Multimedia Đọc Báo in

Những phiến đá khắc ghi dấu tích thời khói lửa

14:41, 21/01/2012

Trong nhà kho của Đội K51 có những tài sản mà các thành viên  của Đội vô cùng nâng niu cất giữ, đó là những phiến đá và cả những vật dụng tưởng vô cùng giản dị như: một cái tăng, tấm kẽm… Không phải nó quý vì giá trị vật chất mà chính là ý nghĩa tinh thần chứa đựng trong những phiến đá, vật dụng này được tìm thấy trong hành trình tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam.

Vậy mà cũng đã 10 năm kể từ ngày thành lập Đội K51 này. Theo quyết định của UBND tỉnh, Đội K51 có nhiệm vụ quy tập hồi hương hài cốt các liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia về nước. Đó cũng là 10 năm những thành viên, chiến sĩ của Đội K51 ăn ngủ với rừng, lặn lội nơi rừng hoang suối sâu với mục đích cao cả là đưa các anh về đất Mẹ Việt Nam. Thời gian gần 10 năm theo những chuyến hành trình tìm kiếm đồng đội, chưa đủ lâu cho một đời người nhưng đối với Thiếu tá Bùi Quang Thành, người đã gắn bó với Đội từ ngày đầu thành lập, 10 năm làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ là quãng thời gian trưởng thành cả về tuổi đời và tuổi nghiệp. Trong tâm trí của anh là những kỷ niệm không phai mờ của mỗi chuyến hành trình và ở đó những câu chuyện về từng phiến đá, mỗi mảnh kẽm, vật dụng… cũng là những ký ức không phai nhòa. Đó là vào một buổi chiều cuối năm 2006 (khoảng tháng 11 âm lịch), anh chỉ huy anh em làm nhiệm vụ quy tập ở khu vực suối Ôpalai, huyện Bátchangđa, tỉnh Mundukiri, đội ròng rã đi qua từng cánh rừng mà vẫn không thể tìm thấy những dấu vết. Anh em định rút về, thế nhưng trong lòng mỗi thành viên của Đội vẫn canh cánh khi đồng đội còn nằm lại nơi rừng sâu. Anh Thành tâm sự, lúc này, sau khi hội ý với các thành viên trong Đội, tất cả mọi người đều quyết định sẽ tranh thủ tìm kiếm thêm, cho dù chỉ là một tia hy vọng mong manh. Linh cảm và sự quyết tâm của cả đội đã được bù đắp khi 5 ngày sau, một thành viên trong đội tình cờ nhìn thấy một phiến đá nhỏ nằm cùng những phiến đá bình thường khác. Nhưng điều đặc biệt  trên viên đá ấy là có khắc ghi một con số. Điều đó gieo hy vọng cho toàn Đội bởi linh cảm rằng đây có thể là một vết tích để đến gần với đồng đội. Mọi người hối hả quay lại tìm kiếm, lần lượt nhiều bia đá hiện ra với các số thứ tự được khắc chỉn chu và dưới những phiến đá ấy là 30 phần mộ liệt sĩ đã hy sinh năm 1968…

Những phiến đá, vật dụng mang trong mình bao câu chuyện về những người con của Tổ quốc đã ngã xuống vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Những phiến đá, vật dụng mang trong mình bao câu chuyện về những người con của Tổ quốc đã ngã xuống vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Và còn nhiều nữa các phiến đá, vật dụng, những kỷ vật chiến trường ẩn chứa trong đó bao điều đang chờ được giải đáp. Đó là từng dòng chữ, con số được khắc vội vàng trong thời chiến, rồi dần bị che mờ bởi thời gian, nhưng lại là những vết tích quý báu khi lưu lại danh tính, quê quán, đơn vị, năm sinh, năm mất của liệt sĩ. Song hành cùng những phiến đá được mang về là nỗi niềm trăn trở của các thành viên trong Đội K51, khi mà trong số đó chỉ có 22 phiến đá đã giúp xác định được đầy đủ tên tuổi, quê quán của 22 liệt sĩ, và vẫn còn biết bao phiến đá chưa rõ tên liệt sĩ đang được lưu giữ trong căn nhà kho của đội. Trong những chuyến hành trình tìm kiếm, có những câu chuyện mà các thành viên Đội K51 không bao giờ quên. Đó là vào một ngày đầu tháng 3-2010, sau khi toàn Đội đi theo sự hướng dẫn của người dân địa phương nhưng tìm cả ngày trời vẫn không phát hiện dấu vết nào nên anh em quyết định rút quân. Ngay lúc ấy bỗng thấy một mô đất trông giống như ụ mối và các thành viên trong Đội đã tìm thấy một tấm kẽm, trên đó là những dòng chữ được đục khắc một cách cẩn thận họ tên của liệt sĩ Nguyễn Văn Thắng, thôn Hồng Hà, xã Hát Môn, tỉnh Hà Tây cũ. Anh hy sinh ngày 2-3-1975, và rồi đúng vào ngày 2-3-2010, tức là đúng 35 năm sau đồng đội đã tìm được phần mộ của anh và nếu chỉ chậm vài ngày thì khu vực này sẽ được san ủi trồng cao su.

Trong căn phòng nhỏ nằm im ắng dưới bóng cây rợp mát của đơn vị là những phiến đá xếp chồng lên nhau, những vật dụng lưu giữ những vết tích của 10 chuyến hành trình, trải dài theo những cánh rừng thuộc các địa danh: Ôrang, Pakchămđa, Cônhét, Keosơma và nhiều phum, sóc khác trên tỉnh Mundunkiri của nước bạn Campuchia. Mùa xuân này, các anh lại lên đường sang đất bạn Campuchia để tiếp tục chuyến hành trình lần thứ 11, với mong mỏi sẽ tìm thấy được nhiều hơn dấu tích của những đồng đội còn đang nằm lại nơi núi rừng mênh mông và đưa các anh trở về quê hương đất Mẹ.

Gia Thịnh


 


Ý kiến bạn đọc