Multimedia Đọc Báo in

Những kỷ niệm với anh Năm Công

16:11, 29/09/2011

Tôi biết anh Năm Công (đồng chí Võ Chí Công) từ ngày chúng tôi ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. Hình ảnh ấn tượng nhất về anh trong tôi là sự khiêm tốn, giản dị.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), được sự hỗ trợ của nhân dân thị xã, anh em trong Nhà đày Buôn Ma Thuột được thả ra một nửa. Trên đường đến Nha Trang, chúng tôi tranh thủ họp phân công về các địa phương. Họp xong rồi đi ngay. Mỗi người tỏa ra một hướng, người vào Nam, người ra Bắc; còn các anh Phan Kiện, Tổng Đình Phương, Huỳnh Bá Vân lên lại Buôn Ma Thuột.

Vào những ngày đầu tháng 8-1945, tình hình thế giới có nhiều thuận lợi cho Cách mạng Việt Nam… Số anh em tù nhân còn lại trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đấu tranh và được thả hết, sau đó được tăng cường cho địa phương. Nhiều đồng chí sau khi ra tù ở lại hoạt động tại Dak Lak như: anh Bùi San, chị Trần Thị Tư, anh Nguyễn Trọng Ba, anh Nguyễn Lợi….Từ đó tôi không có dịp gặp anh Năm Công.

Đồng chí Võ Chí Công (giữa) - Bí thư Khu ủy Khu 5 và các đồng chí Bùi Hồng Thái (phải) - Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Cao Kỳ Trí (Xuân Diệu - trái) - Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên họp tại P318.  Ảnh: T.L
Đồng chí Võ Chí Công (giữa) - Bí thư Khu ủy Khu 5 và các đồng chí Bùi Hồng Thái (phải) - Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Cao Kỳ Trí (Xuân Diệu - trái) - Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên họp tại P318. (Ảnh: T.L)
Năm 1948, quân dân Quảng Nam lập nhiều chiến công vang dội, nhất là chiến thắng Gò Nổi. Sau đó, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết tại Tam Kỳ do đồng chí Nguyễn Bá Phát chủ trì. Tôi  về dự hội nghị này và nghe báo cáo phong trào của quân dân Quảng Nam đánh giặc bảo vệ vùng tự do. Lúc này tôi biết anh Năm Công đã về công tác tại Liên Khu V.

Trong Hội nghị Đảng bộ Liên khu V tổ chức tại địa điểm phía bắc thị trấn An Lão (Bình Định), tôi lại gặp anh Năm Công và các anh trong Ban Chấp hành Đảng bộ Liên khu V như: Nguyễn Chánh, Bùi San. Ấn tượng đậm nét về anh Năm Công là con người giản dị, mộc mạc nhưng quyết đoán, rất quần chúng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi ít có dịp gặp anh vì địa bàn công tác khác nhau. Anh công tác tại Khu ủy V, tôi công tác tại Khu VI. Sau khi Khu VI giải thể, tôi chuyển về công tác tại Phân khu Nam thuộc Khu V gồm các tỉnh Dak Lak, Phú Yên, Khánh Hòa… Khi có hội nghị lớn hoặc Đại hội Đảng bộ Khu V, tôi về dự mới gặp được anh. Hầu hết anh em đều gọi anh Năm hay anh Năm Công một cách đầy trìu mến. Trong các cuộc họp, hội nghị đó, tôi ngồi nghe chăm chú, nhất là phần đánh giá tình hình, ưu khuyết điểm, ý kiến phát biểu của các anh trong Khu ủy.

Đồng chí Võ Chí Công và các cháu thiếu nhi.           Ảnh: T.L
Đồng chí Võ Chí Công và các cháu thiếu nhi. (Ảnh: T.L)
Đất nước giải phóng, Nam - Bắc thống nhất, tôi vẫn ở Dak Lak, anh Năm ra Hà Nội công tác. Năm 1986, tôi cùng đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Cùng thời gian đó, anh Năm vào thăm Tây Nguyên, trong đó có Dak Lak: Nghe anh về thăm, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tiếp anh thân mật như người thân trong gia đình, cùng ôn lại những kỷ niệm trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Anh Năm tranh thủ thăm lại Nhà đày Buôn Ma Thuột và đến thăm nhà tôi. Anh hỏi anh em: “Đồng chí Y Blôk  có nhà ở chưa ?” Thấy trong sân nhà tôi để ngổn ngang nguyên vật liệu, anh quyết định cho xây một căn nhà đàng hoàng. Thực ra tôi chỉ có ý định làm một ngôi nhà nhỏ tạm để ở, kết hợp làm kinh tế vườn, tự túc lương thực nuôi các con ăn học. Khi công tác về, tôi nói với các anh em trong cơ quan là làm nhà vừa thôi, phù hợp với khả năng của mình (nhà trệt cấp bốn) với trị giá khoảng năm, sáu trăm nghìn đồng. Cuối năm 1986 thì nhà xây xong.

Gần đây, anh Năm Công lại về thăm Dak Lak, chúng tôi gặp nhau, hàn huyên tâm sự về tình cảm gắn bó đồng đội, đồng chí. Anh mừng cho hoàn cảnh gia đình của tôi đã ổn định, con cái đã lớn khôn, có công ăn việc làm, hai vợ chồng hưu trí sống cuộc sống tuổi già, chăm lo vườn tược. Anh khuyên tôi nên phát huy những truyền thống tốt đẹp trong sinh hoạt của gia đình, quan hệ tốt với bà con khu phố, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn…

Trong trí nhớ của tôi, anh Năm Công dù là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nhưng rất giản dị, mộc mạc, luôn quan tâm đến cuộc sống thường ngày của đồng chí, đồng đội.

Lê Năng Đông

----------------

(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Y Blôk ÊBan, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.