Multimedia Đọc Báo in

Đồng chí Võ Chí Công luôn quan tâm xây dựng mối đoàn kết giữa các dân tộc

16:04, 29/09/2011

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi hoạt động trong tổ chức học sinh - sinh viên tỉnh Gia Lai chỉ vài tháng sau Cách mạng Tháng Tám thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta. Trong số chúng tôi, người thì được ra miền Bắc, người ở lại bám cơ sở, phát huy những thắng lợi và tiếp tục xây dựng cơ sở, thực hiện đường lối kháng chiến.

Năm 1952, tôi được cử đi học ngành y ở miền Bắc, rồi phục vụ ở trường dân tộc Trung ương. Năm 1959, tôi trở vào chiến trường Dak Lak, phụ trách quân dân y. Tôi được giao nhiệm vụ phải cấp tốc đào tạo nghiệp vụ y tế cho một số anh em nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hơn 20 học sinh vừa học chữ vừa học chuyên môn, chỉ trong vòng 3 tháng, số anh em này đã biết cách băng bó, cứu thương và được phân về các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh.

Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Huỳnh Đảm dẫn đầu đã đến thăm và trao tặng Huân chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc" cho đồng chí Võ Chí Công ngày 19-12-2010.                                                                                          Ảnh: T.L
Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Huỳnh Đảm dẫn đầu đã đến thăm và trao tặng Huân chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc" cho đồng chí Võ Chí Công ngày 19-12-2010. (Ảnh: T.L)
Trong khoảng thời gian công tác tại tỉnh Dak Lak, tôi vinh dự được trực tiếp gặp đồng chí Võ Chí Công hai lần:

Năm 1973, tại Đại hội Đảng bộ Khu V ở Phước Trà (Hiệp Đức, Quảng Nam), tôi là đại biểu của tỉnh Dak Lak. Đại hội đã đánh giá tình hình ta và địch, về việc ta cố gắng giữ đất, còn địch thì cố lấn đất và đi đến nhận định: địch đang xuống dốc sau Xuân Mậu Thân 1968 và từng bước chùn ý chí xâm lược. Thế của ta ngày càng lớn mạnh. Đại hội cũng chủ trương xây dựng lực lượng mạnh về mọi mặt.

Trong thời gian giải lao, anh Năm Công (tên gọi thân mật của đồng chí Võ Chí Công) trò chuyện với tôi về tình hình Dak Lak: “A Ma Thương này, anh là Phó Bí thư Tỉnh ủy, anh có ý kiến gì về khó khăn của dân, anh nêu ra để Khu ủy tạo điều kiện giải quyết, giúp đỡ?”.

Tôi trả lời: “Thưa anh, vấn đề khó khăn lớn nhất của nhân dân lúc này là thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm; thứ hai là bệnh dịch diễn ra hoành hành và rất phức tạp ở vùng căn cứ lõm”. Anh nói tiếp: “A Ma Thương phải quan tâm, đầu tư, đẩy mạnh công tác mặt trận, đoàn kết quân dân, đoàn kết Kinh - Thượng”.

Cuộc trò chuyện tuy ngắn ngủi nhưng đã thể hiện tình cảm, sự quan tâm lo lắng của một vị lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ khu V đối với đời sống nhân dân nói chung và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng.

Tại Đại hội này, anh Năm Công đã chỉ đạo sát sao về vấn đề chính trị, quân sự, binh vận. Anh rất quan tâm đến các dân tộc ở Tây Nguyên, mỗi lần gặp tôi, anh đều dặn dò làm sao giữ gìn sức khỏe cho nhân dân, gìn giữ mối đoàn kết giữa các dân tộc.

Lần thứ hai tôi gặp anh là vào khoảng tháng 10-1974. Lúc này tôi là Phó Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak, anh Năm Công đến thăm và làm việc với Tỉnh ủy Dak Lak. Trước tiên, anh thăm hỏi gia đình, con cái, sức khỏe của từng đồng chí. Sau đó anh trao đổi sự chỉ đạo của Khu ủy với Tỉnh ủy “Thế của ta vững chắc rồi, chỉ khôn khéo mở rộng làm chủ thật sự, chuẩn bị khi có thời cơ tổng tiến công, nổi dậy ở Tây Nguyên”. Anh khen ngợi Tỉnh ủy Dak Lak đã có những sáng tạo, vận dụng phương thức chỉ đạo của trên nên giữ được vùng lõm, nhờ đó huy động được lương thực, thực phẩm cho cán bộ và lực lượng vũ trang. Trên cơ sở đó, anh đề nghị với Thường vụ Tỉnh ủy  phát triển mạnh căn cứ, xây dựng làng chiến đấu mạnh.

Anh Năm Công nói với tôi: “Chú là bác sĩ, địch rải chất độc vậy phải làm thế nào cho dân khỏi bị nhiễm độc? Chú nhớ động viên đoàn kết dân tộc, làng buôn, đoàn kết Kinh - Thượng, nhất là chăm sóc sức khỏe của nhân dân vùng căn cứ, ngăn ngừa, phòng bệnh, nhất là bệnh dịch hạch và khi có thời cơ ta sẽ “làm lớn””. Anh nói bây giờ chủ trương tấn công Xuân 1975, phải giữ bí mật, xây dựng cơ sở mạnh, phát động quần chúng tiết kiệm, đoàn kết xây dựng lực lượng cho cách mạng. Sau buổi làm việc này, Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của anh và chuẩn bị mọi điều kiện đón thời cơ.

Sau ngày giải phóng, anh Năm Công công tác tại Trung ương làm Phó Thủ tướng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, tôi không có dịp được gặp anh. Vào tháng 9-2007, tôi bị đau nằm tại bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), anh cũng bị đau đang điều trị ở đây và đã đến thăm tôi. Tuy sức khỏe yếu đi rất nhiều, phải ngồi trên chiếc xe lăn nhưng anh vẫn hỏi thăm tình hình sức khỏe, bệnh tình của tôi. Tôi rất cảm động.

Lê Năng Đông

------------

(Ghi theo lời kể của đồng chí A Ma Thương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.