Multimedia Đọc Báo in

Luật Gia Long về việc trị tội quan lại nhận hối lộ

09:35, 09/03/2013

“Hoàng Việt luật lệ” hay còn gọi là Luật Gia Long ban hành năm 1815 có quy định rõ tội trạng của quan lại tham ô nhận tiền của hối lộ. Điều luật này được ghi chép trong quyển 17 (bản chữ Hán) trong mục Hình luật.

Trong thời gian trị vì vương triều Nguyễn 1802 –  1820, vua Gia Long đã ban hành bộ luật Hoàng Việt luật lệ với 22 quyền với 398 điều quy định về đủ các loại hình. Đây là bộ luật quan trọng để duy trì trật tự xã hội dưới triều đại nhà Nguyễn, góp phần quan trọng củng cố vương triều được ổn định lâu dài.

Điều luật trị tội quan lại nhận tiền của hối lộ được quy định tại quyền 17 trong mục hình luật, đây là điều cấm bắt buộc đối với quan lại khi thi hành việc công. Tùy vào mức độ nặng nhẹ để trách tội.

Nguyên văn:

Phàm quan lại (nhân chuyện lạm dụng hay không lạm dụng luật pháp) nhận tiền của thì kể theo tang vật đó mà xử tội. Người không ăn lương nhà nước thì giảm 1 bậc, lấy lại những cáo sắc vua ban cho, xóa tên sổ quan, lại thì bãi dịch (tang vật chỉ một lượng) không kể thứ bậc nào.

Nói những lỗi của người phạm để lấy tiền thì người có  ăn lương nhà nước, giảm một bậc về người nhận của tiền. Người không có ăn lương nhà  nước thì giảm hai bậc tội (như ăn đút lót bởi hăm dọa gian dối, bởi người ta muốn được xử nhẹ và xong việc mới nhận tiền của thì không ở trong điều này). Mức tội là trăm trượng, đồ hai năm (chiếu luật dời chỗ, xử thành nửa tội lưu), có tang vật (nói lỗi lấy tiền lại nhận tiền thêm) thì kể tang vật đó mà xử theo đó mà xử nặng (nếu tang vật nặng thì xử theo điều gốc).

Giải thích luật:

Điều này là luật gốc về quan lại phạm tội ăn đút lót, chỉ quan lại mà nói, quan lại chính là người nắm luật pháp, nên chia ra làm hai hạng lạm dụng luật pháp hay không. Phàm quan hiện nhậm nha môn, quân, dân trong kinh thành hay ở tỉnh, lại hiện dịch, nhân người ta có việc, vì việc làm của họ, đòi tiền của thì kể tang vật đã gom về, chia ra có lạm dụng luật pháp hay không chiếu theo tang vật xử tội. Người làm việc ăn lương, trợ cấp hàng tháng, không đến một thạch và người không ăn lương nhà nước, thì được giảm bậc tội so với người có lương, chia ra hai hạng có lạm dụng luật pháp và không lạm dụng. Lấy tang vật buộc tội thì bậc quan [bậc quan tức là những người làm việc trong bộ máy nhà nước phong kiến từ cấp trung ương đến cấp địa phương, có phẩm hàm, tước vị, chức sắc được tuyển bổ chủ yếu bằng con đường khoa cử hoặc bảo cử ] là bị lấy lại mọi đạo, cáo, sắc vua ban, bôi tên trong sổ bộ quan. Còn bậc lại [viên chức làm việc trong các cơ quan ở triều đình hoặc các cấp trấn, tỉnh, phủ, huyện] thì cho thôi hiện dịch, không kể là thứ bậc nào, dùng danh lệ về quan viên phạm tội tư mà xử. Phạt trăm trượng, bãi chức không kể là thứ bậc nào, ăn đút lót từ 1 lượng trở xuống. Lạm dụng luật pháp, phạt 70 trượng, không lạm dụng luật pháp, phạt 60 trượng tất cả đều bãi chức. Phạm tội làm thiếu sót thì không kể nặng nhẹ. 

Người có  ăn lương nhà nước (người được lương mỗi tháng 1 thạch trở lên) lạm dụng luật pháp ăn đút lót của nhiều chủ, buộc tội chung nhận của người mắc tội mà xử cong luật quẹo pháp, nhận tiền của một người thì phạt trọn việc đó. Như nhận tiền của 10 người một lúc, việc đổ bể, tính chung một chỗ, xử trọn một tội. Còn tội phạm hai việc trở lên, một chủ trước bị phát giác và xử tội, tội sau bị phát giác nhẹ hơn, cũng bị xử. 1 lượng trở xuống phạt 70 trượng, 1 lượng đến 5 lượng phạt 80 trượng, 10 lượng phạt 90 trượng, 10 đến 15 lượng phạt 100 trượng…80 lượng đúng, phạt treo cổ.

Không lạm dụng luật pháp, ăn đút lót của nhiều chủ, tính chung xử  tội theo nửa số đó. Tuy có nhận tiền của người nhưng không xử cong quẹo, song nhận cùng lúc tiền của 10 chủ, việc đổ bể, tính gộp chung xử  phân nửa tội, một chủ cũng xử phân nửa tội. 1 lượng trở xuống phạt 60 trượng, 1 lượng đến 10 lượng, phạt 70 trượng, 20 lượng phạt 80 trượng, 30 lượng phạt 90 trượng, 40 lượng phạt trăm trượng,…120 lượng trở lên treo cổ.

Còn việc quan lại hứa nhận tiền của được quy định như sau: “Phàm chưa trực tiếp với sự việc mà quan lại hứa nhận tiền của, nếu làm cong luật pháp thì xử theo chỗ cong đó, còn việc không làm cong luật pháp thì xử theo chỗ không cong. Giảm một bậc tội chỗ làm cong luật mà nặng thì xử theo điều nặng”.

Phàm luật gọi là xử theo, chuẩn theo thì đến tội chết được giảm một bậc. Tuy đủ số tội cũng phạt trăm trượng, lưu ba ngàn dặm. Điều này khái lược gọi là chuẩn theo chỗ làm cong luật pháp. Lại gọi là giảm một bậc, giả như hứa chuẩn theo chỗ làm cong luật pháp, đã đủ số, đến chết, giảm một bậc, phạt trăm trượng, lưu đày ba ngàn dặm. Lại giảm một bậc phạt trăm trượng, đồ ba năm mới hợp luật. Đó gọi là chính phạm được giảm nhiều lần.

Giải thích:

Trước nói tang vật làm cong hay không cong luật pháp là nhân việc đã nhận tiền của, nhưng còn có hạng quan lại tham lam ăn đút lót hứa nhận tiền của mà chưa tiếp xúc với việc. Phàm quan lại có dịp tra xét sự việc phạm pháp, người phạm pháp hứa biếu xén tài vật, nhân đó hứa làm theo ý họ, nếu lời yêu cầu ấy được thi hành, dù chưa gom tiền vào tay thì nó cũng đã ấp ủ nơi lòng, nên xử là cốt phạt cái tâm kia. Tội là ở chỗ tâm tham ô, xử án thì cứ theo số tiền của nhận mà buộc tội. Về mức tội thì theo chỗ làm cong luật xử theo đó, còn việc không làm cong luật thì xử theo không làm cong luật, đều được giảm 1 bậc, tha cho người chưa lấy tiền của. Người không ăn lương nhà nước sẽ được giảm một bậc so với người ăn lương nhà nước. Nếu đủ số đến chết, thì người có ăn lương, giảm chung hai bậc, người không ăn lương giảm chung 3 bậc.

Hứa nhận tiền của nhưng mới chỉ hứa miệng thì tang vật không xác thực, không được xử đại khái, phải truy xét như tài vật hứa nhận giấu kín để chỗ khác hay viết ra trong đơn kê số tiền ấy, hoặc giao cho người nói việc. Trường hợp này nên bắt người hứa nộp tiền, thu lấy số ấy cho vào quan. Nếu thủ phạm phải nên trị tội thì vẫn chiếu luật mà xử. Như y phạm tội mà nhẹ hay không tội vì chỉ nhận hứa theo lời yêu cầu thì phạt tội không theo điều nặng. Còn như hứa rồi có giao tiền thật là bao nhiêu, coi rõ là đã nhận hay chưa thì số mục kể cả tang vật và sự việc mà y phạm, xử theo luật nặng.  Đã giao tang vật với tên người nhận, phải truy số chưa giao, vẫn truy theo tên người nhận.

Luật Gia Long quy định rất ngặt và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng nhận tiền của hối lộ, bắt dân phải nộp tiền…nếu như ai bị mắc vào mức nào thì căn cứ vào luật mà xử đoán. Những viên quan nào đến mức bị tước bỏ bằng, sắc, cáo của vua ban và bị xóa tên trong sổ bộ quan là bị bãi chức hoàn toàn. Còn lại tùy thuộc vào số lượng tiền của nhận hay chưa nhận mà có hình thức trách tội khác như lưu đày, đồ, bãi nhiệm, đánh đòn…

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.