Multimedia Đọc Báo in

Người ước ao làm sứ giả đưa anh linh Anh hùng liệt sĩ về Đất Tổ

09:58, 25/07/2012

Chưa hết ngạc nhiên, giờ không ít người bảo ông “khùng” khi vét hết tài sản để tiếp tục đeo đuổi tâm nguyện muốn làm sứ giả đưa anh linh Anh hùng liệt sĩ về Đất Tổ. Ông là Nghệ nhân Võ Văn Hải, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Dak Lak.

Nhiều đồng nghiệp trong giới văn nghệ sĩ “nín thở” khi nghe dự án của ông. Ông nung nấu, trăn trở và quyết tâm thực hiện cuộc du hành qua các Nghĩa trang Liệt sĩ của 63 tỉnh, thành với mong muốn xin tiếp nhận mỗi nơi 1,5 kg đất và sẽ kết lại thành tấm bản đồ Việt Nam có đủ 63 mẫu đất cùng danh sách các Anh hùng liệt sĩ để dâng lên Ngày Giỗ Tổ 10-3 năm Nhâm Thìn. Công trình ấy ông đặt tên là “Hồn thiêng đất Việt”. Ngày 1-11-2011, ông đã chính thức hiện thực hoá ý tưởng của mình bằng việc đến xin đất tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Dak Lak. Theo kế hoạch ban đầu, dự kiến công trình hoàn thành trước 10 ngày diễn ra Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tức ngày 1-3-2012, tấm bản đồ độc đáo, đầy ý nghĩa nhân văn này sẽ được đặt tại Đền Hùng. Tiếc là vì nhiều nguyên nhân, công trình đến giờ vẫn còn dang dở.

Vượt qua những con đường ngoằn ngoèo, sâu hun hút chúng tôi mới đến được nhà của nghệ nhân Võ Văn Hải. Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ, tường chưa trát vôi ve nằm lọt thỏm giữa những lô rẫy cà phê, xung quanh vắng vẻ chẳng thấy một nóc nhà nào khác. Tài sản lớn nhất trong nhà là những tác phẩm nghệ thuật của ông và một miếu thờ tử sĩ. Ông Hải ngậm ngùi: "Chỉ cách đây chừng hai tháng, dù chẳng giàu có nhưng tôi cũng có một cơ ngơi với nhà cửa kiên cố, vừa rồi tôi đành phải bán để trả nợ ngân hàng". Chuyện là, để có chi phí làm công trình “Hồn thiêng đất Việt”, ông đã phải cầm cố, vay mượn ngân hàng gần 100 triệu đồng.

Nghệ nhân Võ Văn Hải rong ruổi khắp nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh thành xin đất để thực hiện công trình
Nghệ nhân Võ Văn Hải rong ruổi khắp Nghĩa trang Liệt sĩ các tỉnh, thành xin đất để thực hiện công trình "Hồn thiêng đất Việt"

Đại tu được chiếc xe máy, một mình ông rong ruổi, gặp đâu ăn đấy, ngủ nhà trọ để đến từng Nghĩa trang Liệt sĩ các tỉnh xin đất. Đến Nghĩa trang Liệt sĩ nào, ông cũng cùng cán bộ địa phương thắp hương dâng hoa, làm biên bản bàn giao mẫu đất có chữ ký đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và quản trang. Mải mê với công trình này, không có người chăm bón, 2 sào rưỡi ớt của gia đình ông vụ vừa rồi mất trắng. Khi đã đi đến được gần 40 tỉnh, thành thì ông cạn vốn. Xoay xở, xin hỗ trợ từ nhiều nguồn chưa được, tiền vay ngân hàng thì đến hạn trả, ông đành bán đất, bán nhà dắt díu vợ con tá túc trong căn nhà tạm bợ này. Còn những nắm đất quý báu đã xin được từ các Nghĩa trang Liệt sĩ, một phần ông đem gửi ở chùa Phổ Minh, một phần ông lập miếu thờ tại nhà.

Đến đâu ông cũng được sự giúp đỡ tận tình của
Đến đâu ông cũng được sự giúp đỡ tận tình của các cựu chiến binh và nhân viên quản trang ở Nghĩa trang Liệt sĩ

Ông tâm sự, nhiều đêm ông thức trắng, phần vì thương vợ con do chiều ông mà ra cơ sự này, nhưng day dứt nhất là ông lỗi hẹn với các Anh hùng liệt sĩ. Một thời tham gia thanh niên xung phong nên ông cũng hiểu lắm những mất mát hy sinh. Biết bao chiến sĩ cách mạng đã nằm lại chiến trường, mãi mãi không trở về. Ông mong muốn thông qua “Hồn thiêng đất Việt” mình sẽ là sứ giả đưa các Anh hùng liệt sĩ về với Đất Tổ linh thiêng để linh hồn những người đã khuất được thêm nhiều an ủi, thân nhân các liệt sĩ có thể tìm đến đây như gặp lại chồng, cha, anh, chị, con em mình.

Chúng tôi nhớ đến lời của nghệ nhân Hải trước khi ông khởi hành thực hiện công trình “Hồn thiêng đất Việt”: “Hành trình vất vả nhưng tôi quyết tâm làm đến cùng dù phải đem tài sản gia đình thế chấp”. Tài sản gia đình thì ông đã thế chấp rồi, giờ lại thấy ông hồ hởi với công việc sản xuất trồng trọt và làm các sản phẩm từ gỗ cây cà phê. Ông lạc quan lắm: “Anh linh các Anh hùng liệt sĩ sẽ phù hộ để việc làm ăn của tôi thuận buồm xuôi gió, có tiền, tôi sẽ lại tiếp tục đi xin lấy đất ở Nghĩa trang Liệt sĩ các tỉnh còn lại và còn sống ngày nào tôi còn đeo đuổi “Hồn thiêng đất Việt”...

Đàm Anh


Ý kiến bạn đọc