Multimedia Đọc Báo in

Vẹn nguyên hào khí Tháng Ba

09:20, 09/03/2013

Năm 1970 khi nước nhà đang có chiến tranh, tuy chưa đến tuổi nghĩa vụ quân sự tôi xung phong lên đường nhập ngũ dù gia đình tôi đã có anh trai và chị gái đang phục vụ tại các tuyến lửa. Tôi được đầu quân cho đơn vị pháo binh Trung đoàn 675 (nay là lữ đoàn).

Xe tăng quân giải phóng tiến công vào Ngã Sáu, sáng 10-3-1975.   Ảnh: T.L
Xe tăng quân giải phóng tiến công vào Ngã Sáu, sáng 10-3-1975. Ảnh: T.L

Sau gần một năm huấn luyện chuyên môn kỹ chiến thuật, tháng 10-1971 tôi cùng đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu tại Mặt trận B3 Tây Nguyên, được tham gia Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 (mở màn là trận đánh thị xã Buôn Ma Thuột). Đã sau bao nhiêu năm giải phóng, song cứ đến Tháng Ba, lòng tôi lại dâng trào cảm xúc tự hào một niềm tin tất thắng không phai nhạt.

Ngày ấy, Trung đoàn 675 là một đơn vị pháo binh hạng nặng và mạnh nhất mặt trận B3 lúc bấy giờ, chấp hành mệnh lệnh của mặt trận B3: quyết tâm chiến đấu giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, đơn vị chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Ngay từ giữa năm 1974 đơn vị đã có phương án kế hoạch, trinh sát, đo đạc nắm bắt mọi hoạt động của địch trong thị xã Buôn Ma Thuột một cách chính xác, cẩn thận và chu đáo.

Đầu tháng 3-1975, khi bắt đầu vào chiến dịch gấp rút, đơn vị cử tôi cùng tổ đài quan sát thọc sâu vào vị trí gần địch nhất ở thị xã Buôn Ma Thuột để quan sát các mục tiêu của địch, đồng thời hướng dẫn chỉnh sửa tọa độ bắn cho pháo binh, nhằm nâng cao hiệu quả trong chiến đấu. Nơi ấy là đỉnh cao 3008 (người dân thường gọi là đồi chúa Châu Sơn), chỉ cách trung tâm ngã sáu khoảng 1 km đường chim bay. Qua ống kính bội số 40 từ nơi đây quan sát ra các mục tiêu đồn bốt của địch rất rõ ràng, hơn nữa thời ấy các nhà cao tầng ở thị xã còn rất ít, còn xen lẫn nhiều vườn cà phê giữa những dãy nhà mái tôn kẽm ngả màu vàng rỉ sắt; các con đường nhựa cũng còn hạn chế, chủ yếu là những con đường đất đỏ bazan.

Một điều đặc biệt trong trận đánh này quân ta hết sức chú ý đến khâu giữ gìn bí mật tuyệt đối. Tất cả mọi công tác chuẩn bị cho chiến đấu đều phải làm vào ban đêm, thực hiện tốt khẩu hiệu “Ngày không khói – Tối không sáng – Nói không to - Gõ không tiếng” kể cả các mũi tiến quân của ta cũng đều thực hiện vào ban đêm, ban ngày thì bặt vô âm tín, do đó địch không hề hay biết. Chỉ riêng giữ được bí mật tuyệt đối trong mỗi trận đánh quân ta đã thắng lợi 50%. Tất cả các công tác chuẩn bị chiến đấu toàn mặt trận đã được hoàn tất, sẵn sàng chờ lệnh.

Đêm mùng 9-3-1975 chúng tôi cũng như toàn mặt trận đêm đó không được ngủ. Chúng tôi cũng đoán rằng nội nhật đêm nay quân ta sẽ tấn công thị xã Buôn Ma Thuột. Mọi người nóng lòng chờ đợi một thời khắc thiêng liêng nhất. Đúng 2 giờ kém 5 phút rạng sáng 10-3-1975, mệnh lệnh bắn từ chỉ huy sở phát ra, tất cả các loại vũ khí lớn, nhỏ từ khắp nơi đua nhau nhả đạn. Màu đỏ của đạn trong đêm như lưới lửa trùm kím mục tiêu. Khắp bầu trời thị xã Buôn Ma Thuột những tiếng nổ long trời, lở đất làm rung chuyển mặt đất, các mục tiêu của địch lần lượt bị phá hủy. Địch bị bất ngờ tấn công không trở tay kịp, đua nhau tháo chạy tán loạn, hoặc chống cự yếu ớt. Còn lực lượng pháo binh của địch chỉ bắn vu vơ không có định hướng, rồi sau đó cũng tháo chạy, để lại rất nhiều vũ khí và đạn dược, xe cộ, máy móc, trang thiết bị chiến tranh.

Với sức mạnh tấn công như vũ bão của quân và dân tỉnh Dak Lak, chỉ đến trưa ngày 10-3-1975 thị xã Buôn Ma Thuột đã được giải phóng. Vũ Thế Quang, Sư phó Sư đoàn 23 ngụy, đã khai sau khi bị bắt: “Chúng tôi thua các ông vì chúng tôi nhận định không đúng về khả năng đánh Buôn Ma Thuột của các ông”. Các đoàn quân giải phóng từ các ngã tràn vào tiếp quản và thu dọn chiến trường được nhân dân hân hoan chào đón với cơm nắm, bánh trái, nước uống chúc mừng đoàn quân chiến thắng trở về giữa rừng cờ và hoa khắp các con phố. Bao nhiêu năm sống và chiến đấu toàn phải ở trong rừng, nay được các bà, các mẹ, các chị ân cần đón tiếp, tôi như đang được sống tại quê nhà, như được tiếp thêm tinh thần chiến đấu, càng tin tưởng vào con đường giải phóng dân tộc, cho khát vọng hòa bình, cho độc lập tự do của Tổ quốc – con đường mà Đảng quang vinh và Bác Hồ đã lựa chọn.

Phạm Thành

(CCB Trung đoàn Pháo binh 675)


Ý kiến bạn đọc