Multimedia Đọc Báo in

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Sở Chỉ huy Mường Phăng

14:32, 28/05/2014
Ngày 31-1-1953, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển từ Nà Tấu vào Mường Phăng, rặng núi cao nằm ở phía đông cánh đồng Mường Thanh.
 
Sở chỉ huy đóng tại đây cho đến khi kết thúc chiến dịch. Những cuộc họp có tính chất quyết định trong quá trình tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều diễn ra ở đây. Sau mỗi lần đi công tác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại trở về “ngôi nhà” quen thuộc. Đúng hơn là một cái lán. Vật liệu gồm cây tre, luồng, lá móc, lá gồi kiếm được tại chỗ. Giữa nhà có một chiếc bàn, mặt bàn đủ rộng để trải bản đồ. Hai bên là hai ghế dài, mặt ghế ghép bằng những cây vầu bổ đôi. Hai đầu nhà có hai chiếc giường giát nứa, một của Đại tướng, một của chiến sĩ bảo vệ. 
Ảnh: T.L

 Ngôi nhà này nằm bên sườn núi Mường Phăng, có những cây dẻ cao vút. Mường Phăng theo tiếng Thái có nghĩa là “bản lạnh”. Khí hậu nơi núi cao quanh năm có sương, mây bay mát mẻ trong lành. Những cây lan rừng nở hoa không rực rỡ nhưng có mùi hương đặc biệt. Khi thì thoang thoảng bất chợt, khi nồng nàn. Ở đây ngoài cảnh đẹp, chỉ cần trèo lên đỉnh núi phía sau là nhìn thấy cánh đồng Mường Thanh và tập đoàn cứ điểm của địch. Hạnh phúc lớn nhất đối với người cầm quân là được ở bên bộ đội ngay tại mặt trận. Một nhà lý luận kinh điển về quân sự đã cho rằng, một mệnh lệnh của người chỉ huy nếu phải qua nhiều nấc thang mới tới được người lính thì hiệu lực chỉ huy cũng giảm theo với những nấc thang đó. Được nhìn tận mắt chiến trường rất có ý nghĩa. vì nó gợi cho chỉ huy nhiều suy nghĩ. Vì vậy, hễ có thời gian, Đại tướng lại trèo lên đỉnh núi, dùng ống nhòm quan sát trận địa, cảm thấy như đang ở chiến hào bên cạnh cán bộ và chiến sĩ.

Cơ quan tham mưu chính trị cũng tập trung ở quanh đó. Những dãy lán, mái lợp cỏ tranh nằm dọc theo con suối. Bảo vệ Sở Chỉ huy có lực lượng cảnh vệ nhỏ. Từ Sở Chỉ huy Mường Phăng, Đảng ủy mặt trận cùng các cán bộ lãnh đạo chia nhau đi các nơi, xúc tiến công tác chuẩn bị. Đồng chí Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn xuống Sư đoàn 308; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ nhiệm cung cấp tiền phương sang chiến trường Thượng Lào. Đồng chí Lê Liêm xuống các đơn vị theo dõi phổ biến chủ trương “Đánh chắc, tiến chắc”. Đồng chí Hoàng Văn Thái cùng một số cán bộ tham mưu, pháo binh, công binh đi dọc các dãy núi Pú Hồng Mèo, Pú Tà Cọ tìm đường cơ động pháo và trận địa pháo.

Một buổi trưa hửng nắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trèo lên đỉnh núi Mường Phăng sau Sở Chỉ huy, quan sát trận địa. Từ vị trí này, với một chiếc ống nhòm có bội số quang học lớn, Đại tướng thường xuyên theo dõi sự tiến triển của chiến hào ta. Thời gian đầu, sự tách biệt giữa ta và địch rất rõ. Tập đoàn cứ điểm địch là một khối đông đặc, như những tổ ong khổng lồ nằm sát nhau bên bờ sông Nậm Rốm. Trận địa ta là những đường hào rất nhiều nhánh, từ chung quanh cánh đồng lan dần vào. Từ cuối tháng 4-1954, rất khó phân biệt trận địa của ta và trận địa của địch, vì hầu hết những mũi chiến hào của ta đã cắm sâu vào tập đoàn cứ điểm.

Ngày 13-5-1954, ta tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ tại khu đồi phía đông Sở Chỉ huy Mường Phăng. Đại diện các đơn vị tham chiến và đại diện nhân dân các dân tộc địa phương có mặt đầy đủ. Lá cờ chiến thắng được hai đại đội trưởng Tạ Quốc Luật (người đã bắt sống tướng Đờ Cát) và Đàm Văn Thiên (thuộc đơn vị phòng không 818 bắn rơi nhiều máy bay nhất) kéo lên.

Quỳnh Thu (st-bs)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.