Multimedia Đọc Báo in

Ký ức Điện Biên

22:24, 31/12/2014
Cuộc Tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc cuộc kháng chiến chín năm của nhân dân ta, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Quá khứ oanh liệt đã tròn 60 năm, là một chiến sĩ pháo binh phòng không, ký ức về những ngày hào hùng vẫn mãi không phai trong tâm trí đại úy Nguyễn Xuân Toản…
Năm 2004, ông Nguyễn Xuân Toản (thứ hai từ trái sang) cùng một số đồng đội  một lần nữa được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội.
Năm 2004, ông Nguyễn Xuân Toản (thứ hai từ trái sang) cùng một số đồng đội một lần nữa được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Toản kể lại, năm 1953 ông cùng nhiều đồng đội được bí mật đưa sang Trung Quốc huấn luyện pháo cao xạ. Đây là lực lượng nòng cốt của Trung đoàn pháo cao xạ 367, trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đầu năm 1954, đơn vị ông được lệnh gấp rút về nước chuẩn bị tham gia Chiến dịch Giải phóng Điện Biên Phủ. Đích thân Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra tận Tuyên Quang để đón và giao nhiệm vụ cho đơn vị. Trước khi tiến hành cuộc hành quân đường dài 500km từ biên giới Việt – Trung về Tuyên Quang, rồi từ Tuyên Quang lên Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn pháo cao xạ 367 được phổ biến kỹ càng lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Phải giữ bí mật binh chủng đến cùng! Nếu các đồng chí hành quân đến đích an toàn, bí mật là đạt đến 60% thắng lợi”. Chấp hành chỉ thị của Tổng tư lệnh, Trung đoàn đã nghiêm chỉnh thực hiện: các đơn vị phải hành quân vào ban đêm, toàn bộ xe pháo đều trùm lá ngụy trang, xe ô tô chỉ được sử dụng đèn gầm. Nhân dân hai bên đường nhìn thấy bộ đội cơ giới hành quân rầm rộ, mừng lắm nhưng không biết bên trong “lùm cây di động” ấy là cái gì. Khi dừng lại ở các điểm trú quân, các đại đội phải đặt pháo ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, nhưng không được phép bắn, trừ khi thấy dấu hiệu rõ ràng máy bay địch sẽ bắn vào trận địa. Một hôm ở Tạ Khoa (tỉnh Sơn La), ba chiếc B26 và bốn chiếc F6F lượn vòng chuẩn bị ném bom. Chiếc đi đầu đã lọt vào kính ngắm. Bàn chân các pháo thủ số 1 đã đặt lên bàn đạp cò. Còi trên miệng các đại đội trưởng đã sẵn sàng thổi lệnh bắn. Nhưng người chỉ huy tiểu đoàn vẫn kiên trì theo dõi và chỉ thị tất cả phải chờ lệnh. Cuối cùng, máy bay địch ném bom xuống một địa điểm bên cạnh.

Sau khi dừng chân ở điểm tập kết chiến đấu, việc đưa những khẩu pháo nặng hai tấn rưỡi từ bên ngoài, vượt núi cao, vào bên trong “thành chảo” Điện Biên, lúc đầu kéo bằng tay, lần sau kéo bằng ô tô, nhưng hai lần đều phải đi trên những con đường mới mở, kín giàn ngụy trang. Mô-ran (Morane), loại máy bay trinh sát, chỉ điểm rất lợi hại của địch liên tục lượn vòng nghiêng ngó, nhưng vẫn không phát hiện được 24 khẩu lựu pháo 105 ly và 24 khẩu cao pháo 37 ly có nhiệm vụ của Việt Minh ẩn náu dưới các tán cây rừng. Chính nhờ giữ được bí mật tuyệt đối như thế và bằng sự nỗ lực phi thường của bộ đội ta đã vượt núi cao, đưa được những khẩu pháo cao xạ nặng nề vào các trận địa kịp ngày nổ súng mà địch không hề hay biết. Bí mật binh chủng được giữ đến phút chót. Riêng ông Toản, lúc đó là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 826 với 8 khẩu pháo cao xạ 37 ly có nhiệm vụ án ngữ tại trận địa Him Lam, làm chủ bầu trời Điện Biên Phủ.

Chiều 13-3-1954, lúc chiến dịch mở màn, cùng với lựu pháo 105 ly, hỏa lực 37 ly của Trung đoàn 367 đã xuất hiện hết sức bất ngờ, giáng đòn choáng váng lên đầu kẻ thù. Những luồng đạn lửa và những chùm đạn trên không đã khiến phi công Pháp trong phi đội 14 vô cùng hoảng hốt, tán loạn đội hình, bay vọt lên cao, ném bom sai lạc hết; một chiếc F8F bị trúng đạn còn bộ binh ta an toàn. Suốt 55 ngày đêm, Đại đội 826 đã bắn rơi 52 máy bay địch các loại. Bên cạnh hỏa lực mạnh, bộ đội pháo cao xạ còn gây bất ngờ đối với kẻ địch bằng chính sự tồn tại kỳ diệu của mình. Giữa mưa bom bão đạn, trong những công sự lộ thiên mà vẫn hiên ngang đối mặt như một thách thức đáng sợ đối với  không quân Pháp. Pháo binh địch nhiều lần bắn phá trận địa cao xạ của ta rất quyết liệt. Một trong những lần như vậy đại úy Nguyễn Xuân Toản đã bị mảnh đạn bắn vào ngực trái. Dù bị thương khá nặng nhưng ông vẫn bám trận địa, kiên cường chiến đấu cùng đồng đội.

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, chiến đấu dũng cảm kiên cường, yểm trợ các đơn vị bộ binh tiến công, dùng hỏa lực phòng không khống chế không phận, cắt đứt con đường tiếp tế duy nhất bằng đường hàng không của quân Pháp, làm cho chúng bị cô lập hoàn toàn, tạo điều kiện cho bộ binh bao vây, áp sát, tiêu diệt dần dần Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiến tới Tổng công kích trên toàn mặt trận vào chiều ngày 7-5-1954 và đã giành toàn thắng, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội khắp năm châu, bốn biển. Về sau chính Tổng chỉ huy Quân Viễn chinh Pháp - tướng Na-va, trong cuốn “Đông Dương hấp hối” phải cay đắng thừa nhận: “Yếu tố bất ngờ của địch đã tác động rất lớn đến không quân. Không quân thấy mình bỗng nhiên vấp phải một lực lượng phòng không mạnh mẽ đến không ngờ”.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Xuân Toản cùng đơn vị được điều động về bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội. Năm 1966 ông được điều sang chiến đấu trên đất bạn Lào. Đến năm 1968, vết thương cũ tái phát, cùng với bệnh sốt rét rừng hành hạ, ông được đưa về điều trị tại Bệnh viện Bắc Giang và ra quân. Sau khi ra quân, ông được cấp trên điều về công tác tại Tỉnh ủy  Sơn La. Năm 1978 ông được biệt phái vào Dak Lak, công tác tại Văn phòng UBND tỉnh. Đến năm 1990 ông nghỉ hưu. Trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và niềm tự hào là chiến sĩ Điện Biên nên dù chiến đấu ở đâu, công tác ở vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc