KỶ NIỆM 40 NĂM CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI – ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”
Trong nỗi nhớ “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”...
Trong những thời khắc cuối cùng của năm cũ, rộng lòng đón chào năm mới 2013, cả nước hướng về thủ đô thân yêu. 40 năm đã trôi qua, bản anh hùng ca “Điện Biên Phủ trên không” vẫn vang vọng. Nỗi nhớ Hà Nội lại cháy bỏng với 12 ngày đêm lịch sử ấy...
Hạnh phúc được sống ở Thủ đô ngày ấy
Hà Nội cuối năm 1972 không ngủ trong tiếng bom rền trời. Người dân Hà Nội, nhân dân cả nước thao thức khi trái tim Việt Nam nhói buốt trước sức tấn công của những pháo đài bay B52, hiện đại, tối tân nhất lúc bấy giờ. Ông cùng đồng chí, đồng đội của mình cũng đã có những đêm trắng. Cựu chiến binh Lê Ngọc Tuấn hiện ở thôn 7, xã Ea Mnang, huyện Cư M’gar bồi hồi khi trải lòng mình. Thời điểm diễn ra trận đánh “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ông đang làm nhiệm vụ trong một đơn vị vận tải, đóng quân tại xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm và chờ chuẩn bị chi viện lực lượng cho các chiến trường. Nhìn bầu trời thủ đô bị đế quốc giày xéo, không được trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông cũng như nhiều chiến sĩ sục sôi căm thù, xin với thủ trưởng đơn vị được tham gia trận đánh dù biết có thể phải hy sinh trong cuộc tấn công với mục đích của Mỹ là hủy diệt, đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá. Nhưng “quân lệnh như sơn”, mọi vị trí chiến đấu, nhiệm vụ của các đơn vị đã được phân công cụ thể. Dõi theo thông tin qua chiếc radio nhỏ, mọi người nhìn nhau, lặng người không nói khi nghe thông tin phố Khâm Thiên bị tàn phá nặng nề, xúc động không cầm được nước mắt khi nghe chuyện một bác sĩ trẻ hy sinh chỉ trước đám cưới một ngày, thiệp hồng mãi mãi trở thành kỷ vật với người con gái anh yêu. Cả đơn vị hò reo, sung sướng khi nghe không quân của ta bắn rơi máy bay B52 ở cánh đồng Chuôm (Đông Anh), rồi hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình). Ai cũng muốn đến tận nơi để chứng kiến xác chiếc máy bay cho hả nỗi căm giận quân thù.
Trong cuộc sống thời bình, vẫn nguyên “chất lính”, ông Lê Ngọc Tuấn đã gương mẫu, tự nguyện hiến hơn 700 m2 đất để mở con đường dài hơn 400 m cho thôn. (Ảnh: Đ.T) |
Kết thúc 12 ngày đêm lịch sử, Mỹ đã phải chấp nhận thua trên bầu trời thủ đô. Ông còn nhớ mãi không khí vui như Tết của Hà Nội lúc ấy. Trước cảnh tượng đổ nát nhưng người dân Hà Nội đi sơ tán ở các nơi trở về vẫn nở nụ cười thật tươi. Người nọ giúp người kia thu dọn, sửa sang nhà cửa. Nhiều người còn kể: Họ đi sơ tán, cửa nhà mở để bộ đội ta thiếu gì thì lấy, vậy mà khi về chẳng mất mát thứ gì. Hà Nội đón Tết năm ấy trong xúc cảm và tâm trạng đặc biệt sau trận cuồng phong của B52. Ông và những ai được sống ở thủ đô lúc bấy giờ vẫn còn ấn tượng mãi với tấm bìa lịch Tết là hình ảnh một cô gái bán hoa đứng trên xác chiếc máy bay B52.
Tuy không được trực tiếp chiến đấu nhưng ông hạnh phúc khi mình được có mặt ở thủ đô ngày ấy, phần nào chứng kiến những phút giây lịch sử của 12 ngày đêm trong bản hùng ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Để rồi sau năm 1972, trong hành trang lên đường sang chiến trường Lào, ông mang theo dấu ấn về tâm thế của người Hà Nội, sự kiên cường của thủ đô anh hùng làm động lực, tiếp lửa cho mình chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ.
Khúc ca bi tráng và hào hùng
Sống và công tác ở Hà Nội từ năm 1959 cho đến sau giải phóng miền Nam năm 1975 mới chuyển vào Dak Lak, nên những ngày tháng khốc liệt của Hà Nội trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, bà Lâm Thị Nguyệt Quế (tổ dân phố 7, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã được trực tiếp chứng kiến. Dù nay ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, phần ký ức đó vẫn mãi lưu dấu không phai trong tâm trí của bà.
“Khi ấy tôi đang công tác tại bộ phận phân phối thuốc cho các đơn vị trong toàn quốc thuộc Vụ Quản lý dược (Bộ Y tế) và được phân công trực để cấp phát thuốc cho các đơn vị trong 12 ngày đêm ấy. Hôm Mỹ bắt đầu thả bom, tôi đang chuẩn bị cho con đi sơ tán theo trường. Vừa nấu cơm xong, chưa kịp ăn thì nghe tiếng còi hú báo động, mẹ con tôi vội chạy xuống, trú dưới gầm cầu thang cuối cùng (căn hộ của gia đình tôi ở trên tầng 4). Cứ nghĩ đợt này chắc “tiêu” rồi, đến khi nghe báo yên mới thở phào và biết là mình còn sống. Những ngày sau, B52 của Mỹ vẫn tiếp tục thả bom, nhìn lên trời thấy cứ từng tốp máy bay, 3 chiếc một tốp, bay sầm sập về hướng Khâm Thiên, khu Bệnh viện Bạch Mai, các khu nhà máy tại Hà Nội. Trong đó, khu Khâm Thiên bị tàn phá nặng nề nhất, đặc biệt là trong đêm 26-12. Nhà tôi ở khu Nam Đồng (khu ở của bộ đội), buổi sáng ngày 27 đi làm ngang qua Khâm Thiên, cảnh tượng của sự tàn phá khốc liệt đập vào mắt làm xót xa, quặn lòng. Đường phố Khâm Thiên hoang tàn; người người bới gạch, tìm kiếm người thân dưới đống đổ nát; những chiếc khăn tang chít trên đầu bao người… Hiện nay ở phố Khâm Thiên vẫn còn bia tưởng niệm những người tử nạn. Trên bia ghi 600 người, nhưng đấy là mới chỉ tính người theo hộ khẩu, ngoài ra còn bao người tạm trú vãng lai khác nữa bởi bến xe, nhà ga ở ngay gần đó. Chỉ riêng trong đêm 26 ấy, đã có 300 người bị thiệt mạng tại khu phố Khâm Thiên. Thật đau xót!...”, giọng bà chùng xuống khi nhớ về những hình ảnh đau thương ngày nào.
Bà Quế hồi tưởng lại những ký ức bi tráng về Hà Nội. (Ảnh: L.A) |
May mắn khi mình còn sống sót, nhưng bạn bè của bà cũng có người ra đi trong những ngày tháng ấy. Đó là cô bạn thân làm dược sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đã mất ngay trong ca trực vào đêm Bệnh viện bị máy bay thả bom; đó là những người bạn đồng nghiệp mất trong khi đang thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở y tế… “Trong thời chiến, mọi thứ đều có thể xảy ra và có thể hy sinh bất cứ lúc nào, ai cũng đều xác định tư tưởng như vậy và không một người nào nản chí, lùi bước. Mỗi người đều bám trụ tại nơi mình được phân công, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ra sức thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu. Có còi báo động thì rút xuống hầm, hết báo động lại lên tiếp tục công việc, nhiệm vụ… Sau những trận bắn phá ác liệt như thế, người dân lại tiếp tục xây dựng từ đống đổ nát, biến đau thương, mất mát thành ý chí, sức mạnh chiến đấu. Những tiếng súng, tiếng pháo bắn trả của ta cùng các tin vui bắn rơi máy bay càng cổ vũ tinh thần của mọi người và cũng là điểm tựa niềm tin vào chiến thắng của quân, dân ta. Tôi đã được chứng kiến tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, chiến đấu dũng cảm của rất nhiều thanh niên tự vệ khi ấy. Bên cạnh quân đội chính quy, lực lượng tự vệ của các cơ quan cũng hăng hái tham gia chiến đấu, cứ lên tầng thượng, chĩa súng lên trời bắn”..., hình ảnh về những ngày tháng sục sôi chiến đấu vẫn in đậm trong từng lời kể của bà.
Đi qua chiến tranh khốc liệt, nhiều gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng, giờ đây bà Lâm Thị Nguyệt Quế sống vui vầy cùng con cháu, tiếp tục cống hiến sức mình trong công tác xã hội. Và có lẽ hình ảnh về một Hà Nội bi tráng, kiên cường sẽ mãi không phai, là dấu ấn đậm sâu trong tâm trí của bà cũng như bao người dân đã từng trải qua những thời khắc lịch sử ấy.
Đàm Thuần – Lan Anh
Ý kiến bạn đọc