Multimedia Đọc Báo in

Theo dòng lịch sử

Hải Đội Hoàng Sa và những nhiệm vụ trên biển Đông

09:17, 12/05/2013

Sự kiện thành lập Đội Hoàng Sa được sách Đại Nam thực lục ghi chép: “Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý Trường Sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba... Buổi quốc sơ đặt Đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn, để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do Đội Hoàng Sa kiêm quản…”. Ngay sau đó, nhiệm vụ của Đội Hoàng Sa là được phái đi biển và ra Hoàng Sa để thăm dò đường biển: “Sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”, như vậy, nhiệm vụ của Đội Hoàng Sa lúc đầu là công tác thăm dò đường biển để thuận tiện cho việc đi lại cho tàu thuyền.

Việc phái quân đội ra Hoàng Sa đo  đạc vẽ bản đồ đã được Châu bản ghi chép rất đầy đủ, trong đó có cả chuyện thưởng phạt công minh, ai có công trạng thì được thưởng, ngược lại ai chậm trễ sai sót bị liền bị trách phạt. Chẳng hạn, trong tờ Châu bản số 092, Stt 070, quyển 054 triều Minh Mạng ghi việc sai phái quân đội ra Hoàng Sa đo đạc và vẽ bản đồ nhưng vì chậm trễ nên bị trách tội: “Chúng thần Hà Tôn Quyền, Hoàng Quýnh ở Nội các phụng thượng dụ: Viên được phái ra Hoàng Sa là Cai đội Phạm Văn Nguyên trở về chậm trễ, vừa qua đã có chỉ giao cho Bộ trị tội. Nhưng đã tra chưa thấy rõ có tình tội riêng. Vả lại lần đó phái đi ra biển, đã hoàn thành công việc lẽ ra được dự thưởng chỉ có quản viên Phạm Văn Nguyên lúc về lại dám tự ý giữ chức thật là không hợp, trước đây đã có chỉ cách chức giam cùm, nay truyền đánh ngay 80 gậy và gia ân khai phục nguyên chức. Vẽ bản đồ chưa được rõ ràng là các Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện và Nguyễn Văn Hoằng đều đánh 80 gậy chuẩn cho thả tất cả. 2 tên hướng dẫn là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sinh đều thưởng cho 3 mai tiền bằng bạc hạng nhỏ. Các binh thợ tham gia đều thưởng cho mỗi người 1 quan tiền, rồi cho về đơn vị và cục. Dân phu do tỉnh phái, trừ 2 tên hướng dẫn ra, còn lại đều thưởng cho mỗi người 1 quan tiền”…

Để tăng cường cho việc bảo đảm sự an toàn cho tàu thuyền qua lại trong hải phận Hoàng Sa, vua Minh Mệnh đã quan tâm đến việc dựng miếu thờ, lập bia và trồng thêm cây cối để đánh dấu cho các thuyền bè biết để tránh bị mắc cạn. Vua bảo bộ Công rằng: “Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường [mắc cạn] bị hại ! Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”. Liền đó sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ. Khi trở về, vua hỏi về những thứ sản vật ở đấy, Trương Phúc Sĩ tâu: “Nơi này là bãi cát giữa bể, man mác không bờ” rồi đem dâng vua những thứ chim, cá, ba ba, ốc, sò ngao, đã bắt được ở nơi đó, đều là những vật lạ, ít thấy.

Sau khi có những khảo sát về Hoàng Sa vua lệnh cho dựng đền thờ thần ở Hoàng Sa để cầu mong cho thuyền bè đi lại được thuận buồm xuôi gió: “Dựng đền thờ thần [ở đảo] Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ “Vạn lý ba bình” (cồn Bạch Sa [cát trắng] chu vi 1070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ Đông, Tây, Nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía Bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than thạch). Năm ngoái vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây, mới sai Cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mươi ngày làm xong, rồi về”.

Trong nhiệm vụ được thực thi của Đội Hoàng Sa trên biển và quần đảo Hoàng Sa chủ yếu là nghiên cứu đường thủy, vẽ bản đồ địa hình các đảo, xây dựng đền thờ, cắm bia chủ quyền và trồng cây đánh dấu...

Bộ Công tâu nói: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được 1 nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh thủy quân và vệ Giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình”. Vua y lời tâu. Sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi; chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”. Viên ngoại lang Công bộ Đỗ Mậu Thưởng vâng lệnh phái đi công cán Hoàng Sa về, đem bản đồ dâng lên, vua cho là trải qua nhiều nơi, xem đo tường tất so với phái viên mọi lần thì hơi hơn. Đỗ Mậu Thưởng và các người đi cùng đều được gia thưởng áo quần và tiền.

Phần Lễ thể linh trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Phần Lễ thể linh trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Bên cạnh việc xây dựng các công trình trên quần  đảo Hoàng Sa, triều Nguyễn còn cho cứu giúp tàu thuyền của các nước khác bị nạn tại quần đảo này. Trong thời kỳ vương triều Nguyễn trị vì  đất nước, có nhiều tàu thuyền của các nước qua lại giao thương trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, trong đó nhiều tàu thuyền bị nạn mắc cạn tại đây được sự giúp đỡ của triều Nguyễn đã trở về với chính quốc.  

Những việc liên quan đến Hoàng Sa không phải là  việc riêng của cá nhân hay bộ nào mà đó là việc chung của toàn bộ vương triều. Trong thời kỳ Minh Mạng làm hoàng đế, những vấn đề liên quan đến Hoàng Sa đã nhiều lần được đưa ra bàn bạc trong những buổi thiết đại triều. Từ những việc như: trồng cây, lập miếu thờ hay cho cứu vớt tàu phương Tây bị mắc cạn  ở Hoàng Sa... đã cho thấy vương triều Nguyễn có chủ quyền riêng ở quần đảo này. Điều cần nói là trong các sách chính sử của triều Nguyễn chưa hề phản ánh việc các nước khác tranh chấp chủ quyền với triều Nguyễn trên quần đảo Hoàng Sa.

Qua những việc làm trên của Đội Hoàng Sa và nhà Nguyễn thực thi nhiệm vụ trên biển và quần đảo Hoàng Sa đã minh chứng cho chủ quyền thiêng liêng của biển đảo Việt Nam. Những người lính Hoàng Sa đã bỏ thân mình nơi mịt mù sóng nước, nhiều người đã hy sinh để lại chủ quyền cho đất nước. Ngày nay, lệ khao lính Hoàng Sa vào tháng Ba âm lịch hằng năm cũng là để tưởng nhớ tới công ơn của những người lính ra đi mà không biết ngày trở về.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc