Vị khách đặc biệt của hai chàng lính trẻ
Sáng đầu tuần, hai “cây kéo vàng” của Trung đoàn Bộ binh 95 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) là binh nhất Lê Tôn Đức Thịnh và binh nhì Phan Nhật Hoàng (Trung đội Cảnh vệ) tranh thủ quét dọn phòng, vệ sinh ghế, dụng cụ cắt tóc, lau chùi các ô cửa kính chuẩn bị đón khách.
Khi công việc vừa xong cũng là lúc vị khách đầu tiên bước vào. Vị khách thân thiện: “Các cháu có thể cắt tóc giúp bác được không, đúng kiểu tóc 3 phân của bộ đội đấy nhé”. Nhìn vị khách khoác bộ quân phục chỉnh tề, dáng đi chững chạc, mái tóc bạc trắng cùng cách nói chuyện gần gũi, thân thiện “đúng chất nhà binh”, hai người lính trẻ đoán bác là cựu chiến binh. Binh nhất Lê Tôn Đức Thịnh nhanh nhẹn mời khách ngồi xuống ghế, quấn chiếc khăn choàng rồi kẹp lại cẩn thận cho khách. Những tiếng rè rè của tông-đơ, tiếng lách cách của kéo và lược tạo nên thứ âm thanh rộn ràng vui tai.
Trung tướng Ma Thanh Toàn thân mật trò chuyện với hai người lính trẻ. |
Chăm chú ngắm nhìn hai người lính trẻ qua chiếc gương lớn, người lính già thân mật hỏi chuyện: “Các cháu nhập ngũ lâu chưa? Có cháu nào có người yêu chưa? Đi bộ đội thế này chắc là nhớ nhà lắm nhỉ?...”. Thái độ thân thiện, gần gũi của vị khách khiến hai chàng lính trẻ cảm thấy gần gũi, họ cũng hỏi vị khách rất nhiều. Đến khi biết vị khách là Trung tướng Ma Thanh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 2, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 95, cả hai chàng lính reo lên vui mừng: “Ôi, bác là bác Toàn thật ạ? Ngày tân binh, khi học về lịch sử truyền thống Trung đoàn, Chính trị viên đại đội cháu kể về bác nhiều lắm”.
Vị tướng tâm sự: “Ngày 27-7 vừa rồi, bác từ Hà Nội bay vào Tây Nguyên để dự lễ khánh thành Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của Trung đoàn 95 tại thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang (Gia Lai), nhớ đơn vị nên sau buổi lễ bác lặn lội gần 300km về thăm đấy. Bác cũng trưởng thành lên từ người chiến sĩ như các cháu bây giờ. Cả cuộc đời binh nghiệp, bác công tác, gắn bó với nhiều đơn vị trên nhiều cương vị khác nhau nhưng bác luôn dành cho Trung đoàn mình một tình cảm rất đặc biệt. Đơn vị mình đánh cắt giao thông giỏi lắm, kẻ thù chỉ nghe đến tên Trung đoàn 95 là khiếp vía rồi. Từ ngày nghỉ hưu, gần như năm nào bác cũng đưa gia đình vào thăm đơn vị. Chẳng cần biết tóc dài hay ngắn, cứ vào đây là bác ghé phòng này cắt tóc, để được “cắt tóc bộ đội” cho đỡ nhớ”.
Binh nhì Phan Nhật Hoàng lễ phép: “Bác ơi, ngày xưa đi chiến dịch có ai cắt tóc cho bác thế này không ạ? ”. Vị tướng cười lớn: “Ngày xưa ở chiến trường, chẳng mấy khi các bác được cắt tóc “vip” thế này đâu. Ngồi trong hầm bí mật, ánh sáng chỉ nhờ nhờ thôi, giữa đạn pháo đì đùng, với một mẩu lưỡi lam, một chiếc lược nhỏ xíu được làm bằng mảnh nhôm máy bay là bộ đội ta cũng có thể cắt tóc cho nhau được rồi. Đôi khi bác còn tự cắt tóc cho chính mình nữa ấy chứ. Cận kề giữa cái sống và cái chết, tóc tai chỉ cần gọn gàng, đỡ vướng víu và mất thời gian tắm gội là được, chứ không cần đẹp lắm đâu”.
Tỏ ra rất hài lòng khi ngắm mình trong gương, vị tướng bắt tay cảm ơn hai chàng lính trẻ và dặn dò: “Các cháu bây giờ, có nhiều điều kiện hơn các bác, các chú ngày xưa nên phải chịu khó tu dưỡng, rèn luyện và học tập để xứng đáng với thế hệ đi trước. Phải giữ gìn hình ảnh và phẩm chất của người lính Cụ Hồ từ những việc nhỏ nhất như lời ăn, tiếng nói đến mái tóc, nụ cười rồi mới có thể làm được những chuyện khác lớn lao hơn”.
Buổi gặp gỡ bất ngờ, những câu chuyện thú vị cùng sự chân tình của vị tướng già có lẽ sẽ là kỷ niệm đẹp trong thời gian quân ngũ mà hai người lính trẻ chẳng thể nào quên.
Việt Hùng
Ý kiến bạn đọc