Multimedia Đọc Báo in

Lê Ngọc Hân – Hoàng hậu tài sắc vẹn toàn

09:38, 09/03/2013

Từ một công chúa tài hoa, thông minh, đức hạnh, đến một hoàng hậu nhân từ, sắc sảo, tuy cuộc đời ngắn ngủi, hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã trở thành một nhân vật lịch sử, một danh nhân văn hóa của dân tộc.

Hoàng hậu Lê Ngọc Hân
Hoàng hậu Lê Ngọc Hân

Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (tức ngày 22-5-1770), là con gái thứ 9 vua Lê Hiển Tông. Mẹ bà là Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn - Bắc Ninh, là con gái trưởng của ông Nguyễn Đình Giai - người làng Phù Ninh (tức làng Nành), huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Lê Ngọc Hân bản tính thùy mị, dịu dàng, được vua cha yêu quý đặt tên là Chúa Tiên và truyền cho nữ quan Lễ sư vào cung rèn cặp chữ nghĩa cho công chúa đủ môn cầm, kỳ, thi, họa. Chưa đầy 10 tuổi, công chúa đã thuộc làu kinh điển, thông thạo âm luật, giỏi thơ văn cả Hán lẫn Nôm, nhưng có sở trường về văn thơ Nôm. Nữ sĩ công chúa thường cùng bà Lễ sư khi ngâm vịnh xướng họa, lúc đàn sáo véo von. Càng lớn, công chúa càng xinh đẹp nết na, duyên dáng đức hạnh, được tiếng thơm khắp hoàng cung, mọi người đều quí trọng.

Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh". Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến vua Hiển Tông. Do sự mai mối của tướng Bắc Hà vào hàng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân vâng lệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Khi đó, bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 34 tuổi. Công chúa Ngọc Hân tài sắc hơn người, kiều diễm đoan trang. Nguyễn Huệ là bậc hào kiệt, độ lượng lại sẵn bụng nể trọng nhà Lê nên tình cầm sắt ngày càng đằm thắm, mặn nồng. Sau hơn một tháng lưu tại kinh đô, Ngọc Hân theo chồng trở về Phú Xuân (Huế), gắn bó đời mình với sự nghiệp của người anh hùng “áo vải, cờ đào” bằng một sự đồng cảm đặc biệt.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu. Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Bà có 2 con với Nguyễn Huệ là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức. Nhưng chỉ mới 6 năm chung sống, năm 1792, Hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà, để lại hoàng hậu Ngọc Hân trẻ tuổi với một công chúa và một hoàng tử thơ dại sống bơ vơ giữa thời ly loạn, rối ren. Sau đó, bà viết bài “Tế vua Quang Trung” và “Ai tư vãn” để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực, cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng anh hùng vắn số.

Khi Quang Trung mất, Quang Toản là con bà Chính cung hoàng hậu Phạm Thị Liên lên thay, tức là Cảnh Thịnh đế. Theo bài "Danh nhân Lê Ngọc Hân" của Chu Quang Trứ, Lê Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi. Lễ bộ Thượng thư Ðoan Nham hầu nhà Tây Sơn là Phan Huy Ích đã phụng chỉ soạn bài văn tế cho vua Cảnh Thịnh, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê và cho họ ngoại ở làng Phù Ninh tế Ngọc Hân. Hoàng đế Cảnh Thịnh đích thân đọc trước linh sàng Hoàng thái hậu họ Lê. Bà được truy tặng là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Cả năm bài văn trên còn chép trong sách Dụ Am văn tập.

Với nhãn quan chính trị sắc sảo, chính xác, thấu hiểu thời cuộc, bà đã có những đóng góp quan trọng với Nguyễn Huệ trong những việc quốc gia, đại sự. Sau khi vua Lê Hiển Tông băng hà, việc tìm người kế vị theo di chúc của nhà vua là phải “bẩm qua với ông ấy” (tức Nguyễn Huệ). Nguyễn Huệ đã mang việc trong đại này đến hỏi ý kiến người vợ trẻ Lê Ngọc Hân và được tư vấn là “không chấp nhận”. Nhưng rồi Lê Duy Kỳ vẫn được lên ngôi vua, chính là Lê Chiêu Thống, kẻ đã đang tâm bán nước, cầu cứu quân Thanh xâm lược, bị lịch sử nguyền rủa là “cõng rắn cắn gà nhà”.

Sự nghiệp lớn lao, quan trọng và có giá trị lâu bền nhất của Lê Ngọc Hân là việc bà đã trở thành một tác giả văn học nổi tiếng, để lại cho hậu thế tác phẩm bất hủ. Bài “Ai tư vãn” của bà thật ai oán, thống thiết, rung động lòng người, đã trở thành viên ngọc trong kho tàng văn học cổ điển Việt Nam.

                                                                     (Theo QuehuongOnline)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.