Multimedia Đọc Báo in

Ai đã đề xuất danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”?

16:22, 26/10/2012

Phong tặng Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm suy tôn, tri ân những bà mẹ đã hy sinh thầm lặng, hiến dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú.

Vào giữa tháng 5-1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập cuộc họp do Tổng Bí thư Đỗ Mười chủ trì để nghe Tổng cục Chính trị báo cáo tình hình công tác chính sách. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và đại diện các cơ quan, ngành có liên quan. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) là người trực tiếp báo cáo.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với các bà mẹ được phong tặng danh hiệu
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với các bà mẹ được phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" lần thứ nhất tại Phủ Chủ tịch. Ảnh:T.L

Sau khi nghe báo cáo, Tổng Bí thư Đỗ Mười yêu cầu mọi người tập trung thảo luận và đề xuất giải quyết những vấn đề quan trọng, bức thiết đặt ra. Trong phần kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách. Quân đội cùng các ngành, các địa phương và toàn dân đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện những chính sách đã ban hành. Kết quả đó góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trên từng địa phương và trong cả nước. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cả về tinh thần và vật chất đối với một đối tượng đặc biệt - đó là những người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú. Xét đến cùng, các mẹ là những người có công lớn nhất trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Ban Bí thư yêu cầu Tổng cục Chính trị phối hợp với các ngành - nhất là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - triển khai nghiên cứu xây dựng một chính sách xứng đáng đối với các bà mẹ có nhiều cống hiến.

Có thể khẳng định rằng, ý tưởng về chính sách “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” bắt nguồn từ cuộc họp đó của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Chấp hành kết luận của Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm TCCT và đồng chí Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm TCCT đã giao cho Cục Chính sách nghiên cứu đề án. Trong một thời gian ngắn, Cục Chính sách đã cử cán bộ về các địa phương khảo sát số lượng, tình hình đời sống của các bà mẹ có nhiều con là liệt sĩ, cũng như nguyện vọng đề đạt của nhân dân. Trên cơ sở đó, Cục Chính sách đã xây dựng đề án, phối hợp nghiên cứu, tiến hành xin ý kiến của các cơ quan có liên quan trong và ngoài quân đội. Tiếp đến, Cục Chính sách đã giúp Tổng cục Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng tờ trình lên Ban Bí thư, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách với các nội dung bao gồm: Xác định đối tượng, tiêu chuẩn, hình thức khen thưởng, chế độ được hưởng và thủ tục, quy trình xét tặng. Ban đầu, trong quá trình nghiên cứu và ý kiến tại các cuộc hội thảo, có nhiều ý kiến đề xuất các phương án khác nhau về tên gọi của danh hiệu vinh dự. Cuối cùng, tên gọi “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” là phương án tối ưu, được các cơ quan thống nhất cao.

Ngày 29-8-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Tiếp đến, ngày 10-9-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh đó.

Ngay sau khi Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh, Chính phủ ban hành Nghị định, thì các địa phương, các ngành trong cả nước đã trân trọng đón nhận và kịp thời triển khai tổ chức thực hiện.

Ngày 17-12-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ trong cả nước, trong đó có các bà mẹ tiêu biểu: Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Thắng, Điện Bàn (Quảng Nam) có 9 con, 1 rể, 2 cháu ngoại là liệt sĩ; Mẹ Phạm Thị Ngư ở Hàm Hiệp, Hàm Thuận (Bình Thuận) có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng LLVT nhân dân; Mẹ Trần Thị Mít ở Hải Phú, Hải Lăng, (Quảng Trị) có 9 con là liệt sĩ; Mẹ Nguyễn Thị Rành, ở Phước Hiệp, Củ Chi, (TP. Hồ Chí Minh) có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng LLVT nhân dân; Mẹ Nguyễn Thị Dương ở Triệu Thành, Triệu Phong (Quảng Trị) có 8 con thì 5 con là liệt sĩ (3 người con khác là: Đại tướng Đoàn Khuê, Trung tướng Đoàn Chương và Đại tá Đoàn Thúy)…

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - Ngày hội Quốc phòng toàn dân, ngày 19-12-1994, Đảng, Nhà nước đã tổ chức trọng thể Lễ tuyên dương Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lần đầu tiên cho 59 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu, đại diện cho gần 2 vạn bà mẹ được phong tặng. Tổng Bí thư Đỗ Mười, các Cố vấn Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đã đến dự.

Tính đến nay, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 49.069 bà mẹ. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều năm qua, các địa phương, các ngành, đoàn thể trong cả nước đã dấy lên phong trào “Phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Riêng các đơn vị quân đội đã và đang phụng dưỡng 1.415 bà mẹ. Cùng với chế độ đãi ngộ theo quy định của Nhà nước, việc phụng dưỡng của các đơn vị quân đội, các tổ chức đoàn thể xã hội và nhân dân các địa phương đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của những bà mẹ còn sống.

Việc phong tặng Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” thể hiện được ý Đảng, lòng dân, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Nắm bắt nhu cầu thực tiễn và thông qua đề đạt của cơ quan chức năng, hình thành nên ý tưởng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội. Ý tưởng đó sớm thành chủ trương và kịp thời được pháp luật hóa, xã hội hóa về mặt chính sách.

Nguồn QĐND


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.