ Chủ tịch đứng đầu trên 88 vấn đề khác nhau. Ngoài những câu hỏi chất vấn ông Bộ trưởng Bộ Y tế và xã hội, Bộ Quốc gia giáo dục, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về các vấn đề giá thuốc, sự phát triển của cấp tiểu học, sách giáo khoa, về ngân sách, thuế khóa, có đại biểu đã tỏ ra lo lắng trước tin đồn Nguyễn Hải Thần (nguyên Phó Chủ tịch nước) tự phong chức Tổng Tư lệnh Hải, Lục, Không quân, lập Chính phủ khác ở hải ngoại.

Hồ Chủ tịch bước lên diễn đàn. Người cảm ơn Quốc hội, vì đã tỏ rõ Quốc hội hết sức quan tâm về các vấn đề đại sự của quốc gia và sự chất vấn này có thể biểu lộ được rõ ràng tinh thần dân chủ thật sự của nước Việt Nam mới của ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia bầu cử Ban sửa đổi Hiến pháp tại Quốc hội Khóa I, kỳ họp thứ 6. (Ảnh: T.L)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia bầu cử Ban sửa đổi Hiến pháp tại Quốc hội Khóa I, kỳ họp thứ 6. (Ảnh: T.L)

Hồ Chủ tịch đã trực tiếp trả lời một số câu hỏi mà đại biểu đặc biệt quan tâm: “Về nguyên Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, ông nguyên Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Tường Tam và ông Vũ Hồng Khanh, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy hội, bây giờ các ông ấy không có mặt ở đây. Lúc nước nhà đang gặp bước khó khăn, quốc dân tin người nào mới trao cho người ấy công việc lớn, thế mà các ông ấy lại bỏ đi, thì các ông ấy phải tự hối lương tâm thế nào…, những người bỏ việc đi kia họ không muốn gánh việc nước nhà, hoặc họ cũng không đủ sức mà gánh nổi, nay không có họ ở đây chúng ta cũng cứ gánh được như thường, nhưng nếu anh em ấy biết nghĩ lại mà trở về thì chúng ta cũng hoan nghênh”. Trước khi bước xuống bục, Người còn nói với Quốc hội: “Nếu trong Chính phủ có những người khác lầm lỡ, thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi đồng bào”.

Buổi họp kéo tới buổi tối, Hồ Chủ tịch lại thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trước khi Chính phủ từ chức, Người nói: “Chính phủ hiện thời mới hơn 1 năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 10 tháng lại còn thanh niên hơn, vậy mà Quốc hội đã đặt ra những câu hỏi thật già dặn, đề cập đến nhiều mặt có quan hệ đến vận mệnh nước nhà, với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?”.

Với câu chất vấn: “Vì sao Chính phủ đề nghị lên Thường trực Quốc hội xem xét để thay lá quốc kỳ?”, Người trả lời: “Chính phủ không bao giờ dám thay đổi quốc kỳ, mà chỉ vì một vài người trong Chính phủ đề nghị việc ấy nên Chính phủ phải để Thường trực Quốc hội xét, tình thế từ ngày ấy đến nay biến chuyển nhiều, lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam bộ và Nam Trung bộ, đã từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn”. Với giọng nói vang to hơn, Người nhấn mạnh từng tiếng: “Trừ khi cả 25 triệu đồng bào, còn ngoài ra không ai có quyền gì mà đòi thay đổi nó, còn cái tin ông Nguyễn Hải Thần tự xưng là Tổng tư lệnh Hải, Lục, Không quân Việt Nam? Nếu Việt Nam không có Hải, lục, không quân thì ông Nguyễn Hải Thần cứ việc làm Tổng tư lệnh, và nếu Việt Nam không có Hải, Lục, Không quân mà ông Nguyễn Hải Thần tổ chức được Hải, Lục, Không quân cho Việt Nam thì cố nhiên chúng ta hoan nghênh”.

Trả lời câu hỏi về chính phủ liêm khiết, Hồ Chủ tịch nói: “Hiện tại Chính phủ đã cố gắng liêm khiết, nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các ủy ban đông lắm, và phức tạp lắm, dù sao Chính phủ cũng đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng luật pháp mà trị những kẻ ăn hối lộ – đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết?”.

Hồ Chủ tịch đã trả lời hết các câu hỏi chất vấn, được đại biểu vỗ tay hoan nghênh mỗi khi Người kết thúc 1 câu trả lời.

Đến 23 giờ 45 đêm 31-10-1946 thay mặt Chính phủ hiện thời, Hồ Chủ tịch tuyên bố từ chức, trao quyền lại cho Quốc hội để Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ bầu ra một Chính phủ mới, và Quốc hội đã quyết nghị ủy nhiệm cụ Hồ Chí Minh lập ra Chính phủ mới theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài không Đảng phái.

Sau khi cảm ơn sự tín nhiệm của Quốc hội, Hồ Chủ tịch đã nghiêm trang nói:
“Lần này là lần thứ 2 Quốc hội lại giao cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa, Việt Nam chưa độc lập, thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm, tôi xin nhận, giờ tôi tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân, trước thế giới: “Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không Đảng phái, tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, Quốc dân và trước thế giới rằng: Tôi chỉ có 1 Đảng – Đảng Việt Nam”, tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ” “liêm khiết” tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, Quốc dân và thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết, chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích, trong thì đoàn kết, ngoài thì tranh thủ độc lập, thống nhất của nước nhà, anh em trong Chính phủ mới sẽ dựa vào sức mạnh của Quốc hội và Quốc dân, dẫu nguy hiểm mấy cũng đi vào mục đích mà Quốc dân, Quốc hội đã trao cho”.

Phiên họp kết thúc lúc 1 giờ sáng 1-11-1946 đã để lại ấn tượng khá tốt đẹp không chỉ với gần 300 đại biểu Quốc hội dự cuộc họp mà còn với cả 25 triệu đồng bào cả nước. Và chỉ 7 tuần lễ sau đó, cả nước đã đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện theo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

 

Hoàng Chinh

 


Ý kiến bạn đọc