Multimedia Đọc Báo in

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về công tác tư tưởng – văn hóa

10:56, 26/08/2011

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác tư tưởng. Theo Người, công tác tư tưởng phải phục vụ đắc lực cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phải xuất phát từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng mà xác định nhiệm vụ, nội dung, phương pháp hoạt động của công tác tư tưởng. Tính Đảng là nguyên tắc và nền tảng của công tác tư tưởng, nó bảo đảm cho các hoạt động tư tưởng của Đảng giữ vững lập trường giai cấp công nhân.

Nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8-9-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”, “Nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta”. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi ngày 31-8-1963, Người lại nói: “Nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: Một mặt là làm sao mưu lợi ích cho đồng bào. Một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào”. Như vậy, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một thể thống nhất không thể chia cắt được. Theo Người, Đảng ta chỉ có thể nâng cao giác ngộ tư tưởng cho nhân dân, hướng dẫn họ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng thì mới phục vụ được nhân dân, vì nhiệm vụ chính trị là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, đồng thời cũng là nguyện vọng cơ bản của nhân dân.

Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ (8-9-1962).      Ảnh: T.L
Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ (8-9-1962). Ảnh: T.L

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng, một mẫu mực tuyệt vời về hoạt động tư tưởng phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân. Người đã viết sách báo, làm thơ, viết văn, song như chính Người đã nói: “Tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”. Những tư tưởng trên của Người thể hiện một cách sâu sắc đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, ý chí quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trước vận mệnh của đất nước ở mỗi chặng đường lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đấu tranh tư tưởng là một mặt trận của đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng. Ngòi bút là vũ khí và những người hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa là chiến sĩ. Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8-9-1962, Người lại nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, trong thực tiễn hoạt động cách mạng, để bảo đảm tính khoa học trong công tác tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng những vấn đề sau:

-Công tác tư tưởng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế khách quan, từ quy luật phát triển của xã hội, lấy đó làm cơ sở giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu một cách có căn cứ khoa học những vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra, để từ đó họ hành động một cách tự giác và có hiệu quả.

-Quá trình tiến hành công tác tư tưởng phải bảo đảm tính chân thực. Theo Người, sự chân thực bảo đảm cho tính khoa học phát huy tác dụng mạnh mẽ vì bản thân tính chân thực có sức mạnh lôi cuốn quần chúng nhận thức và hành động đúng. Trong bài giảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17-8-1953, Người lưu ý những người làm công tác tư tưởng cần hiểu rõ: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra”.

-Công tác tư tưởng phải xuất phát từ nhu cầu, “nhằm đúng nhu cầu”, đúng đối tượng. Người đòi hỏi cán bộ làm công tác tư tưởng – văn hóa phải rất công phu trong cách nói và cách viết sao cho “Phổ thông, dễ hiểu; ngắn gọn, dễ đọc”, nhưng nội dung phải hết sức sinh động, hấp dẫn, làm cho người xem, người đọc “Hiểu được, nhớ được và làm được”. “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng… khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình”.

-Công tác tư tưởng – văn hóa phải gắn bó với cuộc sống. Người làm công tác tư tưởng – văn hóa phải sống trong phong trào cách mạng của quần chúng, đi sâu vào các lĩnh vực của đời sống, đến những mũi nhọn của mặt trận sản xuất và chiến đấu, nơi phong trào khá cũng như nơi phong trào kém, phát hiện và trả lời những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Chỉ có đi sâu vào cuộc sống thực tiễn mới tìm hiểu và đánh giá đúng thực chất tình hình tư tưởng của đơn vị, mới phát hiện được những vấn đề đặt ra trong cuộc sống và những điển hình tốt thể hiện đúng đường lối chính sách của Đảng trong thực hiện để cổ vũ, biểu dương, phát huy.

Công tác tư tưởng của chúng ta trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giúp cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn về Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đồng tình với chủ trương, đường  lối của Đảng, ra sức phấn đấu đưa đất nước sớm thoát khỏi đói nghèo, chậm phát triển, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tô Phương

 


Ý kiến bạn đọc