Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh với những ký ức Việt – Lào mãi không phai

10:20, 28/12/2012

Mãi sâu trong tâm khảm của mình, người cựu chiến binh Nguyễn Huy Thương, thôn 8, xã Ea Ô (Ea Kar), thì khoảng thời gian 13 năm sống và chiến đấu từ Khăm Muộn tới Savanakhét trên đất bạn Lào là những hồi ức hào hùng và thắm đượm tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc đời của ông.

34 năm cùng tấm Kỷ niệm chương Hữu nghị Việt - Lào, những hồi ức hào hùng một thời trên đất nước bạn không bao giờ phai với người cựu chiến binh  Nguyễn Huy Thương.
34 năm cùng tấm Kỷ niệm chương Hữu nghị Việt - Lào, những hồi ức hào hùng một thời trên đất nước bạn không bao giờ phai với người cựu chiến binh Nguyễn Huy Thương.

Sinh ra và lớn lên tại Xuân Yên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh), năm 1965, chàng trai Nguyễn Huy Thương lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Có một ngày mãi mãi không bao giờ quên trong anh, đó là ngày 18-6-1965, ngày ông chính thức đặt chân sang đất bạn Lào. Thời gian đó cứ vào tháng 5 hằng năm, thời điểm bắt đầu mùa mưa, bộ đội ta lại tiến hành giấu pháo. Ngày đó, trong vòng một đêm, các chiến sĩ công binh phải đào những đường hào hình tam giác kết nối giữa chỉ huy và nơi đặt pháo. Đất toàn sỏi đá rất khó đào, nên anh em đều phải đào vào ban đêm liên tục cho đến 7 giờ sáng phải hoàn thành một đường hào giấu pháo. Nơi ông đóng quân là bến phà Tà Khống, một địa điểm cực kỳ quan trọng lúc bấy giờ, bởi đây là trọng điểm để chuyển hàng và hành quân vào Nam, cạnh đó là một sân bay dã chiến. Quãng thời gian chiến đấu gian khổ nhất, ác liệt nhất là 6 năm giữ lấy bến phà Tà Khống, với câu ca của những người lính bấy giờ “Ai đưa tui đến nước này. Bên kia Tà Khống bên này Na Hi. Em ơi em lấy chồng đi. Anh đi Tà Khống mong chi ngày về”, cùng một trận chiến mãi in hình trong ông. Đó là vào lúc 11 giờ trưa ngày 25-2-1967, một chiếc máy bay trinh sát L19 của Mỹ, bay ngang qua ngọn cây, khoảng cách quá gần khiến quân ta đang ngồi nghỉ trưa dưới đất cũng có thể nhìn thấy quân địch trên máy bay, chính điều này đã khiến địch vô tình phát hiện được trận địa của ta, ngay tại Trọng điểm Tam giác sắc, Bến phà Tà Khống. Địch liền tiến hành oanh kích dữ dội với những máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ. Tình thế quá khẩn cấp, một số đường hào của ta mới đào được một nửa chưa thể đưa pháo xuống ngay dưới hầm được, cấp trên liền chỉ đạo buộc phải nổ súng. Lúc này ngay tại trận địa ta đang có 12 đại đội pháo 37, của 2 tiểu đoàn 20 và 60 ly; mỗi đại đội có 3 khẩu pháo, cùng những chiến sĩ trẻ mới hoàn thành khóa huấn luyện tại Quảng Bình hành quân vào. 36 khẩu pháo đồng loạt nhả đạn lên trời tạo thành một lưới lửa đã khiến quân Mỹ khiếp sợ, trong trận này ta đã hạ được 8 máy bay của địch… Năm 1971, ông được đi học quân y ngay trên đất bạn Lào, vừa học, vừa phục vụ chiến đấu, tới năm 1976, sau khi đất nước được thống nhất ông mới về nước, năm 1979 thì ra quân tới năm 1981 thì vào Dak Lak.

Quãng thời gian chiến đấu trên đất bạn, có một điều trong ông vẫn luôn ghi nhớ trong lòng đó chính là đặc biệt là tình cảm của người Lào: “Họ tốt cực kỳ và sống vô cùng tình cảm không đòi hỏi bất cứ điều gì với bộ đội tình nguyện Việt Nam”. Ông còn nhớ mãi, những gia đình Lào mỗi khi đồ xôi trong một cái “típ”, đều để dành một hoặc hai “típ” treo trên nhà. Nếu bộ đội Việt Nam đi đâu về đều có phần ăn. Mỗi lần làm công tác dân vận, giao lưu động viên, khám chữa bệnh với một bản làng của người Lào, họ đều mang tặng cho bộ đội ta những lon nếp, lon gạo… Nếu trong nhà không có gì nữa thì cũng cố gắng sắp xếp, không gà thì chuối… Thậm chí ngô treo để dự trữ nhưng nếu cần họ cũng sẵn lòng đưa cho bộ đội mang về rang. Còn người Lào cũng rất thích những bộ quần áo mà bộ đội Việt Nam mang sang, nên anh em đều trao tặng cho họ, giúp họ làm nương rẫy. Không chỉ giúp về lương thực, thực phẩm tươi mà chính nhân dân Lào còn giúp đỡ bộ đội Việt Nam bắt giữ những bọn “phù mi”. “Phù mi” là những người Lào nhưng làm điệp viên cho Pháp, rồi được Mỹ cung cấp tiền bạc, vũ khí để theo dõi hoạt động của quân Việt Nam. Do cũng là người Lào nên việc nhận biết bọn điệp viên hai mang này thường rất khó khăn vất vả. Nhưng chính những người dân Lào cũng không ưa gì bọn bán nước đó nên thường xuyên báo cho bộ đội Việt Nam, bắt và cải tạo những tên “phù mi” này… Rồi đến những ngày mùa mưa, những người lính Việt Nam nếu không trở về miền Bắc được, chính là lúc người lính sẽ chung sống với người Lào. Người Lào rất tình cảm, thường xuyên hỏi thăm ông cùng đồng đội, chỉ những câu hỏi thăm dân dã bằng tiếng Lào đã theo ông suốt cuộc đời: “Lục du Việt Nam Nưa hay Việt Nam Tày” (con ở miền Nam hay miền Bắc); “Phò mẹ eng bò”(bố mẹ ngoài quê có khỏe không). Và người lính Việt Nam khi vào nhà người Lào cũng không quên “Xam pai phò mẹ” (chào bố mẹ), “Phò mẹ đại lục chắt khôn” (bố mẹ có mấy đứa con), “Mừ ni phò mẹ có tay hay nẹ bắt ta” (hôm nay bố mẹ có đi làm ruộng làm rẫy không)…

Vui nhất là vào những ngày hội té nước (tết của người Lào) và Tết cổ truyền của người Việt Nam. Người Lào cùng bộ đội gói bánh chưng, bánh tét trong dịp Tết Nguyên đán, còn bộ đội Việt Nam nhất định phải có mặt để cùng chung vui, cùng uống rượu cần trong hội té nước... Ăn tết chung với người Lào nhưng bộ đội ta vẫn phải làm trận địa giả để nghi binh quân địch, nên thường thời gian ăn Tết với người Lào không lâu, nhưng chỉ những ngày đó thôi mà kỷ niệm đã theo ông suốt cả cuộc đời.

13 năm sống chiến đấu bên Lào, cùng những kỷ niệm mãi khắc sâu trong ký ức hào hùng, cùng những tình cảm dành cho người dân Lào mãi mãi ghi tạc trong ông qua những lời thơ mà ông viết trong ngày về:

“Phò bay tà hán nhin nhôn

Ải bay nước việt Xê Bôn, Mường Phì

Via ra đạy, nhi nhôn tai mứt

Phò bay mưa thơ lục kin mun”

(Bố đi đánh Mỹ

Anh đi làm việc ở Xê Bôn, Mường Phì

Đến bao giờ nước Lào độc lập

Bố về cùng con ăn Tết).

Gia Hưng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.