Chuyện về hai người góp phần làm nên chiến thắng đầu tiên của Quân đội ta
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, chiều 22-12-1944 tại khu rừng già ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì đã được tổ chức, gồm 34 chiến sĩ của 5 dân tộc, quê ở 5 tỉnh khác nhau. Đồng chí Trần Kỳ (Hoàng Sâm) quê ở Quảng Bình làm đội trưởng.
Hai ngày sau khi thành lập, Đội đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí tiêu diệt 2 đồn địch ở Phay Khắt, Nà Ngần cách nhau 20 cây số, quân ta tuyệt đối an toàn, làm nức lòng dân vùng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng.
Cụ Tô Đình Cắm và tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Nguồn: Báo Thanh Niên) |
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong số 34 chiến sĩ đầu tiên của quân đội ta, đã có 33 người hy sinh, từ trần, người chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân năm xưa duy nhất còn sống đến nay là cụ Tô Đình Cắm đã 92 tuổi.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Nam bộ, tháng 10-1945 ông Tô Đình Cắm đã có mặt trong đội quân Nam tiến. Ông đã bị thương rất nặng khi đánh địch ở Rạch Giá, rồi được trở lại Cao Bằng làm ruộng, làm nương. Năm 1949, ông “tái ngũ”, trở thành “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ông lại bị thương nặng lần thứ hai nên rời quân ngũ phục viên về làng xây dựng Hợp tác xã. Sau đó, do cuộc sống ở quê hương khó khăn, ông Tô Đình Cắm và gia đình đã di cư vào sinh sống, lập nghiệp tại thị trấn Đạ Tẻh (Lâm Đồng).
Trong thời gian sinh sống ở Lâm Đồng, cụ Cắm đã được hưởng các chế độ ưu đãi “người có công” của Đảng và Nhà nước, được thăm hỏi, tặng quà dịp lễ tết. Tuy 2 lần bị thương nặng nhưng do không còn giấy tờ lưu giữ nên đến năm 2012 cụ mới được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trao giấy chứng nhận là thương binh khi đã 91 tuổi đời.
Với cụ Cắm, thời gian tại ngũ chiến đấu không nhiều, nhưng thật đáng để người đời tôn trọng, tự hào bởi cụ là 1 trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được người Anh Cả của quân đội – Đại tướng Võ Nguyên Giáp dìu dắt, giúp đỡ hoạt động khi cách mạng còn trong trứng nước.
Góp phần vào chiến thắng trong trận đánh đồn Phay Khắt của Đội Tuyên truyền giải phóng quân năm xưa còn có một cô gái Tày tên là Nông Thị Ly (27 tuổi) được giao nhiệm vụ lôi kéo bọn lính dõng ra khỏi đồn (điệu hổ ly sơn) để tránh thương vong cho Đội.
Xế trưa ngày 24-12-1944, cô Ly bày ra chuyện xay bột làm bánh tráng, bánh cuốn gọi được 8 lính dõng trong đồn Phay Khắt ra phụ giúp, vừa làm vừa tán chuyện. Cô Ly còn bày ra chuyện đố vui có thưởng, đoán vui kéo dài thời gian để đội quân cách mạng áp sát đồn Phay Khắt. Chỉ trong chốc lát, quân ta đã trói chặt lũ giặc trong đồn mà chỉ tốn 2 viên đạn, giết tên đồn trưởng Ximônô. Lũ giặc từ nhà cô Ly chạy về đồn để giải vây, nhưng đều bị chiến sĩ của Đội bắt sống.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cô Ly được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó lấy chồng. Chồng cô là đồng chí Dương Trọng Chưởng cũng là một chiến sĩ Việt Minh, sau đó người con trai duy nhất của họ cũng tham gia bộ đội đánh Mỹ. Gần 20 năm trước đây, cũng như cụ Tô Đình Cắm, gia đình cụ Ly – cụ Chưởng cũng đã chuyển vào sinh sống ở thị trấn Đạ Tẻh (Lâm Đồng).
Phong Châu
Ý kiến bạn đọc