Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 193 NĂM NGÀY SINH PH.ĂNG-GHEN (28-11-1820 - 28-11-2013)

Di sản tư tưởng - lý luận của Ph.Ăng-ghen với cách mạng Việt Nam

07:53, 27/12/2013
Ph.Ăng-ghen là nhà bác học, nhà tư tưởng lớn, một trong những vĩ nhân của lịch sử nhân loại. Tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của ông gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của C.Mác.
 
Ông là một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, và cùng với C.Mác, để lại cho nhân loại ngày nay một kho tàng lý luận về triết học mác-xít, về kinh tế mác-xít, về chiến lược và sách lược của cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân. Công lao to lớn của Ph.Ăng-ghen còn ở chỗ ông đã phát triển và hoàn thiện về mặt lý luận chủ nghĩa cộng sản khoa học sau khi C.Mác qua đời.

Đánh giá những cống hiến to lớn của Ph.Ăng-ghen, V.I.Lênin viết: “Không thể nào hiểu được Chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ Chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăng-ghen”. (1)

Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã vận dụng sáng tạo những thành tựu của tư tưởng nhân loại trong các lĩnh vực khoa học xã hội - triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp; đồng thời hòa vào trong thực tiễn phong phú, sinh động của phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, xây dựng nên Chủ nghĩa Mác, một học thuyết, một hệ thống lý luận khoa học, cách mạng, bao gồm triết học mác-xít, kinh tế chính trị học mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học, sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, phát hiện ra những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội. Độc lập với C.Mác, cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã khẳng định vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản. Theo V.I.Lê-nin, Ph.Ăng-ghen là người đầu tiên đã nhìn thấy và vạch rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản - giai cấp mà “chính địa vị kinh tế nhục nhã” trong chế độ tư bản “đã thúc đẩy một cách không gì ngăn cản nổi, nó tiến lên và buộc nó phải đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của nó” và do đó giải phóng cho cả nhân loại, giai cấp mà “không có lối thoát nào khác hơn là chủ nghĩa xã hội” (2).

Với một bộ óc bách khoa, Ph.Ăng-ghen đã có những cống hiến thật to lớn trên các lĩnh vực lịch sử, triết học, khoa học tự nhiên, khoa học quân sự, chiến lược và sách lược đấu tranh của giai cấp vô sản.

Ph.Ăng-ghen đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, chủ nghĩa duy vật biện chứng là cơ sở phương pháp luận duy nhất đúng đắn của nhận thức khoa học, và đã tiên đoán trước về những phương hướng quan trọng nhất trong sự phát triển sau này của khoa học tự nhiên và sự tiến bộ khoa học - kỹ  thuật. Cùng với C.Mác, ông đặt nền móng cho nền sử học mác-xít, đã để lại dấu ấn đậm nét trong việc xây dựng phương pháp luận cho những công trình nghiên cứu lịch sử của các quốc gia và các thời đại khác nhau trong lịch sử nhân loại. Ph.Ăng-ghen còn được suy tôn là nhà lý luận quân sự đầu tiên của giai cấp vô sản và là nhà nghiên cứu kiệt xuất về lịch sử nghệ thuật quân sự. Với khá nhiều tác phẩm viết về đề tài quân sự, ông xứng đáng được tôn vinh là nhà lý luận quân sự kiệt xuất của giai cấp vô sản toàn thế giới, một lý luận gia về nghệ thuật quân sự.

Ngoài những cống hiến lý luận của Ph.Ăng-ghen trong lịch sử tư tưởng nhân loại, chúng ta không thể không kể đến những dự báo của ông về triển vọng của cuộc cách mạng vô sản thế giới, về xã hội tương lai và về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Sau khi C.Mác qua đời, Ph.Ăng-ghen đã nhìn nhận về triển vọng của cuộc cách mạng vô sản thế giới và vạch ra những nhiệm vụ đặt trước chính đảng của giai cấp vô sản sau khi giành được chính quyền, cả trong thời kỳ quá độ lẫn khi chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực.

Trên cơ sở phân tích tình hình xã hội đương thời, và triển vọng của cuộc cách mạng vô sản, với tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ vĩ đại, Ph.Ăng-ghen cho rằng, đã đến lúc chính đảng của giai cấp vô sản phải thực hiện “sứ mệnh nắm lấy việc quản lý đất nước vào tay mình”, rằng điều kiện cần thiết cho việc xây dựng chế độ xã hội mới không chỉ là ở việc tạo ra những con người “có đủ sức mạnh và ý chí để xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn” (3).

Theo Ph.Ăng-ghen, giải phóng con người, giải phóng xã hội là mục tiêu nhân đạo cao cả của chủ nghĩa xã hội, và tin tưởng rằng chủ nghĩa xã hội sẽ trở thành tư tưởng cơ bản của một kỷ nguyên mới mà cả nhân loại sẽ đi tới.

Ph.Ăng-ghen dành nhiều công sức, thời gian để bảo vệ tư tưởng của C.Mác trước sự tấn công, xuyên tạc của các lực lượng thù địch. Đồng thời, ông cũng kiên quyết lên án khuynh hướng và những mưu toan biến học thuyết do C.Mác và ông sáng lập ra trở thành những công thức giáo điều, bất biến, hoặc tuyệt đối hóa những luận điểm của học thuyết này.

Ph.Ăng-ghen không bao giờ xa rời công việc nghiên cứu khoa học và phát triển lý luận cách mạng của mình. Theo Ph.Ăng-ghen, khi tình hình thay đổi và cuộc sống đặt ra những vấn đề mới, những người cộng sản phải có dũng khí sẵn sàng xem xét lại ngay cả những quan điểm lý luận của chính bản thân mình. Những chiến lược, sách lược cho các chính đảng vô sản các nước mà ông đưa ra trong những năm tháng

cuối cùng của cuộc đời hoạt động lý luận và thực tiễn cách mạng của ông là một cống hiến lớn vào kho tàng chủ nghĩa xã hội  khoa học sau khi C.Mác qua đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đã thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin, lý luận cách mạng để cứu dân, cứu nước. Người đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với chủ nghĩa yêu nước, phong trào công nhân và phong trào yêu nước, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Luôn luôn trung thành và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta đề ra đường lối đúng đắn, đưa cách mạng nước ta không ngừng tiến lên.

       Sự nghiệp cách mạng trên 80 năm qua của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại: đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

(1) V.I.Lê-nin. Toàn tập - NXB TB - Matxcơva - 1981 - T 26 - tr 110.

(2) Sđd - t 2 - tr 7 - 8.

(3) C.Mác và Ăng-ghen . Toàn tập - NXB CTQG - H - 1994 - T 22 - tr 659.

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.