Multimedia Đọc Báo in

Phát huy truyền thống anh hùng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành

09:10, 03/12/2014

I. QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM - 70 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN, CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN THẮNG

1. Quá trình ra đời, xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội

Ngày 22 tháng 12 năm 1944 tại khu rừng thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam được thành lập. Ngày này đã được lấy là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ sau cái tên ban đầu ấy, quân đội ta lần lượt mang tên: Việt Nam giải phóng quân (5-1945 đến 11-1945), Vệ quốc đoàn (11-1945 đến 1946), Quân đội quốc gia Việt Nam (5-1946 đến 1950), Quân đội nhân dân Việt Nam (từ 1950 đến nay).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam có lịch sử chiến đấu và chiến thắng rất oanh liệt, truyền thống cách mạng rất vẻ vang.

Sinh ra và lớn lên trong cao trào cách mạng cứu nước sôi nổi, liên tục và rộng khắp của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ngay từ đầu đã là quân đội nhân dân, mang bản chất giai cấp công nhân, gắn bó mật thiết với nhân dân các dân tộc trên đất nước Việt Nam; một quân đội của dân, do dân và vì dân. Quân đội nhân dân ngày nay là quân đội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Một công cụ sắc bén của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân.

Ngay từ cương lĩnh cách mạng đầu tiên, Đảng đã khẳng định con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền; và yêu cầu tất yếu là việc tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng tháng 2 năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới việc "tổ chức ra quân đội công nông". Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng cũng chỉ rõ nhiệm vụ "Vũ trang cho công nông", "Lập quân đội công nông" và "tổ chức đội tự vệ công nông". Trong phong trào cách mạng những năm 1930-1931, từ lực lượng khởi nghĩa của công nông trong Xô viết Nghệ Tĩnh, Tự vệ đỏ ra đời. Đó là mầm mống đầu tiên của Lực lượng vũ trang cách mạng, của quân đội cách mạng ở Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh của quần chúng, sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được lấy làm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 17 tháng 10 năm 1989, theo nguyện vọng của nhân dân trong cả nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) quyết định lấy ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944) đồng thời là Ngày Hội Quốc phòng toàn dân.

a) Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1944 - 1954)

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng đã được chứng minh ngay từ khi mới ra đời, các lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên đã chiến đấu dũng cảm để bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ sở, giữ vững và phát triển phong trào cách mạng. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chỉ hai ngày sau khi thành lập đã đánh liền hai trận, tiêu diệt đồn Phai Khắt (24-12-1944) và đồn Na Ngần (25-12-1944), mở đầu truyền thống “đánh thắng trận đầu” của lực lượng vũ trang nhân dân ta.

Trong cao trào kháng Nhật, cứu nước (1945), các lực lượng vũ trang cách mạng là đội xung kích tiêu diệt địch, giải phóng nhân dân, làm nòng cốt xây dựng Khu giải phóng và các chiến khu. Trong tổng khởi nghĩa tháng tám 1945, lực lượng vũ trang nhân dân là đội xung kích với toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang nhân dân ta lúc đầu số lượng ít, trang bị vũ khí thô sơ… nhưng đã nắm vững đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, chiến đấu dũng cảm mưu trí, cùng với toàn dân lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến lược của địch. Thu Đông 1947, lập chiến công lớn đầu tiên trong chiến dịch Việt Bắc, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp. Năm 1950, lập chiến công xuất sắc trong chiến dịch Biên Giới, lần đầu tiên đánh một trận tiêu diệt lớn, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Đông xuân 1953-1954, cùng với toàn dân giành thắng lợi rực rỡ trong cuộc tiến công chiến lược mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, làm thay đổi cục diện chiến tranh, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

b) Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang nhân dân ta, nòng cốt là quân đội nhân dân cùng toàn dân liên tiếp đánh bại các chiến lược của đế quốc Mỹ: “chiến tranh đặc biệt” (1961-1964)”; chiến tranh cục bộ “1965-1968)” với các chiến dịch như: chiến dịch Bình Giã (2-12-1964 – 3-1-1965), chiến dịch Ba Gia (28-5 – 20-7-1965), chiến dịch Đồng Xoài (10-5 – 22-7-1965), chiến dịch Plây Me (19-10 – 26-11-1965), chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng (12 – 27-11-1965), chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti (22-2 – 15-4-1967), chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (20-1 – 15-7-1968); “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1972) với các chiến dịch như: chiến dịch Đông Bắc Cam-pu-chia (29-4 – 30-6-1970), chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (30-1 – 23-3-1971), chiến dịch Trị Thiên (30-3 – 27-6-1972), chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 1 (6-4 – 22-10-1972), chiến dịch đồng bằng sông Cửu Long (10-6 – 10-9-1972), chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 2 (18 – 29-12-1972), chiến dịch Nguyễn Huệ (1-4-1972 – 19-1-1973); thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa Xuân 1975, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, với các chiến dịch lớn như: chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13-12-1974 – 6-1-1975), chiến dịch Tây Nguyên (4-3 – 3-4-1975), chiến dịch Trị Thiên - Huế (5 – 26-3-1975), chiến dịch Đà Nẵng (26 – 29-3-1975), chiến dịch Xuân Lộc (9 - 20-4-1975) và chiến dịch Hồ Chí Minh (26 – 30-4-1975), lập nên nhiều chiến công hiển hách, cùng toàn dân hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

c) Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975 - 2014).

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Quân đội nhân dân Việt Nam lại cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (2-1979), giữ vững chủ quyền biên giới, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc; làm thất bại mọi âm mưu trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia dân tộc.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện công tác dân vận, góp phần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động cách mạng, các phong trào và nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… Từ năm 2005 đến nay, quân đội đã có 23.288 số lượt đơn vị làm công tác dân vận; 7.695 tổ, đội công tác, cán bộ tăng cường cơ sở; tham gia xây dựng 45.011 xã, phường; củng cố 168.075 tổ chức chính trị - xã hội; ký kết chương trình phối hợp với 19 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố; 10.570 đầu mối đơn vị kết nghĩa. Các cơ quan, đơn vị đã kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp, các điểm nóng, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động nhân dân biểu tình, gây rối… Điển hình là vụ gây rối, bạo loạn ở Tây Nguyên (tháng 4-2004, 4-2008), Sóc Trăng (2-2009), Mường Nhé (5-2011), vụ biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta ở các tỉnh Bình Dương và Hà Tĩnh (5-2014), góp phần củng cố xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc trên địa bàn cả nước. Các đơn vị trong quân đội đã thực hiện tốt việc “xã hội hóa” trong tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và được vận dụng khá thành công, huy động được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội, như: “Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới, biển, đảo”, “Ngân hàng Bò” của Bộ đội Biên phòng; “1.000 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách vùng căn cứ kháng chiến” của Quân khu 9; “Ngôi nhà 100 đồng” của thanh niên Quân đội; “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Hũ gạo tình thương” của Quân khu 5... Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Nhà đại đoàn kết”, hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, kết hợp thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội, tạo sức lan tỏa, mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Đã giúp đỡ nhân dân 9.208.884 ngày công lao động; làm 26.476 km đường giao thông, 13.528 km kênh mương thủy lợi; trồng rừng, khai hoang, phục hóa 25.462 héc ta; thu hoạch và chăm sóc hoa màu 20.264 héc ta; tham gia chống cháy rừng 11.576 héc ta; sửa chữa, làm mới 97.861 nhà; làm cầu gỗ, bê tông 3.172 cái; giúp dân xóa đói, giảm nghèo 147.903 hộ… ; tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sửa chữa, xây dựng trường học, mở lớp xóa mù chữ, đưa học sinh bỏ học trở lại trường; thực hiện Chương trình quân - dân y kết hợp, tư vấn, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng hương ước, bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội trong sạch, lành mạnh, góp phần nâng cao dân trí, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Trong phòng chống thiên tai, thảm họa có nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội đã anh dũng hy sinh thân mình để cứu tính mạng và tài sản của nhân dân (từ năm 2007 đến năm 2013 đã có 22 cán bộ, chiến sĩ và dân quân hy sinh).

Bám sát chức năng nhiệm vụ, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, Quân đội đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Từ năm 2005 đến nay, các lực lượng Quân đội đã quy tập được 21.261 hài cốt liệt sĩ; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 1056 trường hợp; quyết định cấp giấy Chứng nhận bệnh binh cho 6.199 trường hợp; thẩm định hồ sơ giới thiệu đi giám định cho 845 thương binh tại ngũ; tổ chức giám định thương tật cho trên 6.400 trường hợp; thực hiện chính sách ưu đãi với trên 13.000 người có công và thân nhân liệt sĩ. Gây quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 500 tỷ đồng; xây dựng được 9.184 nhà tình nghĩa với số tiền trên 550 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp 17.200 căn nhà cho các đối tượng chính sách với số tiền trên 680 tỷ đồng. Tham gia tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ, đóng góp hơn 300.000 ngày công với số tiền trên 260 tỷ đồng; đang phụng dưỡng 387/1400 Mẹ Việt Nam Anh hùng, đỡ đầu hơn 1.000 con liệt sĩ, con thương binh nặng; trao tặng 11.400 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách; khám chữa bệnh cho hơn 700.000 lượt người. Từ những kết quả và hành động thiết thực, Quân đội đã góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân”, hậu phương chiến lược vững chắc trong thế trận phòng thủ chung của cả nước.

Có thể khẳng định: Những chiến công hiển hách của quân đội nhân dân Việt Nam, là sự kế thừa và phát huy truyền thống nghệ quân sự Việt Nam, nghệ thuật đánh giặc, giữ nước của ông cha ta (lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều); biết dùng mưu kế và thế trận, thế hiểm và phát huy sức mạnh của nhân dân, của các lực lượng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử cùng với toàn dân giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng là lực lượng vũ trang anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

(Còn nữa)

(Theo tài liệu tuyên truyền của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.