Nơi những ký ức chiến trường sống lại
Thành lập từ tháng 8-2008, đến nay sau 5 năm hoạt động, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Dak Lak là ngôi nhà chung, nơi gặp gỡ của các cựu chiến binh đã từng chiến đấu trên đất nước Triệu voi (Lào). Và ở đó, hồi ức về những năm tháng chiến đấu oanh liệt, hào hùng của họ như được sống lại…
Món nợ chưa trả đồng đội cũ…
Là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Dak Lak, ông Hoàng Chuyên, Chủ tịch Hội cho biết: ở đại hội lần thứ nhất, Hội chỉ có 115 thành viên tham gia. Đến nay, sau 5 năm đã có trên 1.300 hội viên, tăng gấp 11 lần; ở địa bàn các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thành lập chi hội cơ sở. Thông qua Hội, những cựu binh một thời như chúng tôi có dịp ôn lại những chiến công cũng như những giây phút hy sinh anh dũng của đồng đội.
Ông Hoàng Chuyên, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Lào tỉnh Dak Lak (ngoài cùng bên phải) chúc tết Punbimay (Tết cổ truyền của Lào) tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. |
Ông Hoàng Chuyên kể: tháng 5-1965 ông gia nhập Đoàn 559 Trường Sơn, với nhiệm vụ bảo vệ các tuyến hành lang, trong đó có đường 9 Nam Lào huyền thoại. Năm 1971 Mỹ - Ngụy âm mưu “Bắc tiến, lấp sông Bến Hải” (Quảng Trị), hòng cắt chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, mọi âm mưu của chúng đều bị ta ngăn chặn. Ngày 11-2-1971, tiểu đoàn 84, đại đội 3, trung đoàn 591, Đoàn 559 (nơi ông tham gia) đã lập chiến công bắn rơi 19 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch và hàng chục xe quân sự. Cũng trong chiến dịch ấy, ông được đồng đội đặt thêm một cái tên mới “Chuyên dép ngược”. Nguyên do là trong lúc tiểu đoàn của ông di chuyển từ cao điểm này đến cao điểm khác, ông đã nghĩ ra sáng kiến đề nghị đồng đội đi ngược dép để đánh lạc hướng địch.
Bến phà Sêrêpôk năm 1974. |
Nhưng có lẽ, ký ức mà ông không bao giờ quên được, luôn là nỗi trăn trở, ray rứt trong tâm khảm, mà ông xem đó là món nợ chưa trả với đồng đội của mình. Ông xúc động: “Trong chiến dịch Lam Sơn 719, vào ngày 19-2-1971, đơn vị ông hy sinh 3 người gồm liệt sĩ Ngô Sỹ Bình, Phạm Văn Ư quê ở Thái Bình và Nguyễn Văn Liên quê ở tỉnh Hải Hưng cũ”. Ông còn nhớ như in hình ảnh của liệt sĩ Ngô Sỹ Bình mà ông gọi với cái biệt danh thân mật “Bình tiếu lâm”, khi chiến đấu Bình rất dũng cảm, không sợ cái chết, nhưng những lúc vắng tiếng bom cả tiểu đội luôn cười “vỡ bụng” vì những câu chuyện tiếu lâm của Bình. Kể đến đó, bỗng 2 hàng nước mắt của ông tuôn chảy, bởi lúc các đồng đội hy sinh, chính ông làm thủ tục liệm thi thể và chôn cất, nhưng cho đến nay, sau gần 40 năm, hài cốt của đồng đội vẫn chưa được tìm thấy. Ông đã liên lạc nhiều lần với gia đình của các liệt sĩ, vẽ sơ đồ nơi chôn cất các thi thể rồi gửi đến Tổng cục Chính trị, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Bởi thế, đến giờ ông Hoàng Chuyên vẫn canh cánh bên lòng món nợ với đồng đội cũ.
Nơi ấy - những đau thương biến thành sức mạnh
Trong số vô vàn câu chuyện của các cô, các bác trong ngày diễn ra đại hội Hữu nghị Việt Nam - Lào của Dak Lak hồi tháng 9-2013, có một câu chuyện khác cũng làm xúc động lòng người. Đó là chuyện của ông Nguyễn Quang Thiệu (phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột), hiện là ủy viên thư ký của Hội. Tháng 2-1964, ông gia nhập Đoàn 559, với nhiệm vụ bảo vệ đường Trường Sơn. Thời khắc đó, đường Trường Sơn như một chảo lửa, bom pháo của địch cày xới suốt ngày đêm, nhưng với tinh thần “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, ông và các đồng đội luôn sẵn sàng xả thân vì nước. Tháng 9-1969, nghe tin Bác Hồ - Người cha của dân tộc mất, cả đơn vị đau thương đến tột cùng. Ông còn nhớ ngày ấy, có khoảng 200 người, trong đó Đoàn 559 chiếm 50%, còn lại là người dân bản Thà Khống, huyện Sêpôn, tỉnh Savanakhẹt (Lào) cùng tổ chức lễ tang Bác. Ông kể: “Lúc ấy lòng mình cũng rưng rưng, nhưng không cho phép rơi lệ, đặc biệt trước những tấm chân tình mà nhân dân Lào dành cho Bác càng thôi thúc chúng tôi biến đau thương thành hành động”. Để rồi sau đó, những người lính công binh với khẩu hiệu “đi không dấu, nấu không khói, nói không lời” thêm sức mạnh ngày đêm san lấp hố bom, nối liền dải Trường Sơn. Có những bữa cơm phải nghỉ giữa chừng 3 lần do địch dội bom liên tục, nhưng khi tiếng bom không còn, anh em bộ đội lại tay cuốc tay xẻng tiến về đoạn đường bị hỏng san lấp bảo đảm giao thông thông suốt trên dãy Trường Sơn.
Đoàn xe của tiểu đoàn 58, sư đoàn 470 vận chuyển đạn dược vào chiến trường B3. |
Còn câu chuyện của dũng sĩ diệt Mỹ Phan Thanh Bình, Trưởng ban Vận động Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào huyện Krông Buk lại mang âm hưởng dữ dội của những trận đánh. Tháng 4-1972, ông gia nhập A7-B3-C3-D42 (Quân khu IV) hoạt động tình nguyện trên địa bàn tỉnh Khăm Muộn (Lào) và trực tiếp tham gia trận đánh trên đường 13, là trọng điểm hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Lúc ấy, với ý chí kiên cường của Quân đội Nhân dân Việt Nam và sự tham gia nhiệt huyết của nhân dân Lào, phong trào “tìm Mỹ mà diệt” phát triển mạnh mẽ, các khẩu hiệu “diệt ác trừ gian”, “không sợ Mỹ vào đông mà chỉ sợ không có Mỹ để đánh” ngày càng lên cao. Ông nhớ lại: khoảng 20 giờ ngày 21-12-1972, khi nghe trinh sát đưa tin sẽ có 3 tiểu đoàn của Mỹ tiến vào đường 13, đơn vị ông đã lập sẵn kế hoạch để diệt Mỹ. Nhưng đến rạng sáng 22-12-1972 có đến 7 tiểu đoàn của Mỹ gồm lính thủy và trực thăng đổ xuống đường 13 tấn công quân ta. Với tinh thần, ý chí chiến đấu kiên cường, quân ta đã tiêu diệt được 300 lính Mỹ, bắt sống 25 tù binh. Sau trận đánh ấy, anh chiến sĩ 19 tuổi Phan Thanh Bình được Mặt trận 1972 phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Năm 1973, ông bị thương nặng, sau 1 năm về nước điều trị, ông quay lại chiến trường xưa. Năm 1979, người anh ruột của ông là Phan Văn Lý đã hy sinh tại Lào, mãi mãi nằm lại ở mảnh đất xứ người, sự mất mát ấy không làm ông nhụt chí mà biến thành sức mạnh để ông tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc. Tròn 10 năm chinh chiến bên nước bạn Lào, năm 1982, ông phục viên trở về quê, mang theo mình những ký ức không thể nào phai…
Vượt qua bom đạn của thời chiến, giờ đây những dũng sĩ chiến đấu trên đất bạn Lào thời ấy lại cùng nhau vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, chung sức xây dựng quê hương. Họ cũng là những nhân tố tích cực góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Lào thêm son sắt, bền chặt, vững chãi như dãy Trường Sơn huyền thoại.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc