11:14, 29/04/2011
Tham gia cách mạng khi chưa tròn 16 tuổi, gần nửa “cuộc đời lính” chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Bây giờ đã ở cái tuổi thất thập, nhưng hằng năm đến ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, trong lòng Trung tá Trần Tú Nhơn lại nhớ về ký ức “Trận đánh 6 ngày đêm lịch sử”...
Trung tá Trần Tú Nhơn (nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh đội Dak Lak), hiện nghỉ hưu tại tổ dân phố 13, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột đã kể cho chúng tôi nghe về những ký ức một thời khói lửa. Thuở nhỏ, ông từng được sống trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng tỉnh Quảng Nam. Khi mới 15 tuổi (năm 1947) cha ông là Trần Cảnh Na trong một trận đánh lớn đã anh dũng hy sinh, một mình mẹ vừa nuôi 4 chị em vừa tham gia cách mạng, nuôi dấu cán bộ và làm công tác giao liên trong suốt thời gian chiến tranh.
|
Trung tá Trần Tú Nhơn. |
Mang trong mình nỗi căm thù giặc cướp nước, hai chị gái đầu tình nguyện tham gia cách mạng hoạt động tích cực trong vùng địch hậu ở Đà Nẵng. Năm 1949, Trần Tú Nhơn khi đó mới 16 tuổi cũng xin gia nhập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với mong ước được cầm súng để “đền nợ nước, trả thù nhà”. Được đồng chí Võ Thứ (lúc bấy giờ là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 79 ở Quảng Nam) dìu dắt và giao nhiệm vụ giao liên cho cách mạng. Do thông thuộc địa bàn, lại nhanh nhẹn, tháo vát nên nhiều lần ông thoát khỏi sự truy lùng của giặc. Từ năm 1960, ông có mặt ở các chiến trường Gia Lai rồi Kon Tum, Phú Yên, Khánh Hòa và Dak Lak. Trong những năm tháng chiến đấu hy sinh, gian khổ, kỷ niệm làm ông nhớ mãi là trận đánh giằng co giữa ta và địch trong 6 ngày đêm vào nửa cuối tháng 12 năm 1967 (chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân - 1968) ở cầu 69C, đường 21 (nay là Quốc lộ 26, đoạn giữa huyện Krông Pak và Ea Kar). Đây là địa bàn diễn ra các trận đánh vô cùng ác liệt giữa quân ta và địch. Lúc đó ông là Trợ lý Tuyên huấn cho Đại đội Công binh (Đại đội 312), có nhiệm vụ gỡ mìn, gài mìn trên cầu 69C. Trong lúc chờ lực lượng tăng cường của Trung đội B3 (Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên) ông đã cùng đồng đội kiên cường giữ gìn từng tấc đất, bảo vệ huyết mạch giao thông. Trong 6 ngày đêm ròng rã, các chiến sĩ của ta đã dũng cảm chặn đánh, không cho địch tiến quân từ Phú Yên, Khánh Hòa lên Thị xã Buôn Ma Thuột. Rạng sáng 24-12-1967 quân địch tổ chức tấn công dồn dập bằng súng đại liên và trực thăng, với tinh thần cảnh giác cao độ, ta đã phát hiện được âm mưu của chúng nhưng do lực lượng quá mỏng nên 5 chiến sĩ đã hy sinh và bản thân ông cũng bị thương do bom MB9, sau đó được đồng đội đưa về Bệnh viện 211 (Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên) để chữa trị.
Thời gian qua đi, tất cả đã lùi vào quá khứ, nhưng trong ký ức của Trung tá Trần Tú Nhơn vẫn mãi mãi còn ghi dấu về trận chiến 6 ngày đêm năm xưa.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc