Multimedia Đọc Báo in

Nhớ "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Bác Hồ

15:05, 26/12/2013
Cách đây 67 năm, trước những hành động dã tâm của thực dân Pháp nhằm xâm lược nước ta một lần nữa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời có quyết định chiến lược để xoay chuyển vận nước đang lâm nguy.
 
Ngày 18 và 19-12-1946 tại Vạn Phúc (Hà Đông), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng do Hồ Chí Minh chủ trì đã quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng.

Đúng 20 giờ ngày 19-12-1946, tín hiệu bắt đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc đã được phát ra, quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Tiếng súng vang rền ở Hà Nội, cũng là lúc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền khắp cả nước với nội dung:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu tổ quốc, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm ! kháng chiến thắng lợi muôn năm”.

Toàn văn “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tuy ngắn gọn, nhưng có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô song. Hồ Chủ tịch và nhân dân Việt Nam hiểu rõ và luôn trân trọng giá trị độc lập tự do của Tổ quốc sau 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Một số hiệp ước hòa hoãn của Đảng và Chính phủ Việt Nam đã tỏ rõ thiện chí hòa bình, cố gắng nhân nhượng đến mức có thể nhằm đẩy lùi chiến tranh. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới. Mọi nỗ lực cứu vãn hòa bình của chúng ta đều vô hiệu. Sau khi chiếm Nam bộ lần thứ hai vào ngày 23-9-1945, chiếm Trung bộ ngày 23-10-1945, thực dân Pháp cứ lấn tới xâm lược hầu hết các tỉnh Nam Trung bộ và Trung bộ. Nhiều hội nghị - trên đất Pháp và trong nước - kéo dài từ năm 1945 đến gần hết năm 1946 không đem lại kết quả bảo vệ hòa bình độc lập cho dân tộc ta.

Ngày 20-11-1946, quân Pháp tấn công và chiếm thành phố Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn. Từ 15-12-1946, quân Pháp ở Hà Nội liên tục gây hấn như đốt nhà thông tin ở phố Tràng Tiền, chiếm cơ quan Bộ Tài chính, Bộ Giao thông công chánh... Nghiêm trọng hơn, ngày 18-12, tướng Mô-li-e gửi hai tối hậu thư đầy ngang ngược và láo xược đòi ta phá bỏ mọi công sự, chướng ngại trên đường phố, giải tán lực lượng tự vệ và giao quyền kiểm soát an ninh trật tự ở Hà Nội cho chúng. Pháp tuyên bố nếu các yêu cầu trên không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì chậm nhất ngày 20-12-1946 Pháp sẽ hành động.

Hành động của thực dân Pháp đã đặt Đảng và Chính phủ ta vào một tình thế không thể nhân nhượng, độc lập, chủ quyền quốc gia bị vi phạm.. Nhân nhượng lúc này sẽ dẫn đến họa mất nước, nhân dân Việt Nam sẽ trở lại cuộc sống nô lệ. Tình thế lịch sử buộc ta phải cầm vũ khí đứng lên kháng chiến, bảo vệ chủ quyền đất nước. Ngay đêm 19-12-1946 tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch có sức mạnh diệu kỳ, là tiếng gọi nhân dân cả nước xung trận. Từng câu từng chữ trong lời kêu gọi của Bác nhanh chóng ăn sâu bám rễ, thấm nhuần vào tâm khảm nhân dân ta, trở thành mệnh lệnh trái tim thúc giục triệu triệu quân dân nước Việt, là hiệu lệnh tổng tiến công của khối đại đoàn kết dân tộc.

Không phải ngẫu nhiên mà mở đầu Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dùng 5 từ “Hỡi đồng bào toàn quốc”. Đây chính là biểu hiện sâu sắc quan điểm lấy dân làm gốc, là tư tưởng chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp chống quân xâm lược giải phóng đất nước. Trong giờ phút tổ quốc lâm nguy, lời kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ như lời hịch của non sông, cổ vũ tinh thần yêu nước quật khởi của cả dân tộc đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Tinh thần quật khởi quyết chiến quyết thắng của ngày toàn quốc kháng chiến được kế tục và phát huy trong suốt cuộc chiến tranh hơn 30 năm giải phóng dân tộc đánh bại mọi kẻ thù xâm lược giành lại độc lập, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc.

Mặc dù 67 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày toàn quốc đứng lên kháng chiến đã trở thành dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian nhưng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng Việt Nam, là nguồn cổ vũ, là lời hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức chung lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, dựng nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Ngày nay, lời kêu gọi thiêng liêng ấy của Bác vẫn giữ nguyên tính thời sự, đó là giá trị của niềm tin tất thắng, là ý thức sâu sắc giá trị độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm nhất định chúng ta sẽ thành công đi đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngày toàn quốc kháng chiến là dịp để chúng ta khơi dậy tinh thần yêu nước quật cường và lòng dũng cảm của dân tộc ta, ôn lại những bài học sâu sắc của ngày lịch sử ấy để vận dụng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Y Mluck Kbuôr


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.