Nhớ về Đại đội trưởng Nguyễn Văn Khi
Trong cuộc đời quân ngũ, tôi thuyên chuyển qua nhiều đơn vị, là cấp dưới của nhiều thủ trưởng, nhưng để lại những kỷ niệm đẹp nhất, tình cảm sâu sắc, ấn tượng nhất trong tôi chính là những tháng ngày chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại do anh Khi làm Đại đội trưởng.
Ông Nguyễn Văn Khi - người Đại đội trưởng Đại đội súng máy cao xạ 14,5 li năm xưa. |
Tháng 7-1968, trên đường về Binh trạm 33 dự họp, anh cùng Đại đội phó Lò Văn Inh và chiến sĩ thông tin Hoàng Văn Điền dừng nghỉ ở Đại đội Công binh. Khi mọi người đang ăn cơm chiều thì máy bay OV-10 chỉ điểm cho máy bay phản lực lao xuống thả bom và bắn rốc-két. Một quả rốc-két nổ gần, khói bụi đất đá mịt mù, Đại đội phó Lò Văn Inh bị một mảnh đạn xuyên vào ngực trái, hy sinh tại chỗ. Anh Khi và chiến sĩ thông tin Hoàng Văn Điền đều bị thương. Anh em công binh băng bó sơ cứu vết thương đưa lên cáng khiêng ra đường tuyến đón đợi xe để đưa về trạm phẫu thuật tiền phương điều trị. Người sống, người chết nằm bên nhau, trời mưa không có tăng che phủ, ướt lạnh thấu da, gần sáng không đón được xe anh em lại khiêng vào. Tối hôm sau lại khiêng ra đường tuyến tiếp tục đón xe ôtô. Khuya hôm đó đón được xe, gửi ra Trạm Phẫu thuật Tha Mé. Đến đoạn đường rẽ vào Trạm Phẫu thuật, các anh được khiêng xuống đặt ở vệ đường. Chiến sĩ thông tin Hoàng Văn Điền - người nhỏ nhắn hơn, được khiêng đi trước. Anh to cao hơn đành nằm đợi. Một mình nằm lại giữa rừng, anh miên man lo nghĩ, nhưng hai giờ sau 2 đồng chí bộ đội công binh đã quay trở lại khiêng anh vào Trạm Phẫu thuật. Các y bác sĩ rút gạc chăm sóc điều trị cho anh chu đáo như người thân. Các vết thương trên thân thể chưa lành hẳn thì anh bị sốt rét. Bộ đội Trường Sơn ai không bị sốt rét mới là lạ. Vết thương và sốt rét hành hạ thể xác anh nhưng nỗi đau tinh thần còn nặng nề hơn vì đã gần một tháng phải xa trận địa, xa đồng đội. Vết thương chưa thật lành anh đã xin ra viện tìm về đơn vị. Về đến nơi, trận địa còn đây nhưng người và pháo ở đâu? Đơn vị đã cơ động chiến đấu nơi nào? Bơ vơ giữa rừng núi mênh mông, cứ ở đâu có tiếng súng là anh tìm đến. Đêm giữa rừng hoang vắng, sợ thú rừng đến lạnh sống lưng, sáng hôm sau lại lần theo đường dây hữu tuyến, cuối cùng anh cũng tìm được tổng đài để hỏi thăm đường về đơn vị.
Tháng 1-1971, để đáp ứng yêu cầu chiến đấu cơ động chống đổ bộ đường không, cấp trên thành lập gấp Đại đội súng máy cao xạ 14,5 li. Đại đội hợp thành bởi ba trung đội súng máy cao xạ của ba đại đội thuộc Tiểu đoàn 34; anh được giao làm Đại đội trưởng. Sau ít ngày làm quen với binh khí kỹ thuật, đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai chiến đấu tại khu vực Bản Đông (phía Nam đường 9, phía Đông đường 29). Đại đội trưởng Nguyễn Văn Khi đã chỉ huy đơn vị bắn rơi 19 máy bay của địch. Sau đó, đơn vị được lệnh chuyển sang cao điểm 595 (gần cao điểm 660) và chiến đấu đến ngày Chiến dịch toàn thắng (23-3-1971). Kết thúc Chiến dịch đường 9 Nam Lào, Đại đội giải thể. Anh được điều động làm Trợ lý tác chiến của Trung đoàn.
Nhớ đến anh, không chỉ là nhớ về những kỷ niệm chiến đấu gian khổ ác liệt nơi chiến trường, mà sâu sắc hơn, đọng lại trong tôi là kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường đã tích lũy tạo cho anh bản lĩnh vững vàng, sáng suốt, quyết đoán, bảo toàn được tính mạng cho đồng đội. Đó là lần chỉ huy 80 cán bộ chiến sĩ hành quân vào tuyến khi qua suối khu vực Q300 thuộc Binh trạm 32. Suối lớn, cây cao, nước mát, bộ đội và cả cán bộ đã đề nghị nghỉ lại bên suối nhưng với nhãn quan của người từng trải nhiều năm ở chiến trường anh nhận định: Suối xanh dễ bị địch nghi có lực lượng tập kết và dễ bị rải bom B52. Anh đã ra lệnh tiếp tục hành quân; ai chống lệnh sẽ kỷ luật. Quả nhiên khi đơn vị mới hành quân đến lưng đồi thì phía sau B52 đã rải thảm khu vực suối. Mọi người ngỡ ngàng mừng vui khôn xiết vì quyết định quyết đoán sáng suốt của anh. Hoặc trong Chiến dịch đường 9 Nam Lào, nhận nhiệm vụ chỉ huy Đại đội súng máy cao xạ 14,5 li đánh quân đổ bộ đường không, anh nhận định địch sẽ ném bom dọn bãi ở đỉnh đồi vì vậy đã bố trí trận địa ở lưng đồi; hỏa khí phân tán nhưng hỏa lực vẫn tập trung; đánh máy bay địch quyết liệt, hiệu quả mà vẫn bảo toàn được lực lượng. Nếu bố trí trận địa trên đỉnh đồi như thường lệ để chiến đấu bảo vệ các trọng điểm thì Đại đội đã lãnh trọn những loạt bom dọn bãi đầu tiên của máy bay phản lực rồi, đâu còn hỏa lực để đánh máy bay trực thăng đổ bộ đường không và cũng không tránh khỏi nhiều thương vong về người. Lúc đơn vị cơ động chiến đấu, bị địch phục kích, ba đồng chí: Đại đội phó Hoàng Văn Liên (quê Hải Hưng), Khẩu đội trưởng Ngô Sỹ Bình (An Bài, Hoa Lư, Tiên Hưng, Thái Bình) và chiến sĩ Phạm Văn Ư (An Khê, Quỳnh Phụ, Thái Bình) hy sinh, anh giao cho tôi chỉ huy đơn vị đi tìm và mang bằng được thi thể liệt sĩ về. Trước lúc đi anh dặn: “Phải xuyên rừng, không được đi đường mòn, nếu phát hiện thấy xác đồng đội, phải buộc dây vào chân kéo trước, sau đó mới được lại lấy xác” (đề phòng địch cài lựu đạn). Chỉ hơn tôi ba tuổi mà sao bản lĩnh chiến đấu và kinh nghiệm chiến trường của anh quá dày dạn…
Hòa bình, có mấy lần tôi về Hà Bắc tìm anh (không rõ anh ở Bắc Ninh hay Bắc Giang); nhưng không tìm được. Thì ra, sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi chuyển về Binh trạm H2 vào tiếp quản Sài Gòn, còn anh lại được điều về làm Trợ lý tác chiến của Trung đoàn 526 vận tải tiếp tế giúp bạn Lào trong Chiến dịch Bản Son. Năm 1978, anh vào Học viện quân sự, năm 1981 tốt nghiệp, được điều động làm Tiểu đoàn trưởng Huấn luyện, Trường Sĩ quan Lục quân 3. Năm 1987, anh được thăng quân hàm Trung tá, làm Trưởng Phòng Huấn luyện - Trường Sĩ quan Lục quân 3. Khi trường giải thể, các sĩ quan cấp tá của trường đều “được” nghỉ hưu. Anh nằm trong số đó và quyết định đưa gia đình vào xây dựng quê hương mới ở xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa (nơi đơn vị đóng quân). Nhờ thông tin của đồng đội, mùa xuân Giáp Ngọ tôi đã gặp lại anh, vẫn giọng nói, gương mặt và phẩm chất người lính Cụ Hồ như năm nào, chỉ khác là anh đã trở thành “lão nông” thực thụ ở tuổi bảy mươi với 6 ha đất trồng mía.
Hoàng Chuyên
Ý kiến bạn đọc