Multimedia Đọc Báo in

Chiến thắng Buôn Ma Thuột - Nước cờ tuyệt diệu

10:17, 03/04/2013

Những quyết định táo bạo và vô cùng linh hoạt của quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đặt lực lượng đối phương vào thế bị động, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Sài Gòn vào ngày 30-4-1975. 

Tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3-1975.      Ảnh: T.L
Tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3-1975. Ảnh: T.L

Theo Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, "thế trận" chính là yếu tố quan trọng để đưa đến thắng lợi lịch sử 30-4-1975, mà mở đầu là chiến thắng Buôn Ma Thuột. Trong bài viết “Thế trận kỳ lạ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975”, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã phân tích vì sao ta chọn Tây Nguyên làm hướng chiến lược mở màn của cả chiến cuộc. Vào cuối năm 1974, cách bố trí lực lượng dài, mỏng và "mạnh hai đầu" của đối phương đã bộc lộ nhiều sơ hở, nhưng chúng không có sự lựa chọn nào tối ưu hơn. Nhưng muốn phá thế trận dài, mỏng và "mạnh hai đầu" của đối phương, thì phải đánh vào đâu? Có thể nói, không gì thuận lợi hơn bằng đánh vào Tây Nguyên. Thứ nhất, Tây Nguyên có vị trí như chiếc đòn gánh nối liền hai đầu thế trận của đối phương. Đánh vào Tây Nguyên sẽ giống như ta bẻ chiếc đòn gánh, phá vỡ thế trận liên hoàn, hai đầu khó tránh khỏi sụp đổ. Thứ hai, Tây Nguyên giữ một vị trí rất quan trọng trong những thế trận ở Việt Nam và Đông Dương nhưng Mỹ - Thiệu lại không tập trung nhiều lực lượng ở đây vì chúng cho đây không phải điểm trọng yếu tiến công của ta. Hơn nữa, lực lượng quân sự của đối phương lại có hạn và chúng cho rằng lực lượng ấy đủ để giữ Tây Nguyên...

 

Phát hiện được điểm sơ hở này, ta đã có những hoạt động nghi binh làm đối phương khẳng định những phán đoán sai lầm của chúng là đúng và tiếp tục duy trì thế trận bất lợi ấy.

Lúc bấy giờ, Tây Nguyên như chiếc áo giáp che chở cho đồng bằng miền Trung. Mất Tây Nguyên, đồng bằng miền Trung sẽ bị hở sườn và cái thế bị ta chia cắt chiến lược sẽ không tránh khỏi. Tây Nguyên lại ở thế cao hơn đồng bằng, giải phóng được Tây Nguyên, chúng ta sẽ tạo cho mình một thế mới, thế “thác đổ”. Bộ Chính trị và các tướng lĩnh ta nhận định, nếu thế “thác đổ” ấy của các binh đoàn từ Tây Nguyên tràn xuống kết hợp với thế “triều dâng” của các cuộc tiến công nổi dậy ở đồng bằng thì khó kẻ địch nào có thể chống nổi. Chắc chắn thế trận đối phương sẽ bị tan vỡ rất nhanh, tạo nên cục diện mới.

Buôn Ma Thuột, trung tâm chính trị của Tây Nguyên, nơi đặt căn cứ của sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy và là tỉnh lỵ của Dak Lak, đã được chọn làm điểm đột phá chiến lược mở đầu cho chiến dịch Tây Nguyên (và cả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975). Đây là một “pháo đài” trong thế trận của đối phương, lại nằm sâu về phía Nam, nên quân ta phải khắc phục nhiều khó khăn mới đánh được. Chiếm được Buôn Ma Thuột, ta nắm được địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng để phát triển về mọi hướng, chia cắt Tây Nguyên với các vùng khác, chế ngự được đối phương, giành quyền chủ động cao hơn. Buôn Ma Thuột còn là biểu tượng về sự “ổn định” của chính quyền ngụy ở Tây Nguyên và cả miền Nam.

Với nhận định ấy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thống nhất rằng chiếm được Buôn Ma Thuột nhanh sẽ là điều kiện tiên quyết tiến lên giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và có thể tạo thời cơ lớn xuất hiện sớm, làm rung chuyển thế trận trên toàn miền Nam.

Cùng với việc phá vỡ thế trận “mạnh hai đầu” của đối phương, đòn điểm huyệt của ta ở Tây Nguyên cùng các đòn sau này cũng đã đồng thời phá vỡ thế trận phòng ngự diện rộng của địch trên phạm vi Tây Nguyên và trên toàn miền Nam. Trong khi tiến công vào Buôn Ma Thuột cũng như ở Tây Nguyên, ta đã đồng thời quét sạch toàn bộ bộ máy của chính quyền ngụy tại đây.

Chọn đúng hướng, điểm đúng huyệt là rất quan trọng, nhưng hơn thế nữa, trong chiến dịch này, ta đã tập trung được lực lượng lớn, tạo được lợi thế lớn để giành được thắng lợi lớn nhanh, có lực và thế mạnh để phát triển thắng lợi trên các hướng khác.Vào thời điểm đó, một mặt, ta bí mật tập trung lực lượng, tạo ưu thế về lực, khéo bố trí lực lượng, nghi binh kết hợp với địa hình ở đây hình thành thế hiểm hóc, lợi hại, bảo đảm cả đánh Buôn Ma Thuột và đánh thắng các đợt phản kích lớn, đánh địch cụm lại ở Plei Ku, Kon Tum hay khi chúng rút chạy khỏi Tây Nguyên, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, chia cắt chiến lược, phá thế liên hoàn Nam Bắc của đối phương ... Đây chính là bài học mẫu mực trong nghệ thuật chiến tranh Việt Nam.

Đúng như dự đoán của ta, trước đòn tấn công như vũ bão, Buôn Ma Thuột đã nhanh chóng thất thủ và chiến thắng ấy đã làm xuất hiện thời cơ lớn, tổng tiến công giải phóng toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước.

       (Theo TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.