Multimedia Đọc Báo in

Phát huy truyền thống anh hùng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành

09:18, 09/12/2014

III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG, ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN VỮNG MẠNH; XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN CÁCH MẠNG, CHÍNH QUY, TINH NHUỆ, TỪNG BƯỚC HIỆN ĐẠI, BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG TÌNH HÌNH MỚI

1. Tình hình thế giới, khu vực, trong nước tác động đến xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại

a) Tình hình thế giới

Trên thế giới, trong những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của các quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu mới tạo sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tác động sâu rộng đến kinh tế thế giới, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.

Tình hình chính trị thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, bạo loạn, mất ổn định chính trị, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực.

Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn. Các nước lớn vừa hợp tác thỏa hiệp vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh vào cục diện thế giới và các khu vực. Các nước vừa và nhỏ đề cao tinh thần độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tăng cường tham gia vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển, vì dân chủ và tiến bộ xã hội.

Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trở lại nhưng còn chậm, còn nhiều khó khăn, thách thức; tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, khu vực sẽ có nhiều thay đổi. Nhiều nước trên thế giới cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thể chế kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để phát triển. Cạnh tranh kinh tế, thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng gay gắt. Xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, các hiệp định kinh tế song phương, đa phương mới.

Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bệnh dịch, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các yếu tố đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống đang gia tăng.

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là khu vực phát triển năng động và có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng trên thế giới. Đây cũng là khu vực cạnh tranh, tranh chấp quyết liệt giữa các nước lớn, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực tiếp tục gay gắt. ASEAN trở thành cộng đồng tiếp tục phát huy vai trò trung tâm duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực, nhưng chịu sự tác động, lôi kéo của các nước lớn và sự khác biệt về lợi ích làm cho đoàn kết nội khối bị thách thức.

b) Tình hình trong nước

Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới (1986-2014) làm tăng thêm thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước. Sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và của thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới với cả thời cơ và thách thức đan xen. Kinh tế từng bước thoát khỏi trạng thái trì trệ, lấy lại đà tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp; kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, nợ công, nợ xấu, thâm hụt ngân sách còn lớn.

Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã dự báo vẫn tồn tại và có mặt trầm trọng hơn (Bốn nguy cơ đó là: Tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong Khu vực và trên thế giới; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; “diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch gây ra). Các thế lực thù địch tăng cường chống phá, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo sẽ ngày càng gay gắt, diễn biến phức tạp. Nguy cơ “tụt hậu xa hơn về kinh tế”, tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nặng nề; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội xuống cấp, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Tình hình thế giới và trong nước nêu trên tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức đan xen nhau, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc, quân đội ta phải tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, ra sức phát huy nội lực, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đẩy lùi nguy cơ, kiên trì công cuộc đổi mới, củng cố quốc phòng; tiếp tục xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

2. Một số nội dung cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thế giới, khu vực, trong nước, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong thời kỳ mới, Đại hội XI của Đảng xác định, phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền QPTD vững chắc nhằm: tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh (QP-AN) cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố) vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện Chiến lược BVTQ; kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Thực tiễn cho thấy, xây dựng nền QPTD là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản, lâu dài và là yêu cầu tất yếu của cả thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta. Chừng nào hòa bình còn bị uy hiếp, chế độ XHCN còn bị đe dọa, thì nền QPTD phải không ngừng được xây dựng, phát triển để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI về xây dựng nền QPTD trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta cần quán triệt và nắm vững những nội dung cơ bản sau:

Trước hết, cần nhận thức đầy đủ về bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước trong những năm tới, cũng như cả thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Đây là vấn đề tác động trực tiếp đến nhiệm vụ xây dựng nền QPTD vững chắc ở nước ta. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (sau đây gọi tắt là Báo cáo Chính trị) tại Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Nước ta bước vào thời kỳ chiến lược mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, ... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp”. Mặt khác, cục diện thế giới đa cực đã hình thành ngày càng rõ hơn và sẽ tác động lớn đến độc lập, chủ quyền của các quốc gia; xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế sẽ tiếp tục phát triển, nhưng vẫn bị chi phối bởi các nước lớn; toàn cầu hóa sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng khoa học-công nghệ phát triển mạnh mẽ, hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức; sự cạnh tranh giữa các nước về kinh tế-thương mại; sự giành giật tài nguyên, năng lượng, thị trường, vốn, nguồn nhân lực… ngày càng gay gắt.

Đất nước ta vừa đứng trước thời cơ, vận hội vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, QP-AN. Những yếu tố đó tác động trực tiếp, nhiều chiều đến xây dựng nền QPTD của nước ta. Vì vậy, để xây dựng nền QPTD vững mạnh toàn diện, cần phải dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng đặc điểm tình hình của từng thời kỳ, tiếp tục đổi mới tư duy, xác định các chủ trương, biện pháp xây dựng nền QPTD phù hợp với điều kiện, khả năng của đất nước và đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong thời kỳ mới.

Hai là, luôn quán triệt và nắm chắc mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nền QPTD trong thời kỳ mới; đó là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. “Tăng cường QP-AN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên  của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt”.

Như vậy, các mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng của nước ta trong thời gian tới cơ bản không thay đổi. Nhưng trước những yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội XI tiếp tục khẳng định, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Đại hội đã nhấn mạnh sự ổn định và phát triển bền vững về mọi mặt đời sống KT-XH là nền tảng để xây dựng nền QPTD vững chắc; ngược lại, tăng cường sức mạnh QP-AN là cơ sở, điều kiện bảo đảm cho xây dựng KT-XH phát triển nhanh và bền vững. Mối quan hệ đó phải được kết hợp chặt chẽ trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển KT-XH.

Nhiệm vụ QP-AN của đất nước thời gian tới đang đặt ra những yêu cầu mới cần được bổ sung, phát triển. Có thể thấy, việc xuất hiện ngày càng nhiều hơn các yếu tố an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu sẽ quan hệ trực tiếp đến xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các biện pháp bảo vệ. Quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia sẽ ngày càng tăng. Điều đó không chỉ tác động đến mục tiêu bảo vệ của QP-AN, đối ngoại mà còn quan hệ đến sự kết hợp giữa nhiều lĩnh vực, giữa nội lực với ngoại lực… Theo đó, để phát huy sức mạnh tổng hợp, chúng ta không chỉ sử dụng kết hợp các lực lượng đã có, mà còn phải mở rộng hơn về nội hàm của tạo thế và tạo lực.

Ba là, nắm vững phương hướng xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân làm nòng cốt trong lực lượng quốc phòng (LLQP). Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng khẳng định tiếp tục xây dựng LLVT nhân dân bao gồm Quân đội nhân dân và Công an nhân dân: “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có số lượng hợp lý, có sức chiến đấu cao, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp. Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho các LLVT được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước hiện đại”.

Trên cơ sở xác định phương hướng xây dựng LLVT nhân dân, Nghị quyết Đại hội XI đã nhấn mạnh những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc, đó là: LLVT nhân dân phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Để tăng cường sức mạnh quốc phòng, đi đôi với xây dựng sự vững mạnh về chính trị, nâng cao năng lực, trình độ về mọi mặt, cần phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, nhằm từng bước bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại cho các LLVT; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự; hoàn thiện các chiến lược QP-AN và hệ thống cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp đánh thắng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, quốc phòng ngày nay không chỉ nhằm đối phó với chiến tranh mà trước hết phải đấu tranh có hiệu quả với các tình huống quốc phòng trong thời bình. Để thực hiện nhiệm vụ đó, LLQP phải gồm nhiều thành phần, lực lượng và hoạt động đấu tranh bằng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp vũ trang. Như vậy, LLQP là một lực lượng tổng hợp gồm cả LLVT và phi vũ trang thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, như quân sự, an ninh, đối ngoại, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, trong đó LLVT nhân dân làm nòng cốt. Đây là tư duy mới về quốc phòng và quân sự; về LLQP và LLVT, cũng như thế trận quốc phòng và thế trận quân sự. Từ các mối quan hệ như vậy nên LLVT nhân dân có vai trò nòng cốt trong LLQP. Vì vậy, trong khi xây dựng LLVT nhân dân, cần phải coi trọng xây dựng các lực lượng khác có liên quan mới tạo được sức mạnh tổng hợp của LLQP.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ các lực lượng trong thế trận quốc phòng và kết hợp thế trận QPTD với các thế trận khác. Xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng của nước ta, việc xây dựng thế trận QPTD phải bảo đảm toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả thời bình và thời chiến. Do vậy, thế trận QPTD không chỉ có tổ chức bố trí LLVT mà còn phải kết hợp chặt chẽ với bố trí các lực lượng khác liên quan đến đấu tranh quốc phòng. Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng đã xác định: “Xây dựng thế trận QP-AN, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận khoa học an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế”. Quán triệt chủ trương đó, việc tổ chức xây dựng thế trận QPTD trong thời gian tới cần tiếp tục vận dụng những quan điểm cơ bản của Đảng cho phù hợp với tình hình mới. Bố trí thế trận QPTD ngày nay không những phải kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, mà còn phải coi trọng gắn kết với thế trận đối ngoại. Đặc biệt, khi nước ta tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam. Trong khi lợi ích của các doanh nghiệp luôn gắn với thị trường và lợi nhuận thì việc bố trí, sắp xếp các cơ sở kinh tế gắn với yêu cầu QP-AN sẽ nảy sinh các mâu thuẫn giữa quyền lợi chung và riêng. Do vậy, khi tổ chức bố trí thế trận QPTD phải luôn kết hợp chặt chẽ giữa các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH với phương án bảo vệ của QP-AN, lồng ghép hợp lý với dự án xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng.

Thế trận QPTD của nước ta được tổ chức xây dựng toàn diện trên mọi lĩnh vực, từng khu vực, địa bàn, từ địa phương cho đến toàn quốc, nhưng trước tình hình mới, cần tập trung: Tăng cường sức mạnh QP-AN cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng KVPT tỉnh (thành phố) vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Từ tinh thần của Đại hội XI cho thấy, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng các KVPT tỉnh (thành phố) là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Bởi, đó là những hạt nhân tạo thành nền tảng vững chắc cho thế trận QPTD của cả nước. Trong xây dựng thế trận QPTD, một lần nữa Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh phải xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc để BVTQ. Đây là một nhân tố quyết định sức mạnh của yếu tố chính trị-tinh thần và là sức mạnh căn bản của nền QPTD, đồng thời để khẳng định chân lý: được lòng dân là có tất cả và mất lòng dân là mất tất cả.

(Còn nữa)

(Theo tài liệu tuyên truyền của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)


Ý kiến bạn đọc