Multimedia Đọc Báo in

Ký ức những năm tháng trên chiến trường của một thầy thuốc

15:20, 26/07/2012

Mỗi khi nhắc đến đồng chí, đồng đội, nhắc đến hồi ức những năm tháng làm công việc của một người thầy thuốc trên chiến trường, ông lại khóc, khóc suốt buổi trò chuyện với chúng tôi. Nhiều người đã quá quen với tên tuổi của ông - Bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Đức Phồi, hiện đang sống tại số 1 đường Giáp Hải, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.

Ông tốt nghiệp đại học ở Cộng hoà Dân chủ Đức từ những năm 1960, sau đó về nước và tham gia giảng dạy tại Đại học Y Dược Hà Nội. Cũng như lớp lớp thanh niên yêu nước, tạm biệt phấn trắng, bảng đen, ông vào chiến trường tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, trong đó Dak Lak là điểm dừng chân lâu nhất và cuối cùng trên chặng đường chiến đấu. Cuối năm 1967 đầu năm 1968, bác sĩ Nguyễn Đức Phồi công tác tại Ban Dân y của tỉnh rồi làm Bệnh xá trưởng Bệnh xá H4, gồm các huyện Krông Năng, Krông Buk, Ea H’leo và một phần thị xã Buôn Ma Thuột ngày ấy.

Ký ức một thời binh lửa với Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Đức Phồi là những năm tháng vượt khó vượt khổ, vượt hiểm nguy để vừa chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ của một thầy thuốc trên chiến trường. Bác sĩ Phồi chia sẻ: Khó khăn đầu tiên phải kể đến của ngày ấy là rất thiếu về nhân lực để những người làm công tác y tế vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương, bảo đảm cứu chữa cho thương bệnh binh kịp thời trong mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh. Y tá còn đếm trên đầu ngón tay nói chi đến bác sĩ. Theo phương châm: vừa làm vừa đào tạo, y tá chưa được thì đào tạo thành “nửa tá”, thử nghiệm thực tế trước đã là lò luyện hữu hiệu để Bệnh xá H4 sở hữu một đội ngũ y, bác sĩ có đủ kiến thức sơ đẳng và hơn hết là thừa tâm đức cũng như dũng cảm để xung trận.

Hoàn cảnh thiếu thốn về lương thực cũng đã đào tạo cán bộ nhân viên của Bệnh xá H4 trở thành những con người “n” trong 1: bác sĩ - chiến sĩ - nông dân. Những khi không bận bịu lo chuyện chuyên môn, bác sĩ Phồi cùng cán bộ nhân viên lại lo khai hoang để trồng mì, lúa, bắp. Cứ khoảng tháng 11 là cả Bệnh xá lại chuẩn bị đón Tết sớm để đúng dịp Tết ra trận. Vậy mới có một kỷ niệm vui, đó là vào Tết năm 1972, mọi người đang hào hứng chuẩn bị bánh chưng, bánh tét, hoa rừng mừng Xuân mới thì địch đi càn. Cán bộ, nhân viên, thương bệnh binh được sơ tán kịp thời. Khi tình hình yên ổn, mọi người quay trở lại để tiếp tục đón Xuân thì sản phẩm còn lại là một lá thư với lời nhắn gửi ngắn gọn: "Cảm ơn bác sĩ Phồi đã cho ăn một cái Tết ngon và hẹn gặp lại bác sĩ". Uy tín và danh tiếng của ông ngày ấy khiến cho kẻ địch nhiều lần mua chuộc, dụ dỗ ông ra hàng nhưng “sức mấy mà khuất phục được, tôi là con người “n” trong 1 mà”, bác sĩ Phồi dí dỏm.

Chiến tranh, điều kiện khám chữa bệnh khó khăn, hiểm nguy là tất nhiên nhưng những thiếu thốn càng nhân lên, thử thách tài sức của y bác sĩ khi nguồn thuốc men vô cùng eo hẹp. Thuốc tây ngày đó hiếm và quý như muối ăn, thuốc bổ chủ yếu là C và B1. Vậy là cùng với việc chủ động về lương thực, thuốc men đơn vị cũng phải tự tính toán, lo liệu. Dược liệu từ núi rừng được tận dụng tối đa. Cây đa đa, cây mằng lăng rồi cả xương động vật... tất cả được nấu rồi sắc thành cao, làm các vị thuốc sơ cứu vết thương hiệu quả cho bộ đội.

Trên chiến trường ngày ấy, công việc của những người làm nhiệm vụ y tế như ông, không đơn giản chỉ là việc chăm sóc sức khoẻ thương bệnh binh mà đáng kính trọng là những hy sinh để bảo vệ bệnh nhân của mình. Rất nhiều câu chuyện cảm động ông đã kể cho chúng tôi nghe. Đó là sự nhường nhịn, chia sẻ từng khẩu phần ăn của tập thể y bác sĩ trong Bệnh xá cho thương binh. Nhiều đồng nghiệp của ông hy sinh khi làm nhiệm vụ, manh mối duy nhất để mong sau này còn có cơ hội tìm lại là lọ pênixilin và dòng thông tin tên tuổi hoặc địa chỉ viết vội được chôn cùng thi hài. Có những nữ y tá hy sinh trên đường ra trận, đồng đội chỉ kịp lấy đá lấp vội xác, kết thúc chiến dịch quay lại thì không tìm thấy di hài do mưa rừng, lũ đã cuốn trôi! Chẳng ai nói ra nhưng chiến tranh ác liệt xung trận là không hẹn ngày về. Nhiều y sĩ, chiến sĩ trẻ trước khi lên đường, họ nhờ ông sửa giúp chiếc đồng hồ hay chiếc radio nhưng sau đó và đến tận bây giờ có những người chẳng bao giờ quay về tìm ông để lấy lại. Và ông ngậm ngùi biết rằng họ đã ra đi mãi mãi...

May mắn, hạnh phúc được chứng kiến những năm tháng hoà bình, trong lòng ông luôn day dứt khi nhiều gia đình vẫn chưa tìm được di hài của người thân. Bởi vậy suốt từ năm 1985 đến nay cứ có cơ hội, có người rủ là ông sẵn sàng tham gia đi tìm hài cốt liệt sĩ, chí ít là những địa bàn ông đã từng sống, làm việc và chiến đấu dù biết hành trình ấy không hề dễ dàng.

Có lẽ lịch sử không làm sao có thể tái hiện sinh động hơn ký ức của những người từng kinh qua lửa đạn như Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Đức Phồi và biết bao đồng chí đồng đội của ông. Họ là những trang nhật ký sống của lịch sử. 

Đàm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.