Multimedia Đọc Báo in

Hương Tức Mặc – Nơi phát tích nhà Trần

05:40, 02/03/2012

Ai có dịp về thăm Nam Định hẳn sẽ có dịp đến làng Tức Mặc, là một trong năm làng của xã Lộc Vương thuộc ngoại thành Nam Định. Cũng dáng nét đơn sơ, bình dị như bao làng quê khác trên đất nước ta nhưng Tức Mặc mang trong mình một niềm tự hào riêng mà không nơi đâu có được.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262), Thượng hoàng về chơi hành cung Tức Mặc, ban yến tiệc cho nhân dân, nhân đấy thăng hương Tức Mặc lên làm phủ Thiên Trường, dựng cung Trùng Quang cho các vua đã nhường ngôi về ở phía Tây cung, dựng chùa Phổ Minh, lại dựng một cung riêng cho Tư quân (vua đương triều) đến chầu Thượng hoàng ở đó gọi là cung Trung Hoa”. Thật ra, năm 1262 là năm vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278) cho mở mang thêm chùa, còn chùa Phổ Minh đã được xây dựng từ thời nhà Lý. Với lối kiến trúc tiêu biểu cho cả hai thời đại Lý - Trần, chùa được liệt vào hàng đại danh lam của cả nước. Đến năm 1305, vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) mới cho xây dựng tiếp trong khuôn viên chùa ngọn tháp Phổ Minh cao 21,2m với 14 tầng để bổ sung vào tổng thể kiến trúc, làm tôn thêm vẻ thâm nghiêm của chùa.

Đền Thiên Trường - Nam Định.

Cách chùa Phổ Minh không xa là đền Trần, nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn (1232 - 1300), là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất, nhà văn lỗi lạc của dân tộc ta. Ông là người hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, là cháu ruột của vua Trần Thái Tông, ông đã thống lĩnh quân dân Đại Việt 2 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông vào các năm 1285 và 1288. Đương thời, ông được nhân dân kính trọng, lập đền thờ ở Vạn Kiếp (tỉnh Hải Dương). Triều đình đã phong tặng ông danh hiệu “Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Vương”.

Hương Tức Mặc được coi là nơi phát tích để ghi nhớ công lao sáng lập uy danh của một dòng họ lớn. Dù hơn 7 thế kỷ đã trôi qua nhưng làng Tức Mặc vẫn giữ nguyên được đặc điểm của riêng mình, đó là cả làng chỉ có một dòng họ sinh sống. Họ Trần là dòng họ của làng. Hiện nay, với gần 400 hộ gia đình, phần lớn là dân sở tại mang họ Trần với 4 chi lớn, đó là Trần Thế, Trần Đăng, Trần Huy, Trần Xuân và còn có cả những người ngụ cư, tất cả đều tự nguyện đổi thành họ Trần. Người dân Tức Mặc cho rằng, đó là một cách giữ làng, giữ cái phẩm cách riêng của dòng họ Trần uy danh.

Ở Tức Mặc, các di tích của nhiều công trình nằm sâu trong lòng đất đã được phát hiện trong các lần khai quật khảo cổ. Đặc biệt là lần khai quật năm 2006 đã phát hiện hàng vạn di vật có niên đại và tầng văn hóa kéo dài từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19 như: gạch lát nền hình vuông có chữ “Vĩnh Ninh Tường”, các loại ngói mũi lá, mũi hoa sen đơn, kép và dấu tích các bờ đá kè, nền sân, nền gạch cùng những bồn hoa, móng trụ. Đợt khai quật qui mô này là cơ sở khoa học để khẳng định hành cung Thiên Trường là kinh đô thứ hai của nhà Trần sau kinh đô Thăng Long.

Cụm di tích đền Trần nổi tiếng được tạo lập ngay trên mảnh đất dấy nghiệp cũ của nhà Trần mãi cho đến ngày nay vẫn còn gần như nguyên vẹn, bao gồm: đền Thiên Trường, đền Cổ Trạch và chùa Phổ Minh. Đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần được khởi dựng từ thời Hậu Lê, còn đền thờ Cổ Trạch thờ Đức Trần Hưng Đạo được dựng từ thời nhà Nguyễn. Đặc biệt khu chùa tháp Phổ Minh đã được đánh dấu trong “Hồng Đức đồ bản”, là tấm bản đồ cổ nhất ở nước ta. Khu chùa Phổ Minh được coi như đại danh lam của nước Đại Việt, khẳng định giá trị trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

Tổng thể chùa tháp ở Tức Mặc, theo giới chuyên môn, đã tìm thấy dấu ấn mang tính đặc trưng của văn hóa Trần. Ngọn tháp trước chùa Phổ Minh được xây dựng muộn hơn. Sau khi vua cha Trần Nhân Tông quy Phật ở núi Yên Tử, Trần Anh Tông lên ngôi đã đem 7 trong số 21 xá lị (tro xác) của vua cha đặt lên kiệu bát bằng đá có bốn đầu rồng rồi truyền xây tháp lên trên. Tháp được xây dựng theo lối kiến trúc thời Lý nhưng đến nay vẫn giữ được gần như nguyên dạng. Tầng đế tháp xây theo kiểu khám thờ với các chi tiết chạm khắc sóng nước, mây trời, hoa cúc, hoa chanh... đó là biểu tượng của tư tưởng Phật giáo phái Trúc Lâm.

Hằng năm, làng Tức Mặc tổ chức hội đền Trần từ 15 – 20 tháng 8 âm lịch, nhưng những hội năm chẵn mở lớn hơn hội năm lẻ. Là lễ hội quốc gia nên được cử hành rất trọng thể, đón rước linh đình và tổ chức nhiều trò vui chơi sôi nổi, hấp dẫn trong đó có múa bài bông và hát văn, tương truyền có từ thời nhà Trần.

Nguyễn Nhân


Ý kiến bạn đọc