Multimedia Đọc Báo in

Ký ức một thời hào hùng: Đi chiến trường

10:02, 26/12/2014
Đầu tháng 4-1965, chúng tôi nhận lệnh động viên về tại Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) thành lập Trung đoàn 514. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị hầu hết là con em quê hương Ninh Bình. Ba tháng hè ngày nắng nóng, đêm oi bức, không kể trưa hay ban đêm mỗi người đeo ba lô đựng đá ong, quanh thắt lưng mang 4 viên gạch và trang bị súng đạn, tất cả trên 40 kg hành quân trèo đèo lội suối, rèn luyện sức khỏe chuẩn bị cho những ngày vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ.

Trước ngày ra mặt trận, cán bộ chiến sĩ đều viết đơn tình nguyện, có người chích máu mình viết huyết tâm thư: “…Dù gian khổ hy sinh cũng sẵn sàng cống hiến trọn đời vì sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nguyện một lòng trung thành với Đảng, với Bác Hồ và nhân dân…”. Có người vì sức khỏe không bảo đảm đi B, cấp trên động viên ở lại hậu phương, nhưng vẫn thiết tha tình nguyện ra tiền tuyến. Chúng tôi được trở về thăm gia đình 5 ngày rồi trở lại đơn vị đông đủ.

Chiều ngày 25-6-1965, đơn vị hành quân vào Nam, lưng mang ba lô con cóc cài lá ngụy trang, súng đạn trang bị trên người, rời đất Hòa Bình hướng ra phía trước.

Chiều 26-6-1965, từ ga Văn Điển chuyến tàu hỏa đưa chúng tôi về phương Nam. Hai bên đường nhân dân đông nghịt hướng lên đoàn tàu vẫy tay, tung khăn, khỏa nón rối rít, tươi cười tiễn người ra trận. 8 giờ tối cùng ngày tàu tới Cầu Yên (Ninh Bình). Cây cầu bị máy bay Mỹ đánh sập, bộ đội qua phà sang đoàn tàu phía Nam. Trời đổ mưa lây phây. Những ngọn đèn dầu đỏ nhợt lờ mờ thấp thoáng ở hai bên đầu cầu, dân công nhộn nhịp phục vụ thông đường.

Tàu chuyển quân đến Hà Trung (Thanh Hóa) phải dừng. Bộ đội đi bộ suốt 1 tháng trời, đêm hành quân, ngày nghỉ chân theo từng cung trạm tới Quảng Bình. Ngoài trang bị súng đạn, mỗi người mang một bao ruột tượng đựng gạo căng ních quàng trên ba lô cao lút gáy, dài thưỡn thượt quặp hai bên hông nặng 7-8 kg. Để giảm bớt trọng lượng tôi phải cắt chiếc chiếu cá nhân lấy một phần ba lót sau lưng, lúc 10 phút giải lao trải ra, ngồi ngả đầu lên ba lô ngủ gà ngủ gật.

Khu Bốn trong thời điểm ác liệt, cuộc chiến đối không của quân ta với máy bay Mỹ ngày đêm lửa đạn ầm ầm. Ban đêm đèn dù sáng rực, bom chớp giật, đạn bay vàng - đỏ - xanh nhằng nhịt vạch màn đêm nhấp nhóa. Đêm đêm dòng người hối hả cuồn cuộn, quân đi bên phải đường, bên trái là thanh niên xung phong nói cười râm ran, tất cả nườm nượp đổ ra tiền tuyến. Cầu Hàm Rồng sừng sững gồng mình ngày đêm chịu đựng mưa bom bão đạn vẫn nhấp nhá lửa hàn của công nhân bám trụ sửa cầu nhằm bảo đảm giao thông. Lời ca ngân nga, ngọt ngào vang xa của các chiến sĩ văn công phục vụ bộ đội và dân công trên từng cung đường bom đạn, nghe xao xuyến trong khí thế sục sôi đánh giặc.

Hành quân tới đâu cũng thấy dạt dào đằm thắm tình quân dân. Qua từng trạm, bên ngọn đèn dầu bọc giấy đỏ lừ như quả nhót chín là các mẹ, các cô gái và thiếu niên trao bát nước cho bộ đội uống, dúi chanh, mía vào tay từng người.

Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn thời chống Mỹ. Ảnh: T.L
Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn thời chống Mỹ. Ảnh: T.L

Miền Trung nắng nóng, đêm gió Lào hanh hao hầm hập, có chặng đường xa dân, khô khát cả họng. Thấy nước ven đường lính ta ào tới khỏa bi đông sáng lè lân tinh, ngửa cổ tu mới biết nước biển mặn chát! Cứ chín đêm đi thì được một lần dừng chân, ngày nghỉ chỉ chợp mắt vài ba tiếng vì trời nóng lại máy bay, bom đạn loạn trời đất.

Đoạn đường Hà Tĩnh, lần ấy sáng trật mà không đến được trạm phải tản quân lên đồi sim mua lúp xúp. Các mẹ, các chị gánh nước và khoai luộc đến cho bộ đội. Một bà mẹ tóc hoa râm, dáng phúc hậu, giọng thân tình nói: “Các con đi làm xong việc nước rồi về qua đây thăm mẹ…”. Ký ức tôi nhớ mãi lời của mẹ.

Đến làng Ho (Quảng Bình), trạm cuối cùng đất Bắc vượt Trường Sơn. Dốc 1001 vời vợi trời nắng mà trên tán cây rừng nước nhỏ xuống tí tách ướt sũng như mưa, cây đá rêu bám mốc meo. Vượt dốc, đầu người sau chạm chân người trèo trước, con đường rừng mới mở vừa lối một người đi. Dốc tiếp dốc: Dốc 800, dốc Nguyễn Chí Thanh, dốc Bà Định… Cơ man nào dốc lại đèo, vực thẳm, sông sâu, suối lượn, rừng tiếp rừng xanh xanh trùng điệp. Ngày hành quân, có chỗ gặp máy bay ném bom, phóng rốc-két sặc mùi khói đạn, đất đá bị cày xới loang lổ, cây cối xơ xác tả tơi. Mỗi người tiêu chuẩn hai lon gạo gạt, bữa trưa một nắm cơm bằng nắm tay, tối nấu cháo húp cho đầy bụng. Tư trang người lính có hai bộ bà ba đen, một mũ tai bèo, chúng tôi đùa tếu: “Ngàn năm có một. Quần vợ, mũ con, gạo lon, nước suối, muối hầm, ngủ treo…”. Trường Sơn nắng rát, mùa mưa liên miên trắng trời đất. Ve vắt, ruồi vàng bu bám vào người đen sì ngứa ngáy. Măng lồ ô, tre mọc vô kể, vừa đi tranh thủ bẻ măng đưa người đi sau cài vào ba lô người trước để tối dừng quân nấu ăn. Một trận cả tiểu đội say măng người lảo đảo, nôn vàng như nghệ đến hoảng! Đường hành quân qua những cây cầu khỉ, cầu treo, cầu dây song nhùng nhằng qua sông suối, vực thẳm, vách đá cheo leo. Đồng đội có ai đau ốm, thay nhau khiêng cáng theo đoàn, trường hợp nặng gửi lại trạm giao liên, đợi đến khi khỏe thì tìm về đơn vị. Họa hoằn mới gặp rẫy nương của đồng bào dân tộc thiểu số, nhìn chòi rẫy gợi nhớ nhà da diết. Cũng không ai dám tơ hào quả ớt, trái dưa, ngọn bí… mặc dù đói ăn, thiếu thốn. Hành quân ở Trường Sơn, cứ 9 ngày đi được 1 ngày dừng chân, nhưng đã mất buổi sáng đào công sự, làm bếp Hoàng Cầm…

Đến Lao Bảo,  rồi tới cánh rừng phía Bắc Kon Tum, Tiểu đoàn 2 tách đội hình Trung đoàn được điều về Tây Nguyên. Mỗi chiều dừng quân còn sớm, lính ta đi tìm rau, bắt cua cá, đào củ mài độn thêm bữa ăn. Ở cánh rừng Ea Mơ buổi chiều còn đi cải thiện, sáng sau Lê Văn Xoang - pháo thủ ĐKZ sốt rét rồi mất. Anh mãi mãi yên nghỉ nơi rừng khộp, mảnh đất cát non ngời đỏ. Hành quân dài ngày mang vác nặng nề, nắng mưa, bom đạn, ốm đau, đói ăn, gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ đoàn kết san sẻ có nhau cho đến đích cuối cùng. Pháo thủ Nguyễn Ngọc Báu, Đinh Khắc Ân vác nòng ĐKZ 75 nặng 50 kg suốt thời gian hành quân.

Tiểu đoàn 2 được tăng cường cho chiến trường Dak Lak, cuối tháng 9-1965 đơn vị đóng quân ở điểm A tại cánh rừng Krông Kma dưới chân Chư Yang Sin, xã Khuê Ngọc Điền - H9 (nay là huyện Krông Bông). Sức khỏe bộ đội giảm sút, sốt rét nhiều, nhưng được nhân dân cưu mang chăm sóc cho ăn uống, nghỉ ngơi, tình cảm thắm thiết. Má Tiền ở Quảng Cư chân tình nói: “Má thương các con trong này bao nhiêu thì lại thương các con ngoài Bắc nhiều lần hơn, vì các con vào Nam đánh Mỹ, xa gia đình, cha mẹ người thân…”. Mai Đình Phu sốt rét, chúng tôi đưa đi bệnh xá. Buổi chiều nghỉ lại nhà má Tài (xã Lễ Giáo). Phu lên cơn sốt nằm trong võng run đùng đùng. Nhìn Phu sốt má băn khoăn: “Tội nghiệp! Hỏng có hột gà cho nó ăn !”. Từ Bắc vào Nam tới đâu người lính chúng tôi cũng được nhân dân tận tình cưu mang, đùm bọc yêu thương sâu nặng nghĩa tình.

Lần đầu ở chiến trường, đơn vị tổ chức đón xuân Bính Ngọ (1966). Tuy không đầy đủ, nhưng cũng có giò chả, thịt, bánh, thức ăn đựng trong bẹ chuối bày lên bàn lồ ô, chẳng rượu mà nao nao lòng người. Để bảo vệ đồng bào vùng giải phóng ăn tết, đêm đêm bộ đội mang vác súng đạn, lấy lồ ô bọc ni lông làm giả súng lớn hành quân qua các dinh điền để nghi binh địch. Đại đội tôi bí mật đào công sự chốt gần Lễ Giáo để sẵn sàng đánh địch đổ bộ trực thăng. Cơm vắt, nước bi đông, bộ đội suốt ngày trực chiến. Nhìn những làn khói lam lãng đãng từng nhà dân tỏa lên trời hòa quyện nắng vàng nhạt lúc hoàng hôn, nghe tiếng người xôn xao náo nghiệt, lòng tôi xốn xang gợi nhớ quê nhà nơi miền Bắc. Ngày tết yên ổn, bộ đội được các gia đình đón về vui xuân thân mật.

Do yêu cầu tính chất nhiệm vụ chiến trường, tháng 7-1966, Tiểu đoàn 2 (còn có phiên hiệu 303) sáp nhập với một đơn vị của tỉnh Dak Lak mang phiên hiệu Tiểu đoàn Bộ binh 301. Những năm trường chinh chiến, cán bộ và chiến sĩ trải qua bom đạn trận mạc ác liệt, gian khổ, hy sinh, đói cơm nhạt muối, ốm đau tật bệnh, gắn bó thủy chung với đồng bào, đồng chí, với quê hương Dak Lak thân yêu.

Xin ghi ơn suốt đời tấm lòng quý báu của các mẹ các chị, những người dân bình dị, chân chất thật thà, nhân ái đã giúp đỡ cưu mang che chở những người chiến sĩ chúng tôi. Xin ghi lòng tri ân đồng đội đã hy sinh nơi rừng Trường Sơn, chiến trường Buôn Ma Thuột, Cheo Reo, Krông Bông, Buôn Hồ… và khắp Dak Lak để bắc nhịp cầu cho những người chiến sĩ chúng tôi đi tiếp đến tận ngày chiến thắng.

 Đoàn Viết Doãn


Ý kiến bạn đọc