Một chiến công thầm lặng
Tôi vẫn nhớ mãi những năm còn nhỏ, mấy bác, mấy chú hàng xóm đi dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Đông Khê rồi Chiến dịch Điện Biên Phủ về kể lại: “Bộ đội ta tài như thánh, các anh ấy biết trước được sự việc sắp đến”. Sau này tôi mới biết đó là công tác tình báo tài tình của quân đội ta chứ chẳng phải phép thánh, phép thần nào cả.
Năm 1966 là năm học cuối cùng của cấp III, tôi cùng hầu hết bạn bè trong lớp nhập ngũ. Cũng nhờ xuất thân từ gia đình có 3 đời làm cách mạng nên tôi được chọn làm nhân viên tình báo ngành mã thám viên, trinh sát kỹ thuật thuộc Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Sau Tết Mậu Thân 1968, từ căn cứ An Khê, Mỹ dùng máy bay phản lực ném bom, máy bay trực thăng các loại làm chủ công. Dưới đất có lính dù, thủy quân lục chiến và lính Đại Hàn phối hợp đánh nống ra ngoài vùng căn cứ của ta. Mặt khác chúng còn tung biệt kích, thám báo, mật báo viên tình báo xâm nhập sâu vào căn cứ của ta nắm tình hình sau đó báo về căn cứ của chúng xin máy bay ném bom hủy diệt.
Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm sâu sắc trong đời lính của mình. Đó là vào một ca trực lúc 23 giờ ngày đầu tháng 10-1968, cũng bình thường như bao đêm khác, ngoài trời mưa rả rích, thỉnh thoảng lại có quả đạn pháo 175 ly của địch (pháo “vua chiến trường”) bay vèo vèo qua đầu rồi nổ ầm ở chân trời phía Tây. Trong căn hầm chữ A, nước ngấm vào lênh láng, cứ khoảng 1 giờ đồng hồ là phải dùng ăng-gô múc nước đổ ra ngoài. Sau một lần múc nước đổ đi xong thì đồng chí của tổ thư tín sau khi dò tin địch, đưa sang cho tôi hai bức điện mật mã vừa thu được. Bằng kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn mã thám cùng với kinh nghiệm mở nhiều mật mã của địch, chỉ chừng 30 phút sau tôi đã mở khóa xong mật mã hai bức điện. Hai bức điện được mã hóa bằng hai khóa mật mã khác nhau nhưng cùng một nội dung. Một bức được mã hóa bằng khóa AND, bức điện này từ TK1 (Trung tâm tình báo vùng chiến thuật) gửi Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn; bức thứ hai được mã hóa khóa ANA từ Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn gửi Trung tâm điều không sân bay Kò Rạt (Thái Lan). Nội dung bức điện được mở khóa AND là: “Theo tin mật báo viên nội tuyến mang bí danh R4001 báo về cho biết: Toàn bộ Bộ Tư lệnh quân khu cộng sản gồm: Bộ Tư lệnh, Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần và nhiều đơn vị trực thuộc hiện đang đồn trú tại tọa độ YD724.325”. Bức điện thứ hai địch mã hóa bằng khóa mật mã ANA cùng nội dung bức điện thứ nhất nhưng có thêm phần: “Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn xin Trung tâm điều không sân bay Kò Rạt cho máy bay B52 và B57 ném bom hủy diệt tại tọa độ YD724.325”.
Ông Vũ Văn Tăng (người đứng thứ 5, hàng trên tính từ phải sang) tham dự Đại hội Liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quân khu (tháng 8-1973) |
Mở xong mã khóa hai bức điện trên, tôi chuyển cho đồng chí tổng hợp tin, qua điện thoại đồng chí báo ngay sang Phòng quân báo quân khu. Chỉ ít phút sau, đồng chí Phó Tư lệnh quân khu trực tiếp hỏi tôi qua điện thoại: “Cậu có bảo đảm tin này là chính xác không, nếu sai cậu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, rồi quân pháp sẽ xử lý cậu!”. Tôi xin 10 phút để kiểm tra lại. Tôi xác định lại từng con số trên tọa độ YD724.325. Từ tọa độ này tôi đem căn trên bản đồ tác chiến của ta thì đây là khu vực Rào Trăng nơi mà Bộ Tư lệnh quân khu đang đóng quân. Cẩn thận hơn tôi đưa tọa độ này đối chiếu qua bản đồ UT’M (bản đồ tác chiến của quân Mỹ) vị trí địa danh đều trùng nhau. Tôi báo cáo lại với thủ trưởng và khẳng định là chính xác, nếu sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và chịu mọi hình thức xử lý của quân pháp. Khoảng 3 giờ sáng, điện hỏa tốc của Bộ Tư lệnh quân khu lệnh cho các đơn vị hành quân di chuyển khẩn cấp, phải di dời vị trí đang đóng quân trước 4 giờ sáng. Cuộc hành quân di chuyển khẩn cấp trong đêm tối dưới trời mưa dầm. Đoàn người im lặng bám nhau lầm lũi đi trong đêm mưa.
Hành quân chừng 5 cây số dưới trời mưa rừng, đến 7 giờ sáng mà trời mới sáng lờ mờ. Mọi người đều giật mình khi nhìn lại phía sau và thấy những dây chớp sáng lóe, loằng nhoằng, tiếp theo là tiếng nổ rền vang cả khu rừng, cả giờ đồng hồ vẫn chưa ngớt. Một tuần lễ sau, tôi cùng 3 đồng chí được đơn vị cử về nơi đóng quân cũ để lấy lương thực, quân dụng chuyên ngành giấu dưới hầm. Về lại căn cứ cũ, khu rừng mà Bộ Tư lệnh quân khu đóng quân dưới tán lá các cây cổ thụ rậm rạp, ban ngày không có ánh mặt trời, giờ đây những cây 2-3 người nối tay ôm không xuể đổ gập. Vất vả lắm chúng tôi mới tìm được vị trí cũ, nhiều căn hầm bị bom đào lật tung.
Tại Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quân khu tháng 8-1973, đồng chí thiếu tướng chính ủy quân khu đã nói: “Một chiến công thầm lặng của một chiến sĩ tình báo đã cứu sống hàng ngàn đồng chí đồng đội thoát khỏi trận ném bom hủy diệt của địch”.
Gần một năm sau chúng tôi được cấp trên thông báo cho biết tên mật báo viên nội tuyến R4001 của địch cài vào hàng ngũ của ta đã bị bắt. Nguyên hắn là tên sĩ quan tình báo của địch cài vào ban kinh tế cơ sở của ta. Sau trận Mậu Thân 1968, hắn chui lên làm trợ lý hậu cần quân khu. Qua khai thác ta còn phá được đường dây tình báo nội tuyến do hắn cầm đầu và bắt thêm một số tên tay chân thuộc hạ khác.
Thuận Thành
(ghi theo lời kể của ông Vũ Văn Tăng (*), từng là nhân viên tình báo Tổng cục II)
Ghi chú: (*) Ông Vũ Văn Tăng hiện đang sống tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar.
Ý kiến bạn đọc