Ký ức của những người "phá đá, mở đường"
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ, những người lính công binh và thanh niên xung phong tham gia mở đường, bảo đảm giao thông ngày ấy đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Giờ đây, tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng những ký ức về một thời tươi trẻ cống hiến hết mình vẫn không phai mờ trong tâm trí những con người ấy…
Không quản hiểm nguy bảo vệ những cung đường
Tuy đã vào tuổi 80 nhưng cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi (thôn Yên Khánh, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và nhớ như in những ngày tháng tham gia mở đường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Đại diện Hội Cựu chiến binh xã Ea Tân đến thăm ông Nguyễn Đình Thi (bên trái). |
Sinh năm 1934, quê ở huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), chàng thanh niên Nguyễn Đình Thi tham gia bộ đội địa phương năm 1952 khi vừa tròn 18 tuổi; năm 1953 được điều lên Tây Bắc, biên chế vào D200 thuộc Quân khu Tây Bắc với vai trò của người lính công binh tham gia mở đường chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Hồi đó tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tuy gian khổ nhưng ai ai cũng tràn đầy nhiệt huyết, khẩn trương, hừng hực khí thế; tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì chiến thắng. Cánh lính công binh chúng tôi mở đường chỉ bằng những dụng cụ thô sơ là búa, cuốc, xẻng…; phải dùng búa tạ và đục để tạo lỗ tra thuốc pháo phá đá mở đường. Đơn vị tôi cùng với hai đội thanh niên xung phong 34 và 40 mở đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ. Những buổi đầu làm đường chưa quen nên tay ai cũng tứa máu, rồi lương thực, thuốc men thiếu thốn, rồi bệnh tật… nhưng không một người nào nản lòng, thoái chí mà luôn quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất. Tuy vậy việc mở đường để đi lại, vận chuyển thuận lợi mới chỉ là bước đầu; việc giữ cho thông đường, thông xe trong mọi tình huống để nhanh chóng kịp thời đưa pháo ra tiền tuyến, đưa lương thực, đạn dược lên phía trước, thì mới thực sự cam go, ác liệt.
Để ngăn chặn bước tiến của quân ta, thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom, bắn phá vào các tuyến đường chính mà chúng nghi ngờ. Đơn vị tôi phụ trách tại ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn - Sơn La), đây là nút giao thông quan trọng, là giao điểm của đường 13 từ Việt Bắc sang đường 41, được xem là cửa ngõ vào chiến trường Điện Biên Phủ của quân ta. Vì vậy, khu vực Cò Nòi đã trở thành “túi bom” của quân Pháp. Chúng cho máy bay đánh phá suốt ngày đêm, ngoài việc ném bom phá đường, chúng còn sử dụng cả bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom lù… Chúng tôi đã được phổ biến về phương thức thả bom của địch, cách đếm bom rơi, cách xác định vị trí bom nổ chậm, cách phá bom nổ chậm…; không chỉ có lính công binh chúng tôi biết phá bom nổ chậm, mà cả thanh niên xung phong cũng biết cách phá bom... Việc phá bom nổ chậm đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ tuyến đường. Mỗi khi địch thả bom thì lập tức chúng tôi quan sát đếm bom rơi, đếm bom đã nổ, đếm bom chưa nổ. Sau khi máy bay địch rút là một tổ đi trước cắm cờ đánh dấu vị trí bom nổ chậm, tổ khác đi sau nhanh chóng tháo gỡ các đầu nổ và san lấp đường ngay lập tức để bảo đảm giao thông luôn được thông suốt. Khi chiến dịch bước vào giai đoạn sau, trời mưa nhiều, đường đất, xe chạy suốt ngày đêm nên chẳng mấy chốc con đường trở nên lầy lội, nhiều đoạn bị sụt lún, đá lăn, cây đổ… Chúng tôi khắc phục mọi khó khăn, nạo vét bùn đất, san lấp mặt đường, dùng gỗ, đá kè chắn không cho đường sạt lở. Mặc cho địch rải bom phá đường, mặc cho trời mưa rét mướt đi chăng nữa, chúng tôi đều không quản hiểm nguy, không ngại khó khăn, quyết tâm bảo đảm cho mạch máu giao thông luôn được thông suốt, nối liền…”.
Qua từng lời kể của người cựu chiến binh cao tuổi, không khí khẩn trương, quyết liệt, cam go của những ngày tháng mở đường, bảo vệ tuyến đường cho chiến dịch như được tái hiện. Hình ảnh những người lính công binh, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong, dân công tươi trẻ, không ngại khó khăn, hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, rồi những đoàn xe vận tải nối nhau ra chiến trường… như sống lại trong ký ức của người lính công binh năm xưa.
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được điều về Trung đoàn 270, Lữ đoàn 371; năm 1961 chuyển ngành về làm giáo viên ở Hà Tĩnh; năm 1968 tình nguyện tái ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ Đường dây 559. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, ông chuyển ngành về làm giáo viên tại quê nhà; đến năm 1996 vào Dak Lak sinh sống. Hiện nay với 800 cây cà phê đã cho thu hoạch và 500 trụ tiêu cũng đang chuẩn bị cho thu hoạch, người cựu chiến binh năm xưa giờ đây vui thú điền viên, tiếp tục cống hiến cho xã hội bằng nhiều việc làm thiết thực, trong đó có việc hiến hơn 4 sào đất để xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé.
“Không có việc gì khó...”
Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Võ Hồng Luân, hiện sống tại thôn Tân Châu, xã Ea Toh (huyện Krông Năng) năm nay đã bước sang tuổi 82. Sức khỏe người TNXP thuộc thế hệ đầu tiên ấy đã giảm sút nhiều, mắt mờ chân chậm và đặc biệt rất dễ xúc động, nhất là khi có người gợi lại kỷ niệm về những năm tháng tham gia mở đường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ...
Vợ chồng ông Võ Hồng Luân vui vầy bên các cháu nội. |
Cách đây 60 năm, chàng trai miền biển Hà Tĩnh vạm vỡ, cường tráng Võ Hồng Luân mới ở độ tuổi ngoài đôi mươi. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, ông Luân và hàng nghìn thanh niên nô nức tình nguyện gia nhập TNXP. Sau khi thành lập, đại đội của ông Luân (thuộc đội TNXP 34) được học điều lệ, nội quy, các bài viết của Bác về TNXP rồi nhận hàng, quân trang, lương thực, thực phẩm lên đường hành quân theo hướng Tây Bắc. Các đội TNXP có hàng chục loại công việc, từ làm lán trại, kho tàng, đào hầm, đến bốc vác, vận chuyển hàng hóa, cáng thương, tải đạn... Nhưng nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu nhất của TNXP là bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đội 34 có nhiệm vụ mở đường và đảm bảo giao thông trên tuyến đường có chiều dài gần 200 km từ Suối Rút (Hòa Bình) đến cây số 31 Tuần Giáo đi Điện Biên. Ông Luân nhớ lại: “Chúng tôi được huấn luyện cách sử dụng thuốc nổ trong một thời gian ngắn. Việc mở đường rất gian khổ, khó khăn bởi cách làm hoàn toàn thủ công, phương tiện chỉ là xà beng, cuốc, xẻng và thuốc nổ. Đường được xây dựng chỉ khoảng 4-5 mét, vừa đủ cho xe đi, qua rừng, đèo dốc và suối rất nhiều. Cầu bắc qua suối thì chủ yếu là bằng cây rừng. Giai đoạn đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, khu vực do đội chúng tôi phụ trách như Suối Rút, Chợ Bờ, Mộc Châu bị địch đánh phá rất ác liệt. Có ngày máy bay địch bỏ bom 3, 4 lần. Cứ mỗi lần địch đánh phá, nghe tiếng máy bay từ xa, mọi người lại chạy vào hầm hay vách núi để trú ẩn, đến khi máy bay đi thì lại tiếp tục công việc bình thường như chưa có gì xảy ra. Sinh hoạt thì rất kham khổ. Chúng tôi chặt tre làm lán ở ngay trong rừng, thức ăn chẳng có gì ngoài rau rừng, măng rừng ngâm chua, có đợt gạo đưa lên không kịp còn phải nhịn đói. Khó khăn vất vả là vậy song khí thế lúc nào cũng cao ngùn ngụt. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để chiến thắng", “TNXP có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, “không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”…, lực lượng TNXP luôn giữ cho đường được thông suốt dù địch thường xuyên oanh tạc, thả bom liên tục. Địch bỏ bom phá hư đường lúc nào là sửa ngay lúc ấy, làm suốt ngày đêm để thông xe. Những hôm trời mưa lũ, đường sình lầy, chúng tôi chặt cây mang đến chống lầy, chống lún, bắc cầu qua suối, bằng mọi cách để đường lúc nào cũng được thông suốt. Những lúc khó khăn, gian khổ nhất, chúng tôi lại nhớ đến lời Bác dặn dò TNXP để tự động viên mình: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.
Tuy nhiên, với những chàng trai, cô gái ở độ tuổi đôi mươi như ông Luân ngày ấy, trong không khí khẩn trương phục vụ cho chiến dịch vẫn không thiếu những giây phút thư giãn, lãng mạn. Đó là những điều “hò lơ” của các đơn vị trên đường hành quân; là màn hát đối đáp giữa các chàng trai TNXP và các cô gái dân công hỏa tuyến: “Em là con gái khu Tư/Em đi hộ lý có cừ không anh?”... Ngày nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Luân và các đồng đội TNXP vỡ òa trong niềm vui khôn xiết. Ông kể: “Chúng tôi vui mừng hò reo, múa hát. Có người thì mừng vì sẽ tiếp tục được về đi học, tôi mừng vì lại được về quê làm ruộng, đi biển đánh cá. Song tất cả chúng tôi còn mừng vì một điều giản dị: chiến thắng rồi, chúng ta giờ không chết nữa. Lý do ấy chẳng có gì khó hiểu bởi rất nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống và mãi mãi nằm lại trên các tuyến đường Tây Bắc”.
Lan Anh – Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc