Nhớ Tết chiến khu
Ngày ấy trong căn cứ Krông Bông mang mật danh H9, tháng cuối cùng của năm Giáp Dần, chúng tôi chuẩn bị đón Tết Ất Mão – 1975 với nhiều niềm vui nhưng thật khẩn trương và sôi động.
Ở cấp thấp nên chẳng biết gì nhiều, đoán mò là chính nhưng ai cũng vui mừng vì khí thế đang lên của cách mạng. Hàng viện trợ của miền Bắc đã vào tới Dak Lak, có những trạm trung chuyển bằng xe vận tải, xe đạp thồ, bớt đi nhiều việc gùi, cõng. Tất nhiêu, ưu tiên số một vẫn là vũ khí, quân trang, quân dụng rồi đến thuốc men y tế, sau cùng mới là gạo và nhu yếu phẩm. Nói đến điều này cũng xin nhắc lại cho rõ hơn: Chiến trường Dak Lak ở xa Trung ương Cục miền Nam, xa cả miền Bắc nên suốt thời gian chống Mỹ hầu như chỉ được chi viện quân, dân chính còn lại phải tự túc hoàn toàn – kể cả lương thực. Nhạc sĩ K’Pa Púi đã nói với tôi: “Đã vào đây phải biết dùng dao quắm phát rẫy, dùng súng đánh giặc rồi hãy nói đến chuyên môn”. Thế mà lại được nhận gạo từ miền Bắc chi viện, hỏi làm sao không sướng? Niềm vui mừng lớn thứ hai là nghe tin giải phóng thị xã Phước Long, lần đầu tiên một tỉnh miền Nam hoàn toàn giải phóng, Mỹ không có khả năng đem quân trở lại. Trong chúng tôi có người biết rằng còn gian khổ nhưng lạc quan tếu táo: Phen này “ăn gỏi” ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Ban cán sự H9 (huyện Krông Bông, Krông Pak ngày nay) tổ chức mít tinh (bây giờ coi như lễ xuất quân) phát động thi đua tham gia chiến dịch. Khu đất trống giữa rừng được đóng những bàn ghế đơn giản. Những thân cây tròn đặt trên chạc cây hình chữ V như kiểu súng cao su đóng xuống đất làm chỗ ngồi cho đại biểu sao mà thiêng liêng thế. Từng cơ quan về tổ chức Tết tùy theo số người của đơn vị mà giã thêm mấy gùi lúa, chuẩn bị heo, gà và cả việc phân công đi bắn thú rừng cải thiện. Bàn thờ trang trí ngoài cờ đỏ sao vàng còn có cờ Mặt trận giải phóng, ảnh Bác Hồ, bánh trái và cành mai rừng. Nơi nào có anh em miền Bắc thì có thêm cành đào giả (cành cây tuốt hết lá, cắt dán hoa đào). Có đơn vị viết thêm câu đối.
Thời chống Mỹ, ở chiến trường Dak Lak chưa có Tết nào vui bằng Tết Ất Mão, cả vật chất lẫn tinh thần. Nhớ lại Tết Mậu Thân – 1968 bị thiệt hại nhiều, địch dồn đuổi, không còn cái ăn, nhiều đơn vị phải chia nhau từng nắm lá sung để cầm hơi.
Tết Kỷ Dậu – 1969, địch đổ quân vào căn cứ H9, thọc sâu vào khối Tư tưởng – Văn hóa trong đó có Văn hóa, Giáo dục. Địch đánh vào đội chiếu bóng (nay là đội chiếu phim) của anh Kha, anh Kỳ. Nguyễn Trúc giữ súng trung liên nên làm nhiệm vụ chặn địch cho toàn đội rút chạy. Trúc đã bị thương, hiện còn vết đạn kéo dài trên ngực. Nay cả ba đều còn sống, cái đồi ấy vẫn được gọi là đồi Điện Ảnh. Đoàn Văn công của K’Pa Púi, Minh Phong, Krông Y Tuyên sau khi địch rút, trở về cả cơ ngơi đã bị đốt sạch. Sau này viết về ngày ấy, tôi còn rưng rưng bùi ngùi:
Tết đến rồi mà lán thành tro bụi
Đón giao thừa với củ sắn trên tay.
Quay lại Tết Ất Mão – 1975, vừa mới ăn tết ở Tiểu ban Giáo dục H9, tôi được lệnh về Ban Giáo dục tỉnh, nhận nhiệm vụ thay anh Hoàng Đức Hiển (gọi là Hiển A quê ở Hải Phòng) phụ trách Trường Nội trú vì có điện khẩn phải đi phía trước. Ngoài chuyện gian khổ, vượt đường 21 (nay là 26), đường 14 còn là chấp nhận sự hy sinh với những người đi phía trước. Ngoài Hiển A còn có Hoàng Hoa Nô cô gái người Tày khá xinh là y tá cùng đi. Chia tay bịn rịn, thương người ra đi và cả thương người ở lại. Không lâu sau đến lượt Nguyễn Đức Hiển (gọi là Hiển B quê ở Nam Định) được lệnh dẫn học sinh đi dân công gùi đạn vào chiến dịch. Kẻ địch trước khi chết vẫn điên cuồng chốt chặn, ba lần không vượt được đường 21 lại phải quay về căn cứ cách mấy ngày đường để giã thêm lúa, thêm ngô.
Rồi đến lượt tôi nhận được điện khẩn của Trưởng Ban Giáo dục tỉnh lúc bấy giờ là Hồ Thược: “Anh Chỉnh đi gấp, nếu không kịp là có tội”. Tôi hòa mình vào đoàn người theo bước chân giao liên dẫn đường, dù chưa hưởng cái Tết thật đầy đủ, đàng hoàng nhưng vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời mình bởi sức xuân dân tộc làm nên Chiến thắng Buôn Ma Thuột, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Đấy mới chính là mùa xuân vẹn toàn.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc