Multimedia Đọc Báo in

70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an Nhân dân Đắk Lắk

09:47, 03/08/2015

(Tiếp theo kỳ trước)*

4. Công an nhân dân Đắk Lắk trong công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước sau chiến tranh (1975 - 1985)

Những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tình hình an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Thực hiện kế hoạch hậu chiến của Mỹ và các thế lực thù địch, số đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động chưa chịu khuất phục, tiếp tục tiến hành các hoạt động chống phá rất quyết liệt; hoạt động của bọn phản động Fulrô gây nhiều thiệt hại cho cách mạng và đồng bào các dân tộc Đắk Lắk. Tình hình trật tự xã hội nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, tội phạm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, phạm pháp hình sự có chiều hướng gia tăng.

Thực hiện Nghị quyết đặc biệt của Trung ương Cục miền Nam lần thứ 15 (29-3-1975) và Chỉ thị số 10 (22-6-1975) của Thường vụ Trung ương Cục về trấn áp bọn phản cách mạng. Lực lượng An ninh trong tỉnh đã công bố và tổ chức thực hiện các thông báo về “Giữ gìn trật tự, an ninh”, “Thu hồi, quản lý các công sở, cơ quan, xí nghiệp, kho tàng của Ngụy quyền cũ”, “Thu nạp vũ khí chất nổ” và “Ghi báo trình diện”, cùng với quân đội tổ chức cho binh lính, sĩ quan, Ngụy quyền, nhân viên các đảng phái phản động ra trình diện, từ đó phân loại để có đối sách thích hợp.

Bác sĩ Bệnh viện Công an tỉnh khám bệnh cho trẻ em ở buôn Chứ, xã Ea Sol (huyện Ea H’leo).   Ảnh: Trọng Tính
Bác sĩ Bệnh viện Công an tỉnh khám bệnh cho trẻ em ở buôn Chứ, xã Ea Sol (huyện Ea H’leo). Ảnh: Trọng Tính

Đến tháng 5-1975, đã tiến hành đăng ký trình diện cho trên 25.000 đối tượng ngụy quân, ngụy quyền; lập hồ sơ đưa đi tập trung giáo dục cải tạo 377 đối tượng, đưa vào diện sưu tra 18.290 đối tượng, khai thác được hàng chục tấn tài liệu hồ sơ địch, lưu dung 1.655 người; truy lùng, bắt cải tạo gần 4.000 đối tượng trốn tránh trình diện. Đối với các tổ chức đảng phái phản động, đã phát hiện, điều tra khám phá 28 vụ nhen nhóm tổ chức phản động với 294 đối tượng tham gia, thành phần chủ yếu là số ngụy quân, ngụy quyền cũ, đảng phái phản động; đưa đi tập trung cải tạo 90 đối tượng; xác minh làm rõ 21 vụ phản tuyên truyền, kiểm điểm 32 đối tượng.

Từ cuối năm 1976, sau một thời gian củng cố lực lượng Fulrô lại tiếp tục hoạt động chống phá quyết liệt. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Ty Công an Đắk Lắk đã thành lập Đội vũ trang chuyên truy quét Fulrô (11-1976) gồm 6 đồng chí và Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Đắk Lắk với biên chế 400 đồng chí có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh giải quyết lực lượng Fulrô và các loại phản động khác. Công an tỉnh đã phối hợp cùng Quân đội tổ chức bao vây, truy quét diệt 658 tên, bắt 7. 856 tên, buộc ra hàng và gọi hàng 4.309 tên trong đó có 17 tên chỉ huy cấp Trung ương Fulrô, 69 sĩ quan cấp tá, thu 4. 388 súng các loại và nhiều tài liệu quan trọng. Đặc biệt, Ty Công an Đắk Lắk đã xác lập 10 chuyên án, phối hợp với quân đội đánh 214 trận, phối hợp với du kích đánh 88 trận, tác động lôi kéo về hàng 776 tên, giáo dục 11.645 người là cơ sở tiếp tế cho Fulrô, thu 639 súng, 2/3 trong số 2.000 Fulrô đã rời bỏ hàng ngũ trở về làm ăn sinh sống tại các buôn làng; tổ chức vận động quần chúng ở 27 buôn thuộc 4 xã ở 11 địa bàn trọng điểm, thu hút hơn 19.000 lượt người tham dự, qua đó bóc gỡ 824 cơ sở nòng cốt của Fulrô ở các buôn làng, kêu gọi 233 tên về hàng, trong đó có Thiếu tướng Fulrô Nay Guh, tổ chức soạn thảo và in 110.000 truyền đơn bằng hai thứ tiếng phổ thông, Êđê kêu gọi Fulrô trở về với nhân dân.

Trong 2 năm 1977 và 1978, để đấu tranh với bọn Pôn Pốt-Iêng xa ri, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Công an Đắk Lắk đã tăng cường lực lượng ở các đồn, trạm dọc biên giới đề phòng và sẵn sàng đánh trả những đợt tấn công vũ trang của địch, phát động quần chúng cắm hàng triệu cây chông dọc gần 200km biên giới của tỉnh với Campuchia.

Trong tình hình đất nước còn khó khăn về kinh tế, tội phạm hình sự cũng tăng cường hoạt động, tệ nạn trộm cắp, cướp, cờ bạc, mại dâm, mất đoàn kết trong quần chúng nhân dân và tình trạng trốn đi nước ngoài diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều hình thức. Ngay trong năm 1981, Công an Đắk Lắk đã đồng loạt tiến hành các chiến dịch chống tội phạm hình sự, phối hợp với quần chúng phát hiện kịp thời và đấu tranh liên tục với bọn tội phạm, làm tốt công tác bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép. Điển hình là ngày 10-11-1985, cơ quan điều tra đã khám phá vụ “Đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Ban giáo dục chuyên nghiệp tỉnh, khởi tố 11 bị can với tổng số tiền nhận hối lộ là 220.000 đồng và 46,5 lượng vàng.

Công tác đào tạo bồi dưỡng và củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ thường xuyên được chú trọng, năm 1984, bổ nhiệm 1 đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh, 1 đồng chí Phó ban chỉ huy An ninh, 7 đồng chí Trưởng, Phó Công an huyện và 125 đồng chí lãnh đạo chỉ huy các cấp; cử 379 đồng chí đi học các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị, văn hóa, ngoại ngữ; tuyển dụng 150 người, điều động tăng cường cho Công an cấp huyện 139 người, cử 10 đồng chí đi làm nhiệm vụ quốc tế; điều chuyển trong nội bộ lực lượng Công an tỉnh 1.287 đồng chí. Tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng Công an cơ sở, đã huấn luyện nghiệp vụ cho hơn 100 đồng chí Trưởng, Phó Công an xã. Mở nhiều đợt sinh hoạt chính trị, các đợt tự phê bình và phê bình trước nhân dân, lãnh đạo Công an các cấp bám sát các chuyên đề trọng tâm, trọng điểm, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời uốn nắn mọi sai sót của CBCS.

(Còn nữa)

(Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Công an)

[links()]


Ý kiến bạn đọc