Multimedia Đọc Báo in

Vua Minh Mạng - người có công lớn trong việc hình thành kho mộc bản triều Nguyễn

10:12, 07/08/2012

Minh Mạng là một vị vua không những giỏi về triều chính, cách cai quản đất nước, lập nên nhiều công trạng, trong đó có việc thống nhất đất nước từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà còn rất giỏi thơ phú văn chương, đam mê sưu tầm thư tịch văn hiến của các triều đại. Ông đã sáng tác rất nhiều thơ phú, theo thống kê, thơ Ngự chế của Minh Mạng có hơn 3.500 bài, ngoài ra còn các tập chỉ dụ Ngự chế văn hàng trăm bài. Nhưng nói đến vua Minh Mạng, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến công lao của vua trong việc gìn giữ và sưu tầm khối tài liệu mộc bản quý hiếm còn bảo quản đến ngày nay tại Đà Lạt.

Khối tài liệu mộc bản được lưu trữ tại Đà Lạt hiện nay được hình thành từ khá sớm, khởi nguyên ban đầu theo nhiều nhà nghiên cứu là được vận chuyển từ Văn Miếu Bắc Thành về Huế theo chỉ dụ của vua Minh Mạng. Điều này cũng có cơ sở, bởi nhiều bộ sách mà hiện nay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV quản lý có khá nhiều bộ sách được khắc in ở các nhà in ở Bắc Thành. Chẳng hạn như nhà khắc in Hải Học Đường ở Hải Dương khắc các bộ sách: Lịch triều sách lược, Văn tuyển, Bạch Vân Am thi tập, Danh phú, Danh thi hợp tuyển,  Danh văn tinh tuyển,  Độc sử si tưởng tập, Giang thương thi tập, Truyện phú; những bộ sách do Đền Quan Thánh tàng bản như: Dưỡng chính di quy, Giáo nữ di quy, Tại quan pháp giới lục, Tòng chính di quy, Tứ lục hợp tuyển. Ngoài ra còn một số sách nữa được khắc in ở các nhà in ở Nghệ An...Những bộ sách này đa phần ban đầu được cất trữ ở Văn Miếu Quốc tử giám để làm tài liệu học tập và giảng dạy cho các học sinh trường giám. Sau khi Minh Mạng lên ngôi, với niềm đam mê sách cổ của các triều và tìm hiểu về văn hóa của tiền triều, nhà vua đã ra chỉ dụ sưu tầm sách vở. Sách Đại Nam hội điển sự lệ cho biết việc vua Minh Mạng xuống chỉ cho sưu tầm sách vở ở các nơi rằng: “Minh Mạng năm thứ 8 (1827), xuống chỉ: Văn Miếu ở Bắc thành, nguyên trữ các bản in Ngũ kinh Tứ thư đại toàn và Võ kinh trực giải. Chuẩn cho sức soạn lấy đủ số. Nếu như tấm in bản nào lâu năm mọt nát, thì khắc bản khác bổ sung vào, đến khi có đoàn thuyền vận tải thì đưa đến kinh giao Quốc tử giám lưu giữ, đặng phòng khi dùng in ra để ban cấp”. Trong sách Minh Mạng chính yếu cũng cho biết: “Vua sai quan ở Bắc thành kiểm điểm sách vở nguyên trữ ở Văn Miếu trong thành, như Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn”. Bên cạnh đó, vua còn xuống chiếu tìm sách cũ: “Chiếu viết: trẫm để ý điển xưa, noi theo chí trước, ngửa nghĩ rằng nhờ công đức các đời mở đắp mới có ngày nay, càng muốn làm cho rõ rệt dấu xưa, giao cho sử quán soạn thuật…Vậy chuẩn cho quan dân trong ngoài, phàm nhà nào cất được những bản biên chép điển cũ của triều trước, thì không kể tường hay lược, đem nguyên bản tiến nộp, hoặc đưa cho nhà nước sao chép, đều có khen thưởng”. 

Với việc vua Minh Mạng cho vận chuyển toàn bộ những ván in từ Văn Miếu Hà Nội về Huế, hầu hết sách thời này đều được nhà nước quản lý in ấn chặt chẽ. Những ván in được bảo quản trong một số cơ sở tại kinh thành Huế. Sau khi lên ngôi, Minh Mạng đã cho xây dựng Quốc sử quán để biên soạn sách quốc sử, lại đặt nhà chứa ván in. Sách Đại Nam thực lục cho biết: “Vua dụ bầy tôi rằng: nhà nước ta mở mang đến nay, các Thánh nối nhau 200 năm. Kịp Thế Tổ Cao Hoàng đế ta trung hưng thống nhất đất nước, trong khoảng ấy, sự tích công nghiệp nếu không có sử sách thì lấy gì để dạy bảo lâu dài về sau. Thần muốn lập sử quán, sai các nho thần biên soạn Quốc sử thực lục để nêu công đức về kiến, đốc, cơ, cần làm phép cho đời sau cũng chẳng là phải sao”. Quốc sử quán với chức năng là cơ quan chuyên trách trong việc biên soạn những bộ sách sử lớn của đất nước, lại vừa trông coi việc in ấn xuất bản của đất nước đã trực tiếp trông coi, biên tập, khắc in những bộ sách đồ sộ mà ngày nay hiện đang lưu trữ tại Đà Lạt. Có thể thấy rằng, Minh Mạng đã có một ảnh hưởng không nhỏ đến việc sưu tầm và ra lệnh cho việc sưu tầm, biên soạn những bộ thư tịch tầm cỡ của vương triều mình. Ngoài ra, vua còn có công rất lớn trong việc gìn giữ các bộ thư tịch của tiền triều, có lẽ vua đã học theo cách mà Lê Quý Đôn đã làm như ông từng viết: “Các sử sách từ đời tam đại trở xuống đến Tống Nguyên ghi chép lại nhiều. Các học giả phần nhiều cho sử là mối thừa chú thích qua loa, lời bàn cũng không gợi ý cho người đọc được mấy. Những bậc quân tử đời sau muốn khảo cứu những việc thịnh suy trị loạn để nêu gương điều hay, răn đe điều dở theo đâu mà phân biệt được? Tôi thuở nhỏ học ở nhà, sau được học các bậc danh nho, nên sách vở các đời trước nay cũng nắm được chỗ trọng yếu. Thời gian vừa qua độc sử truyện xưa nay và có chí về mặt này.

Mỗi khi xem đến tài đức của các bậc tướng võ tướng văn thì đem lòng kính mộ, tưởng tượng đến đức nghiệp lớn lao của họ mà phấn chấn… Lại mỗi khi xem đến những dấu vết cùng những việc gian tà ở đời suy loạn thì lòng không khỏi buồn rầu, than tiếc. Bèn đem ý nông cạn của mình, tưởng tượng tình cảnh, nêu những nét chủ yếu, rồi đánh bạo bàn bạc, tùy bút chép ra”. Vua Minh Mạng còn dụ cho Nội các rằng: “Nước Việt ta lấy văn hiến mở nước, các vua anh minh ra đời, duy Thánh Tông nhà Lê là hiếm có, pháp độ và chính sách hay đều chép trong sử, lại còn sau khi mưu cơ muôn việc nhàn hạ, văn nghệ vui chơi làm ra rất phong phú, cái phong tao lưu lại còn thấy tiếng hay, trẫm truy tư cổ nhân rất là hâm mộ. Tuy đã xa đời, thơ đã tản mát, mà các văn nho học giả tất cũng còn giữ được. Trẫm muốn tìm nhặt in ra để lại lâu dài không mất. Bèn hạ lệnh cho quan Bộ Lễ, tư hỏi Bắc Thành, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, các nhà quan lại, sĩ phu, thứ dân, có ai còn giữ được sách vở ngự chế thi văn khoảng niên hiệu Hồng Đức đều đem nộp quan chép lại thành tập, đem khắc lên bản in, ban bố trong nước, đề cao cái văn hay đời trước, để lưu lại rừng văn nghệ nước nhà”.

Việc nghiên cứu sưu tầm sách vở để làm tư liệu học tập cho các sĩ tử của vương triều cũng chỉ là một phần, nhưng cái quan trọng hơn đó chính là văn hiến của nước nhà. Sự thành bại của một triều đại cũng được đánh giá trên mảng  thư tịch văn hiến, chính vì thế mà Minh Mạng cũng cho người sưu tầm thơ văn của Lê Thánh Tông và đích thân ông đã đọc thơ Lê Thánh Tông khá nhiều lần. Cũng chính vì thế mà Minh Mạng đã để lại nhiều những sáng tác thơ văn hiện vẫn còn được bảo quản ở Đà Lạt như ngự chế văn sơ tập, ngự chế thi từ sơ tập đến lục tập, Minh Mạng chính yếu…Với những chính sách của mình cùng với sự cống hiến của vua với nền văn hiến thư tịch nước nhà, có thể thấy vua Minh Mạng xứng đáng được ghi công trong việc gìn giữ khối mộc bản của triều Nguyễn nói riêng và của tiền triều nói chung, để ngày nay chúng ta còn có một kho di sản vô giá đang hiện diện ở Đà Lạt.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.