Chuyện những người giữ mạch máu thông tin
Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, ở không nhà, hành trang là một túi ni lông cùng những con đường không tên… có nghĩa mọi thứ với họ dều phải tuyệt đối giữ bí mật. Đó là những quy định nghiêm ngặt cũng là những ký ức không phai trong tâm khảm của những người quân bưu với trọng trách giữ mạch máu thông tin liên lạc năm xưa.
Hai lần gặp cọp
60 mùa trăng đã đi qua, như cây rừng đã thay 60 lần lá nhưng những năm tháng làm giao bưu vẫn vẹn nguyên trong ký ức của ông Đỗ Hữu Bá (còn gọi là Ama Giao), nguyên Trưởng ban Giao bưu tỉnh Dak Lak. Tâm sự của ông vào một chiều thu càng làm thế hệ trẻ chúng tôi hiểu và cảm phục hơn tinh thần của những chiến sĩ giao bưu thông tin một thời lửa đạn.
Ông Đỗ Hữu Bá (người đeo kính) trong buổi gặp mặt truyền thống giao bưu thông tin tỉnh Dak Lak ngày 5-8-2010 |
Xuất thân nơi miền núi La Hai, huyện Đồng Xuân (Phú Yên), thoát ly tham gia cách mạng ngay từ năm 1950, ông được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho ban Đảng bộ tỉnh Dak Lak. Tới năm 1954, tuy có lệnh tập kết ra Bắc nhưng ông xung phong ở lại bám trụ địa bàn. Để bảo đảm bí mật, những người làm liên lạc như ông phải sáng tạo, linh hoạt và chấp hành nghiêm các quy định: tập nhớ đường, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, ở không nhà và hành trang là một túi ni lông, trải ra khép lại rồi đi. Cứ như vậy, dấu hiệu nhận biết những con đường giao bưu mà ông đã đi qua chính là lá rừng, cành cây, trở nên còn thân thuộc hơn chính đôi bàn tay ông.
Một trong những kỷ niệm như đã ăn sâu vào trong tâm trí của người quân bưu có đôi mắt sáng này là cuối 1958 đầu 1959, trong một đêm trăng, khi ông cùng một đồng chí giao liên đang đi trong rừng thực hiện nhiệm vụ, bất chợt một con cọp lao ra, vồ ngay người đồng hành. Khi ấy ông chỉ kịp vơ lấy cành cây phang ngược trở lại, thú dữ gầm dữ rồi bỏ đi. Còn lại một mình nhưng với tinh thần: “Dù còn một người vẫn phải giữ cho được mạch máu hành lang”, nên trong đêm tối ông trèo và buộc mình vào cây, bám trụ lại tuyến thông tin huyết mạch. 4 ngày sau đó, đồng đội tới bắt liên lạc, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ông cùng mọi người mới tìm thấy thi hài và an táng cho người bạn đồng hành của mình. Lần thứ 2 gặp “ông 30” cũng là trong một lần ông đang thực hiện nhiệm vụ chuyển công văn, giấy tờ mật của cách mạng. Lúc đó, không thể nổ súng ông liền nhanh trí dùng hết sức bình sinh giáng mạnh cây gậy đang cầm trong tay về phía thú dữ, rồi chạy lên một ngôi nhà của người đồng bào dân tộc thiểu số gần đó. Nhờ sự trợ giúp của bà con đốt đuốc, khua chiêng đuổi thú dữ nên ông thoát nạn và tìm được đường đi khác, hoàn thành nhiệm vụ.
Những năm tháng liên tục đi trong rừng, không một tiếng người, nhớ lắm, ông chỉ mong sao nghe được tiếng nói của một ai đó để vơi đi nỗi cô độc. Nhưng khi thấy những thiếu nữ đánh cá trên sông, ông cũng chỉ dám ẩn mình bí mật mà lắng nghe, không dám lại gần trò chuyện vì bên hông là những tài liệu mật mà Đảng đã tin tưởng giao phó. Và còn đó trong ông là những kỷ niệm theo ông suốt cuộc đời: 20 ngày đêm cuối 1961, ông hộ tống đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, lúc này vừa được giải thoát từ Phú Yên vào Trung ương cục miền Nam, để chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất (2-1962) và còn nhiều đồng chí khác: Võ Chí Công, Trần Nam Trung, Phan Nhu, Ama Lê…
Tài liệu liên lạc còn quan trọng hơn cả tính mạng
Với người quân bưu Dương Thành Nghĩa, khi nhập ngũ vào năm 1964, thì vật bất ly thân và ông coi còn quan trọng hơn cả mạng sống của mình chính là những tài liệu đóng dấu “hỏa tốc”, hay “mật”. Với tâm niệm, trong trường hợp bị bắt, hoặc bị lộ thì những tài liệu mang trong người phải nuốt hoặc thủ tiêu ngay, cho dù có mất mạng, vì nếu mình để lọt tài liệu vào tay địch thì anh em, bạn bè, đồng đội sẽ hy sinh và thương vong, thậm chí gây thất bại cho cả một chiến dịch.
Ông Dương Thành Nghĩa bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm trong đời quân bưu của mình. |
Câu chuyện về sự mưu trí và lòng dũng cảm của những người giao bưu như hiện lên sống động qua lời ông kể về những kỷ niệm của bản thân mình và đồng đội. Đó là vào năm 1968, trong một lần giao liên mang tài liệu xuống H5, vô tình ông cùng 2 đồng đội đã đi vào ngay giữa chỗ đại đội địch đổ quân, chỉ cách nơi ông đứng khoảng 100m. Do đã dự phòng rất nhiều phương án từ trước và nhờ sự khéo léo, mưu trí, phản ứng tình huống nhanh nhạy nên dù bị địch phát hiện, bao vây và bắn ông bị thương, nhưng mọi người trong tổ đều rút lui và bảo vệ sự an toàn tuyệt đối của tài liệu. Cũng từ thành tích đó, ngay trong năm, ông đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Buổi lễ kết nạp ấy tuy diễn ra đơn sơ nhưng lại đầy thiêng liêng, xúc động.
Lần thứ 2 ông bị thương là vào năm 1972, khi ông dũng cảm phá mìn để dẫn đường cho cán bộ. Đối với ông, chứng tích còn lại nơi bàn tay phải đã bị cụt 2 ngón là “chiếc huy chương” đáng tự hào nhất trong đời quân bưu của mình.
Những kỷ niệm về một thời gian khó nhưng đầy hào hùng cứ gắn bó, theo ông suốt cuộc đời. Ngày đó lương thực, thực phẩm rất khan hiếm, thế nhưng mỗi lần có nguồn tiếp tế, đồng chí Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đều mang suất của mình, ân cần chia sẻ, bồi dưỡng cho anh em. Sự quan tâm của đồng chí đã trở thành động lực để ông cùng nhiều người quân bưu khác luôn tự hứa rằng sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên, Đảng và Nhà nước đã giao phó.
Ý kiến bạn đọc