Nhà đày Buôn Ma Thuột – Trường học cách mạng của những người cộng sản
Tiếng hô khẩu hiệu, hò la từng đợt, từng đợt vang lên kéo dài, lan truyền đến các lao khác làm náo động cả khu vực nhà đày. Tinh thần kiên cường bất khuất của những người tham gia đấu tranh đã có tác dụng ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ tù nhân, thu hút thêm lực lượng tham gia đấu tranh và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhiều binh lính, nhân viên nhà đày...
Ông Trần Văn Quế là cựu tù cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột từ 1940 - 1945. Đó là những năm tháng “lửa thử vàng” của người chiến sĩ cộng sản, mãi mãi in đậm trong ký ức của ông. Đến nay, dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Quế vẫn nhớ rõ những ngày đấu tranh sôi nổi ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. Các cuộc đấu tranh đã tôi rèn bản lĩnh của người cộng sản.
Sinh năm 1922 tại Quảng Nam, khi vừa tròn 13 tuổi, ông Quế đã tham gia cách mạng. Đến tháng 9-1939 ông đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam và cuối năm đó ông Quế được Đảng bộ tỉnh Quảng Nam cử làm Bí thư Đoàn thanh niên Dân chủ. Tháng 1-1940, ông Quế và 7 đồng chí khác bị bắt khi đang họp chi bộ tại một gia đình cơ sở ở Núi Thành. Chúng đưa ông về giam ở nhà lao FaiFoo, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Sau gần sáu tháng giam cầm tra tấn, bọn địch không khai thác được gì ở ông Quế và đồng đội, nên đến đầu tháng 7-1940, thực dân Pháp đã đày họ đến Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ông Quế bị nhốt vào nhà lao 2 và mang số tù 3020. Trong nhà lao này có khoảng gần 40 đồng chí, toàn là những chiến sĩ Cộng sản trung kiên từ các tỉnh miền Trung đưa về bị bọn địch coi là “Tù nguy hiểm” nên tổ chức canh gác rất nghiêm ngặt. Dù vậy, các chiến sĩ của ta vẫn bí mật liên lạc với nhau dưới hình thức viết báo, hoặc trao đổi tài liệu bằng những mẩu giấy quấn thuốc nhỏ bằng hai ngón tay nên nắm được thông tin giữa các nhà lao hoặc tin tức từ ngoài vào qua một số lính canh người dân tộc bản địa đã được giác ngộ cách mạng. Cuối năm 1940, nhờ sự giúp đỡ của y tá Nhà đày Buôn Ma Thuột là Y Som Niê, chi bộ Đảng đầu tiên của những người Cộng sản bị giam cầm ở nơi đây đã chính thức được thành lập. Chi bộ có 10 đồng chí là những hạt nhân trung kiên của cách mạng bị thực dân Pháp liệt vào những phần tử “đặc biệt nguy hiểm”. Chi bộ đã đề ra 6 nội dung hành động cơ bản trong đó có những nhiệm vụ như: lãnh đạo giáo dục đảng viên, cán bộ giữ vững tinh thần đấu tranh trong tù, mở lớp huấn luyện lý luận chính trị, quân sự, văn hóa…nhằm đào tạo và chuẩn bị lực lượng cán bộ lãnh đạo phong trào quần chúng khi thoát khỏi cảnh lao tù; tổ chức bắt mối liên lạc với Đảng ta ở bên ngoài; gây cơ sở ở bên ngoài nhà đày, nhất là ở thị xã Buôn Ma Thuột và các đồn điền phụ cận…
Sau khi chi bộ Đảng được hình thành, các hoạt động đấu tranh và sinh hoạt, học tập trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đã có sự chuyển biến rõ rệt. Về lực lượng của Đảng, chỉ sau 3 tháng đã thu hút trên 70 đồng chí thuộc đội ngũ trung kiên của nhà đày. Lúc này bọn cai ngục biết được hoạt động của các chiến sĩ cộng sản trong nhà đày nên luôn cho người canh gác và thẳng tay đánh đập những tù nhân tham gia đấu tranh. Chúng phân chia tù nhân thành 4 loại: Loại đặc biệt nguy hiểm đày đi ngục Dak Mil; loại nguy hiểm nhiều thì biệt giam trong nhà đày; loại nguy hiểm vừa thì bắt lao dịch trong nhà đày; loại ít nguy hiểm thì bắt đi lao dịch bên ngoài.
Cảnh sinh hoạt, học tập của các chiến sĩ cách mạng được tái hiện tại Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Cuộc đấu tranh thứ 2 diễn ra vào đầu năm 1942. Lúc ấy bọn cai ngục ra lệnh cắt xén quyền lợi vật chất và tinh thần của tù nhân. Chúng giảm bớt chế độ ăn uống hằng ngày của người tù, gạo từ 750g xuống còn 550g, một tuần chỉ được ăn hai ngày thịt. Quần áo, thuốc men, xà phòng, sách báo và một số quyền lợi thiết thực khác đều bị chúng cắt giảm. Trước tình hình đó, ban lãnh đạo tù nhân quyết định tổ chức đấu tranh với những khẩu hiệu thiết thực: “phản đối bớt gạo thịt, đòi giữ nguyên chế độ ăn uống”, “phản đối lao động khổ sai”, “phản đối đánh đập tù nhân”. Hình thức đấu tranh là đưa kiến nghị, sau đó đình công, hô khẩu hiệu. Cuộc đấu tranh nổ ra cùng một lúc khi tù nhân lao số 1 (nơi biệt giam tù chính trị đặc biệt nguy hiểm), lao 3, 4, 5, 6 chuẩn bị đi làm. Số người trực tiếp tham gia đấu tranh gần 100 người. Địch dồn những người này vào lao số 2. Quản ngục ra lệnh cho lính dùng gậy mây song xông vào đánh tù nhân tham gia đấu tranh. Máu chảy thấm ra chiếu, ra sàn nhà, máu tóe lên tường. Bất chấp hành động dã man của quản ngục và binh lính, những người tham gia đấu tranh vẫn hô vang khẩu hiệu: “phản đối đánh đập và khủng bố tù nhân”. Tiếng hô khẩu hiệu, hò la từng đợt, từng đợt vang lên kéo dài, lan truyền đến các lao khác làm náo loạn cả khu vực nhà đày. Tinh thần kiên cường bất khuất của những người tham gia đấu tranh đã có tác dụng ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ tù nhân, thu hút thêm lực lượng tham gia đấu tranh và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhiều binh lính, nhân viên nhà đày.
Nhiều ngày sau đó, cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn, các lao vẫn giữ nguyên khẩu hiệu đấu tranh như mấy ngày trước, bất chấp cả khủng bố, đánh đập, kết hợp cả tuyệt thực, làm cho cai ngục và binh lính nhà đày phải chùn bước. Đến tuần thứ 3 thì công sứ Buôn Ma Thuột và giám ngục phải giải quyết từng bước những yêu sách của tù nhân. Tiêu chuẩn gạo ăn hằng ngày được duy trì. Các chế độ đọc sách báo, nhận thư từ, quà bánh của gia đình… cũng từng bước được giải quyết. Qua cuộc đấu tranh này, tinh thần cách mạng và lòng tin của tù nhân vào sức mạnh tập thể được nâng cao, tạo đà cho các cuộc đấu tranh tiếp theo phát triển ở mức độ và phạm vi cao hơn.
Sau cuộc đấu tranh này, cai ngục Buôn Ma Thuột phân loại lại tù chính trị, Chúng xếp ông Quế cùng hơn 10 đồng chí nữa thuộc loại “đặc biệt nguy hiểm” và đày đi ngục Đak Mil. Ngục Đak Mil cách thị xã Buôn Ma Thuột trên 60 km, nằm giữa rừng núi hoang vu, khí hậu khắc nghiệt. Tù nhân bị đày đến đây chỉ có thể bỏ xác nơi này chứ không bao giờ hy vọng có đường về vì đói rét, bệnh tật, lao động khổ sai và sự khủng bố của bọn cai ngục. Thế mà các đồng chí cộng sản của ta bị đày xuống đây vẫn tổ chức vượt ngục an toàn. Đó là đợt vượt ngục tháng 12-1942 gồm 4 đồng chí: Nguyễn Tạo, Trương Vân Lĩnh, Chu Huệ, Trần Doanh, sau 4 tháng trời vượt suối, xuyên rừng, đói rét, bệnh tật, thú dữ giữa núi rừng Tây Nguyên các đồng chí đã trở về được với cách mạng.
Đầu năm 1943, các đồng chí của ta ở ngục Dak Mil tổ chức tiếp cuộc vượt ngục lần thứ hai nhưng không thành. Biết được tin này tên quản ngục Môsin đến ngục Dak Mil điều tra và nghi các đồng chí Nguyễn Thành Hãn, Đỗ Ngọc Mai, Văn Điệp và Nguyễn Liễn đi lấy nước ngày hôm đó đã bố trí cho tù vượt ngục, nên hắn bắt và cho áp giải về Buôn Ma Thuột. Trên đường về, Môsin cho lính bắn chết hết cả bốn người. Đến giữa năm 1943, hắn điều hết tù chính trị bị đày ở ngục Dak Mil về Nhà đày Buôn Ma Thuột vì sợ sẽ có những cuộc vượt ngục tiếp. Hành động giết người của Môsin đã gây căm thù cao độ trong toàn thể tù nhân Nhà đày Buôn Ma Thuột và thôi thúc họ cùng đấu tranh chống tên thực dân khát máu với khẩu hiệu “phản đối đánh đập tù nhân”, “đổi tên giết người Môsin đi nơi khác”. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt 3 tuần liền. Môsin thẳng tay đàn áp tù nhân. Nhưng chúng càng đàn áp, khủng bố, bắn giết tù nhân bao nhiêu thì cuộc đấu tranh của tù nhân càng quyết liệt, kiên trung bấy nhiêu. Cứ sau một ngày đấu tranh tù nhân lại rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp để chỉ đạo đấu tranh tiếp, kết hợp đấu tranh hò la, hô khẩu hiệu, với đấu tranh tuyệt thực, và đưa yêu sách bằng tiếng Pháp. Cuối cùng Khâm sứ Trung kỳ phải quyết định đổi tên cai ngục khát máu Môsin đi nơi khác và thay thanh tra khố xanh Mi-Nhô làm quản ngục Nhà đày Buôn Ma Thuột. Dưới sự quản ngục của Mi-Nhô, tù nhân Nhà đày Buôn Ma Thuột được cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần, không bị khủng bố, tra tấn như trước nữa. Trái lại tù nhân được công khai học tập văn hóa, học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm hiểu lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ tám (5 - 1941) và Chương trình điều lệ Việt Minh do một số đồng chí nhớ lại và ghi chép thành tài liệu học tập… Cuộc học tập này đã tạo nên sức mạnh, ý chí đấu tranh cho các đồng chí của ta bị giam cầm nơi đây, với niềm tin tưởng cách mạng sẽ chiến thắng.
Lúc này phong trào Việt Minh đang ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng và anh em tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Do đó, địch chỉ đạo cho phân tán tù chính trị đi một số nhà lao khác. Đầu tháng 2-1944, chúng đày ông Quế và một số tù nhân xuống Nha Trang rồi đi tàu hỏa ra phía Bắc. Khoảng 8 giờ tối lúc đoàn tàu chạy qua đèo Thượng Thạch, tỉnh Quảng Ngãi, lợi dụng lúc địch mở cửa cho tù nhân ăn uống, ông Quế và ba đồng chí nữa nhanh nhẹn nhảy xuống tàu trốn thoát. Lúc đó trời tối mịt mưa phùn gió bấc, nên bọn địch không hay biết gì cả.
Ông Trần Văn Quế trở về Quảng Nam và tiếp tục hoạt động cách mạng.
(Ghi theo lời kể của bác Trần Văn Quế)
Ý kiến bạn đọc