Multimedia Đọc Báo in

Hai thủ lĩnh của tiểu đội nữ biệt động thành K2

19:28, 05/02/2011

Ngày 20-8-1968, Đội Xung kích hay còn gọi Biệt động thành (mật danh K2) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy và Thị đội Buôn Ma Thuột được thành lập. K2 là nơi tập trung những cán bộ ưu tú để thực hiện các trận đánh cường tập nhằm tiêu hao sinh lực địch. Trong những chiến công vang dội của K2 có đóng góp không nhỏ của hai tiểu đội nữ gắn với tên tuổi của hai tiểu đội trưởng: Trần Thị Vinh và Phan Thị Yến.

Những nữ biệt động thành K2 trong ngày gặp mặt kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3-1975 – 10-3-2010, tại Thành Đội TP. Buôn Ma Thuột, (Thứ 2 từ phải sang là chị Nguyễn Thị Vinh, thứ 5 từ phải sang là chị Phan Thị Yến)
Những nữ biệt động thành K2 trong ngày gặp mặt kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3-1975 – 10-3-2010, tại Thành Đội TP. Buôn Ma Thuột, (Thứ 2 từ phải sang là chị Nguyễn Thị Vinh, thứ 5 từ phải sang là chị Phan Thị Yến)


 Chuyện về nữ biệt động thành cánh Đông
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với bà Trần Thị Vinh (hiện trú tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) là tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát. Có lẽ đó chính là những ưu điểm, thế mạnh để bà có thể đảm nhiệm vai trò của một tiểu đội trưởng đội phụ trách ở cánh Đông, thị xã Buôn Ma Thuột những ngày trước giải phóng.

Tạm biệt mảnh đất quê hương Sơn Thắng (Quảng Nam), năm 1959, cô bé Vinh theo gia đình vào Dak Lak, lưu lạc lên Buôn Hồ rồi được giác ngộ tham gia cách mạng khi mới 12 tuổi. Tuổi thơ của người con gái xứ Quảng này gắn liền với kỷ niệm những năm tháng chiến đấu hào hùng. Đó là những lần được cùng các chú các anh đi bắt liên lạc, đi thả truyền đơn… Có một lần đi thả truyền đơn, bị địch bắt và dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, ép buộc cô khai ra cơ sở cách mạng của mình, nhưng cuối cùng kẻ thù đã thất bại trước cô bé nhỏ nhắn, gan dạ này. Không khai thác được gì chúng đành phải thả cô. Lúc ấy cô vừa tròn 15 tuổi. Tới năm 1968, cô được cử đi học lớp “Biệt động thành” ở khu căn cứ Krông Bông và gia nhập K2 phụ trách cánh Đông cùng 8 chị em hoạt động từ khu vực cầu 14 lên Tổng kho Mai Hắc Đế. Cũng trong năm này cô vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từng thước phim về những năm tháng hoạt động biệt động thành cứ dần được tái hiện qua những lời kể của bà Vinh. Đó là một trận đánh vào đầu tháng 5-1969,  khi bà cùng 5 chiến sĩ biệt động cường tập vào Đài Phát thanh địch, nơi được bảo vệ bởi một trung đội ngụy. Đồng đội bà, người chiến sĩ đã bắn 4 phát B40 yểm trợ, gây tổn thất nặng cho địch, khi nạp viên thứ 5 đứng lên ngắm, những nòng súng của quân thù hướng về phía anh đồng loạt nhả đạn, anh ngã xuống khi viên B40 cuối cùng chưa kịp rời khỏi nòng súng, lúc này bà cùng đồng đội chớp thời cơ lao lên và giành chiến thắng... Và còn nhiều trận đánh khác vào phường Tân Thành, ấp Đoàn Kết, đồi La San (khu vực Trường Cao đẳng Sư phạm hiện nay). Trận đánh đồi La San vào cuối tháng 3-1970, do rút về quá chậm, trời sáng, bà và đồng đội phải lặn xuống suối Đốc Học ẩn mình bên bụi tre, cứ như thế ngâm mình trong nước đúng một ngày, đợi đêm về.

Một chuyện khá thú vị là cả gia đình bà đều tham gia cách mạng, nhưng nhiệm vụ của mỗi người đều được giữ bí mật đến sau ngày giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3-1975 mọi người mới kể cho nhau nghe. Giờ đây khi ngồi nhắc lại những kỷ niệm năm xưa, trong tâm trí nữ biệt động thành K2 Trần Thị Vinh vẫn đau đáu niềm mong mỏi tìm được di hài của những đồng đội đã hy sinh tuổi xanh nằm lại nơi chiến trường.

Ký ức về khẩu K59
Người chiến sĩ cầm B40 lao lên, anh chưa kịp bóp cò thì những viên đạn từ chốt phòng thủ của địch tuôn ra xối xả. Anh ngã xuống… Một nữ biệt động trẻ băng tới, vừa bắn trả vừa né người tránh đạn. Đồng đội cô từ tuyến sau yểm trợ. Tiếng đạn bay xé gió rít qua tai, nhưng cô không hề nao núng và lùi bước. Một viên sượt qua má, chỉ cảm thấy hơi rát nơi mặt mình, nhưng bất kể, điều ý nghĩa nhất lúc đó với cô là đến được nơi đồng đội vừa ngã xuống với khẩu B40 vẫn nắm chặt trên tay. Nén đau thương, gỡ khẩu B40 từ tay anh, cô bình tĩnh ngắm bắn, viên đạn bay thẳng vào lô cốt địch. Đồng đội cô xông lên và giành chiến thắng… Đó là trận đánh ấp 2, thị xã Buôn Ma Thuột vào cuối 1968…  Những kỷ niệm cứ ùa về trong ký ức của bà Phan Thị Yến, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ K2 phụ trách cánh Bắc.  Kỷ niệm về trận đánh này luôn in đậm trong tâm trí bà bởi đây là chiến công đầu tiên của Tiểu đội nữ K2 do bà phụ trách; đồng thời bà được đồng chí Mười Nguyên (Bí thư B5 lúc bấy giờ) biểu dương và tặng khẩu súng K59.

Khẩu súng ấy đã theo bà suốt những năm tháng chiến đấu quên mình, cùng những trận đánh ác liệt như: trận đánh ấp 4, tập kích đại đội địch ở buôn Cuôr Knia, đền Bắc Lệ; dùng mìn đánh vào Lo Đô, trung đoàn 45 địch…  Có những hôm bà cùng đồng đội vừa mới đi tuần tra về, vai còn đeo súng, vừa vào nhà ăn, địch đã càn tới, bà chỉ kịp hô to: “Chị em về công sự, nổ súng”. Ngay lập tức mọi người đã có mặt tại công sự và nổ súng đánh trả. Trước sự quyết liệt của ta, nguyên  một đại đội địch đã phải rút lui mà không hề gây thương vong gì cho tiểu đội nữ.

Điều nuối tiếc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của bà Yến là bà đã không thể tham gia vào Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3-1975, do lúc đó sức khỏe không bảo đảm sau những lần chiến đấu ác liệt.  Xuất ngũ về địa phương, bà tiếp tục tham gia vào đội du kích và cùng đồng đội bảo vệ người dân trước đợt rút chạy của tàn quân địch. Sau ngày giải phóng, khẩu K59 gắn với bao kỷ niệm chiến trường được bà gửi lại Thị đội Buôn Ma Thuột. Với bà, K2 và khẩu K59 sẽ mãi là những ký ức đẹp, hào hùng không bao giờ quên.

Gia Thịnh

Ý kiến bạn đọc