Những người lính Cụ Hồ, ngày trở về...
Đất nước thống nhất, những người lính Cụ Hồ buông tay súng, xếp ba lô trở về với cuộc sống thời bình. Với bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục phát huy những phẩm chất tốt đẹp được tôi luyện trong binh lửa, mất mát, đau thương, những cựu chiến binh đã nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thường nhật, tiếp tục xung kích, đi đầu trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước…
Người cựu chiến binh năng động
Năm nay đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng cựu chiến binh (CCB) Hồ Sỹ Hùng, thôn 11, xã Hòa Thắng (TP.Buôn Ma Thuột) vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh với giọng nói sôi nổi. Ít ai biết rằng người CCB 70 tuổi ấy đang làm chủ một cơ ngơi lớn và quản lý công việc kinh doanh mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Hồ Sỹ Hùng đang chăm sóc vườn cây cảnh. |
Quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, năm 1965, ông Hồ Sỹ Hùng gác lại việc học đại học, lên đường nhập ngũ. Ông chia sẻ, những năm tháng “vào sinh ra tử”, đánh giặc trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đến Kon Tum, Dak Lak đã ghi dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời ông, cái thời gian khổ mà hào hùng ấy đã tôi luyện cho ông ý chí thép và tinh thần vượt lên mọi khó khăn gian khổ. Chinh chiến trên dọc dài dải miền Trung - Tây Nguyên, và rồi ông Hùng đã gắn bó cuộc đời mình với Dak Lak khi vào năm 1975, ông được chuyển về Đoàn 773 (Bộ Tư lệnh Quân khu V) lúc đầu làm nhiệm vụ giữ đèo Phượng Hoàng và Phước An chống địch tái chiếm, sau đó thì vừa truy quét Fulro vừa phát rừng, khai hoang làm kinh tế. Năm 1985, sau 20 năm công tác trong quân đội, ông chuyển ngành sang công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Ea Kmat). Quyết định đưa gia đình vào cùng sinh sống, ông đã phải đối mặt ngay với bài toán “cơm-áo” khi chỉ có hai bàn tay trắng và đàn con đang tuổi ăn học cùng bố mẹ già và các em. Ngoài giờ làm việc, ông tìm chỗ đất trống tỉa ngô khoai và hoa màu, mấy cha con phải đi mót khoai mót lúa tại Nông trường Việt Đức, Nông trường 719; vào ngày nghỉ cuối tuần, các con đi học về còn phải đi bán kem tận Trung Hòa, huyện Krông Bông. Vất vả như vậy nhưng với bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, ông vẫn động viên gia đình, vợ con vượt qua. Ông bảo, cũng nhờ những năm tháng khó khăn ấy đã rèn cho các con mình nghị lực vượt khó và biết vươn lên trong học tập. Cả 4 người con của ông đều đỗ đại học, có người đỗ 2-3 trường, hiện nay có 2 người là kỹ sư nông nghiệp, 2 người là cử nhân kinh tế.
Gần 20 năm công tác tại Viện, mặc dù chủ yếu làm công tác tổ chức cán bộ nhưng ông Hùng luôn chăm chỉ tự học, trau dồi nhiều kiến thức về nông nghiệp. Năm 2003, khi về nghỉ hưu, còn sức khỏe và có kiến thức trau dồi trong những năm làm việc, ông quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân phát triển nông lâm nghiệp Quang Phước chuyên ươm và cung cấp các loại giống cây trồng. Song song đó, ông còn tập trung đầu tư vào vườn cây cảnh – một thú chơi mà ông cũng đã tiếp cận từ cách đó chục năm. Hiện nay, ngoài khu vườn ươm với diện tích 5.000m2 chuyên cung cấp các loại cây giống, ông còn quản lý vườn cây cảnh với 1.500 chậu cảnh gồm nhiều loại cây đa dạng và phong phú, trong đó có 4 loại cây chủ lực là xanh, tùng, mai và lộc vừng với giá từ vài trăm nghìn đến cả trăm triệu đồng/cây. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Hùng vẫn đảm nhiệm việc tạo hình, tạo dáng, tạo thế cho vườn cây cảnh của mình. Bên cạnh đó, gia đình ông còn có rẫy cà phê với diện tích 1,1ha, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 4 tấn cà phê nhân. Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, ông Hùng đều dành hết để đầu tư cho các con. Cả 4 người con của ông hiện đều có công ăn việc làm ổn định, kinh tế rất khá giả.
Không những làm kinh tế giỏi, CCB Hồ Sỹ Hùng còn rất nhiệt tình với công tác xã hội. Suốt 8 năm liên tục, từ 2003 đến 2011, ông làm Bí thư Chi bộ thôn 11, góp phần đáng kể xây dựng thôn trở thành một khu dân cư điển hình xuất sắc của tỉnh, được công nhận là thôn văn hóa của thành phố và của tỉnh. Gia đình người đảng viên đã có 40 năm tuổi Đảng này luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Năm 2012, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã tự nguyện dời hàng rào, hiến 48m2 đất trị giá 70 triệu đồng để làm con đường vào thôn. Nhờ vậy, chỉ trong vòng một tuần, bà con thôn 11 đã hoàn thành tháo dỡ các công trình, hàng rào để nhường đất cho con đường.
Tâm niệm sống từ nghĩa tình đồng đội
Từ anh giáo của buôn làng, cuộc binh lửa đã đưa ông Y Siêng Niê (hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yang Reh, huyện Krông Bông) đến với cách mạng và gắn bó cùng màu áo anh Bộ đội Cụ Hồ suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt từ Chiến dịch Mậu thân 1968.
Ông bảo không thể nhớ chính xác tên từng đơn vị mà mình đã tham gia, bởi ngày ấy có đơn vị chỉ ở đôi ba ngày, được bổ sung quân số cho mặt trận nào cũng xung phong, miễn là góp công sức chiến đấu chống kẻ thù, giành độc lập. Nhưng ký ức về những mất mát đau thương của đồng chí đồng đội thì không phai mờ, ông lý giải: lúc chiến tranh nhớ để nuôi chí căm thù chắc tay súng chiến đấu, hòa bình rồi thì nhớ để khắc cốt ghi tâm mà sống, cống hiến cho xứng với sự hy sinh ấy. Chiến tranh, cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ông bùi ngùi kể về một kỷ niệm: tháng 2 năm 1972, khi ấy ông đang đóng quân tại đơn vị C324H10 tức thuộc địa bàn huyện Lak bây giờ, ông cùng 3 đồng đội khác được giao nhiệm vụ theo dõi và tiêu diệt một tên mật vụ của ngụy quyền. Nhưng trên đường đi thì cả 4 người bị vướng mìn, ông may mắn chỉ bị thương ở chân với tỷ lệ 26%, còn 3 đồng đội thì hy sinh. Ký ức ấy theo ông suốt cuộc đời binh nghiệp ngay cả sau này khi hòa bình lập lại, trên mọi cương vị: chiến sĩ của Quân đoàn 3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hay tham mưu trưởng, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lak, rồi đến khi nghỉ hưu, tiếp tục tham gia công tác Hội Cựu chiến binh xã Yang Reh, ông vẫn luôn tâm niệm phải sống và làm việc để xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội mình.
Nói đến ông Y Siêng trên chức trách hiện tại là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yang Reh, đồng chí đồng nghiệp yêu quý và tôn trọng ông ở tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn phê và tự phê trước chi bộ. Không ít người bị ông phê thẳng quá cũng không vừa lòng nhưng trải qua thời gian thấy ông gương mẫu, nói đi đôi với việc làm, chân tình tiếp thu, lắng nghe ý kiến của đồng chí, đồng đội nên càng hiểu và quý trọng. Trong mọi hoạt động của Hội, ông cùng ban chấp hành luôn tự hào và xác định phải giữ gìn và phát huy những phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ để trở thành trung tâm của khối đoàn kết. Lấy chữ tín của danh hiệu ấy, Hội Cựu chiến binh xã tích cực phối hợp với các đoàn thể làm tốt công tác phát động quần chúng, trình phòng chống tội phạm bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội, tham gia giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong đời sống nhân dân. Trăn trở với cuộc sống của hội viên còn khó khăn, bước chân ông không quản ngại cùng đồng đội đi thăm hỏi rồi vận động anh em mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Hội đã nhận ủy thác vốn vay ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ gần 3 tỷ đồng, hội quản lý 6 tổ tiết kiệm cho 288 hộ vay. Giúp hội viên vay vốn nhưng quan trọng nữa là vận động, giám sát để họ sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Chuyện có ngày ông đi một vòng từ đầu xã tới cuối xã đến nhà các hội viên để nắm bắt tình hình dùng vốn vay làm ăn ra sao chẳng phải ít. Tiền bạc, công xá là một chuyện, nhiều lần vợ con lo lắng cho sức khỏe khuyên ông nên nghỉ nhưng anh em đồng chí, đồng đội lưu luyến, ông lại tiếp tục hăng say làm. Ông mừng lắm khi kể đến chuyện trong Hội của mình có hơn 20 hộ gia đình hội viên từ nguồn vốn vay đã làm được những trang trại chăn nuôi bò, phát triển kinh tế bằng mô hình trồng tre lấy măng, trồng rừng...
Là một trong những đại biểu được tham dự Hội nghị vinh danh những tập thể cá nhân tiêu biểu về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Tỉnh ủy tổ chức cuối năm 2012, ông khiêm tốn khi tự nhận mình vẫn chưa làm được gì nhiều và có thấm tháp gì với sự hy sinh của biết bao đồng chí, đồng đội.
Người CCB quanh năm “vác tù và hàng tổng”
Ở tổ dân phố 8, thị trấn Phước An (Krông Pak), từ già đến trẻ ai ai cũng nể phục, yêu mến ông Trần Xuân Bính, người được mệnh danh là “người có nhiều chức vụ nhất” của khu phố.
CCB Trần Xuân Bính phụ giúp các con những lúc nhàn rỗi. |
Sinh năm 1949 tại Thọ Xuân (Thanh Hóa), năm 19 tuổi, chàng trai trẻ Trần Xuân Bính đã nghe theo tiếng gọi của núi sông khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Rong ruổi khắp các chiến trường, năm 1970 ông vào chiến trường Dak Lak, thuộc phiên chế Tiểu đoàn Đặc công 401. Đến năm 1973, ông được điều động về chiến đấu cùng đơn vị K2 (Biệt động thành), chiến đấu trong lòng địch tại Buôn Ma Thuột cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Thời gian ở trong quân ngũ, ông đã tham gia nhiều trận chiến ác liệt với quân thù. Trong một trận quyết chiến với kẻ thù tại chiến trường H6 (nay là huyện Krông Ana), ông đã bị thương rất nặng, nhưng may nhờ được đồng đội đưa vào bệnh viện dã chiến cấp cứu kịp thời nên chỉ thời gian ngắn sau ông đã cầm súng tiếp tục chiến đấu. Với thành tích chiến đấu của mình, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Tự hào là người lính Cụ Hồ, được tôi rèn ý chí sắt đá trong chiến tranh, rời tay súng ông lại tiếp tục "chiến đấu" giữa thời bình. Tại địa phương, ông đã kinh qua hầu hết các "mặt trận" từ chi bộ, cựu chiến binh, người cao tuổi, chữ thập đỏ cho đến dân phòng… Ở mặt trận nào ông cũng tận tâm tận lực với phương châm “tàn nhưng không phế”, “còn sức khỏe thì còn phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân”. Trong vai trò Tổ trưởng tổ dân phố, ông Bằng đã hòa giải cho rất nhiều trường hợp mâu thuẫn, bạo lực gia đình và giữa các gia đình trong khu phố. Trong vai trò đội trưởng đội dân phòng, ông luôn đi đầu trong nhiệm vụ bảo đảm trật tự trị an của tổ dân phố. Hơn thế với một địa bàn phức tạp như khu vực thị trấn, nhiều đối tượng liên quan đến tệ nạn xã hội trà trộn vào các khu dân cư, gây bất ổn về trật tự an toàn xã hội. Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm ông đã trực tiếp tiếp cận và thuyết phục các đối tượng liên quan đến tệ nạn xã hội trở về với cuộc sống đời thường. Bà Hồ Thị Chuân vợ ông đã quá quen với việc cứ nửa đêm nghe thấy tiếng gọi cửa là ông lại tất tả mặc áo ra đi. Có những sự việc kéo dài đến cả năm trời nhưng ông vẫn kiên trì, không bỏ cuộc. Nhiều gia đình nhờ ông mà có được cuộc sống yên ấm, vợ chồng "cơm lành canh ngọt".
Hiện nay, do tuổi cao sức yếu không thể theo đuổi được hết mọi công việc của địa phương, nhưng ông vẫn ở trong đội dân phòng và là bảo vệ thường xuyên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pak. Ở “mặt trận” mới này, ông không chỉ có điều kiện tiếp tục cống hiến sức mình mà còn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Nghị lực vượt khó, vươn lên của đôi vợ chồng thương binh
Ông Trần Minh Ảnh, sinh năm 1954, ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nhập ngũ năm 1972 trực tiếp tham gia “Mùa hè đỏ lửa”. Bà Nguyễn Thị Tốt, cô gái cùng quê, là thanh niên xung phong tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Năm 1974, ông bà kết hôn và ông lại tiếp tục chiến đấu tại chiến trường, còn bà thì bị thương nên nghỉ mất sức ở nhà. Năm 1975 sau khi giải phóng ông xuất ngũ trở về địa phương và bị nhiễm chất độc màu da cam. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ hết sức khó khăn, ba người con lần lượt ra đời khiến cho cuộc sống của vợ chồng ông lâm vào cảnh khốn khó.
Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, vợ chồng ông Ảnh quyết định vào Dak Lak lập nghiệp. Nơi dừng chân đầu tiên của vợ chồng ông là làm công nhân của Xí nghiệp 333, Nông trường 719 bây giờ. Ngày đó, gia đình được nhận phần đất để trồng lúa, ba tháng gieo giống và ba tháng gặt lúa, còn lại nửa năm hầu như gia đình không làm gì. Không thể ngồi không tới hơn nửa năm, ông quyết tâm đi khai hoang những vùng đất còn hoang hóa chưa có bóng người. Với 1,8 ha đất từ những bụi rậm, cây cối um tùm và bùn lầy, ông đã trồng cây thêm hoa màu, lại đào ao nuôi cá. Nhờ chịu thương chịu khó, dần dần kinh tế gia đình vượt qua khó khăn và có của ăn của để. Năm 1992, vợ chồng ông Ảnh nghỉ mất sức. Dù kinh tế đã có phần đỡ hơn nhưng với mong muốn con cái có điều kiện tốt để học hành nên cả gia đình quyết định chuyển đến sinh sống tại TP. Buôn Ma Thuột. Bán hết cả rẫy, vườn được khoảng hơn 5 cây vàng, gia đình ông mua được một mảnh vườn 5 sào tại TP. Buôn Ma Thuột. Kinh tế gia đình tại nơi ở mới gặp không ít khó khăn, đất đai không nhiều, cà phê chưa thu hoạch được, chỉ có một chiếc máy cày để làm thêm. Người con trai cả của ông ngoài giờ học phải phụ giúp bố mẹ bằng cách đi bán kem để kiếm thêm thu nhập. Khó khăn là vậy nhưng mọi người trong gia đình ai cũng chịu khó, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Thế nên chỉ trong vài năm, ông Ảnh, bà Tốt đã xây dựng được một cơ ngơi khá khang trang. Trên 5 sào đất, gia đình ông trồng đầy đủ mọi loại cây, như: sầu riêng hạt lép, cà phê, tiêu, chè xanh, mía, ao nuôi cá,… thu nhập hằng năm chỉ tính lãi ròng đạt 50 triệu đồng; ngoài ra gia đình ông còn cho thuê đất trồng lúa… Song, phần thưởng lớn nhất đối với cặp vợ chồng thương binh này chính là những người con đã ăn học nên người và trở thanh công dân tốt của xã hội, như anh Trần Anh Hoàng (sinh 1976) và Trần Anh Động (sinh 1984) hiện đang công tác tại Công an tỉnh Dak Nông, chị Trần Thị Phương (sinh 1978) hiện đang là cô giáo ở huyện Krông Bông.
Đúc kết lại cuộc đời của mình, bà Nguyễn Thị Tốt chỉ ngâm lên những câu thơ do chính bà sáng tác: “Tôi người con của miền Trung/ Đi làm kinh tế ở vùng Tây Nguyên/ Dak Lak mảnh đất dừng chân/ Để tôi lập nghiệp lập thân nơi này/ Tân Hòa phường mới là đây/ Thành phố Buôn Ma Thuột từng ngày đi lên/ Về đây hội tụ mọi miền/ Bắc Trung Nam cũng cháu con Bác Hồ/ Chung tay xây dựng cơ đồ/ Xây quê hương mới thắm tô cờ hồng…”
Gia Thuần – Thủy Nam
Ý kiến bạn đọc