Multimedia Đọc Báo in

Đội Cảnh vệ cơ quan Tỉnh ủy – Một thời để nhớ

06:47, 12/03/2013

Tây Nguyên tháng Ba với bao kỷ niệm không thể nào quên trong mỗi con người đã từng sống, chiến đấu làm nên Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak, mở đầu cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975.

Niềm vui ngày gặp mặt của cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ  Tỉnh ủy năm xưa.
Niềm vui ngày gặp mặt của cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ Tỉnh ủy năm xưa.

Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, Văn phòng Tỉnh ủy đã tổ chức gặp mặt nguyên cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ cơ quan Tỉnh ủy qua các thời kỳ. Những thành viên của Đội Cảnh vệ cơ quan Tỉnh ủy năm xưa nay người còn, người mất, nhưng những câu chuyện về lòng dũng cảm, sự thông minh, gan dạ và chiến công của họ vẫn luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ sau. Theo chương trình, buổi gặp mặt được tiến hành vào lúc 8 giờ, nhưng mới hơn 7 giờ Nhà khách Tỉnh ủy đã tràn ngập tiếng cười nói của các đồng chí cán bộ, chiến sĩ nguyên Cảnh vệ cơ quan Tỉnh ủy năm xưa về tham dự. Những cái bắt tay ôm hôn đầy thương nhớ hay một phút mặc niệm tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh khiến cả hội trường bùi ngùi xúc động. Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, lão thành cách mạng Huỳnh Văn Cần đã nghẹn ngào ôn lại kỷ niệm về một thời lửa đạn đau thương mà rất đỗi hào hùng: “Giờ đây, ngồi tại nơi này, trong chúng ta người còn người mất, nhưng những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh thì vẫn còn sống mãi. Cùng với tri ân tưởng nhớ những người đã ngã xuống, lãnh đạo Tỉnh ủy cũng cần quan tâm giúp đỡ những cán bộ, chiến sĩ năm xưa nay còn nhiều khó khăn trong cuộc sống”.

Ông Huỳnh Mai, nguyên là chiến sĩ tham gia Đội Cảnh vệ Tỉnh ủy năm 1965, đến nay vẫn nhớ mãi chuyến công tác mà ông tham gia. Đó là vào năm 1968, ông được giao nhiệm vụ bảo vệ, dẫn đường cho 2 đồng chí cán bộ Tỉnh ủy là Ama Rin, Ama Ba đi dự họp, khi đến buôn Ea Kao thì bị địch tập kích, ông bị thương còn hai đồng chí cán bộ và một bác sĩ đi cùng đã hy sinh. Ông Nguyễn Thanh Hương, chiến sĩ Đội cảnh vệ năm 1964, chiến sĩ Cảnh vệ của đồng chí Ama H’Oanh nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy - cho biết: Nhiệm vụ của Cảnh vệ luôn phải sẵn sàng trong mọi tình huống. Khi cán bộ Tỉnh ủy đi công tác thì phải đi trước dò đường, phán đoán các tình huống có thể bị địch tập kích, đào hầm trú ngụ, tuần tra canh gác các cuộc họp an toàn tuyệt đối… Năm 1967, ông và một đồng chí khác được giao đưa đồng chí Phan Thanh Tùng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy cùng 2 cán bộ bí mật đi gặp các đồng chí đảng viên trong thị xã Buôn Ma Thuột ra họp nắm bắt tình hình địch. Khi đến buôn Cuôr Knia bị địch phục kích, ông một mình chống trả đánh lạc hướng chúng để các đồng chí lãnh đạo rút lui an toàn. Ông Phạm Ngọc Lợi, chiến sĩ Cảnh vệ năm 1970 thì không thể nào quên khi ông làm cảnh vệ cho đồng chí Ama Yu vào năm 1972, là thời điểm mà Trung đoàn 24 của địch đánh phá ác liệt đường số 7, đoạn từ AJun Pa đến Krông Pa (thuộc tỉnh Gia Lai) nhằm gây áp lực đối với ta trên bàn đàm phán Hiệp định Pari (1973). Nhưng với tinh thần kiên cường, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ thành quả cách mạng, các chiến sĩ Cảnh vệ cùng bộ đội đã làm thất bại âm mưu của địch.

Chiến tranh đã đi qua, mái tóc của những cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ năm xưa đã nhuộm màu thời gian nhưng trong tâm hồn họ những kỷ niệm, ký ức của một thời ác liệt vẫn hiện về nguyên vẹn như ngày hôm qua. Đó là một thời để nhớ, một thời cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc.

 Tuấn Anh-Nguyễn Nhàn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.