Di sản tư tưởng của Ph. Ăng-ghen về bình đẳng và đoàn kết dân tộc
Ph.Ăng-ghen sinh ngày 28-11-1820 tại tỉnh Rênani (Đức). Cụ thân sinh ông là chủ một xưởng dệt. Sau khi học xong trung học, ông làm việc tại văn phòng của bố, sau đó chuyển sang làm tại một hãng buôn lớn, tiếp tục học đại học và nghiên cứu triết học.
Năm 1842, Ph. Ăng-ghen sang nước Anh nghiên cứu tình cảnh giai cấp công nhân Anh và xuất bản những tài liệu về chủ nghĩa xã hội. Năm 1844, Ăng-ghen cho đăng tác phẩm “Phê phán chính trị kinh tế học” trong tập “Pháp – Đức niêm giám” do Mác sáng lập ở Pari. Mác đánh giá tác phẩm ấy là một cuốn đại cương tài tình về một khoa chính trị kinh tế học mới, khoa chính trị kinh tế học của giai cấp vô sản.
Cuối tháng 8-1844, Ăng-ghen rời nước Anh, sang Đức, khi đi ngang qua Pari ông gặp Mác. Thế là tình bạn bắt đầu giữa hai lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, mối tình đã vượt qua “mọi chuyện cổ tích cảm động nhất về tình bạn của người xưa” (1) như lời nhận xét của Lênin.
Ph. Ăng-ghen là người rất khiêm nhường. Sinh thời ông chỉ tự nhận mình là “một cây vĩ cầm thứ hai bên cạnh Mác”, song những người nghiên cứu về chủ nghĩa Mác đều thấy rõ Ph. Ăng-ghen có nhiều cống hiến to lớn đối với việc hình thành, phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, làm cho chủ nghĩa Mác trở nên hoàn chỉnh.
Ngoài các công trình viết chung với Mác mà tiêu biểu là “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848), Ph. Ăng-ghen còn có nhiều tác phẩm kinh điển mang giá trị lâu dài như “Chống Đuy-rinh”, “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, “Biện chứng của tự nhiên”… Các tác phẩm trên đã phản ánh tư tưởng của Ph. Ăng-ghen về triết học, chính trị kinh tế học, gia đình và nhà nước… trong đó có vấn đề bình đẳng và đoàn kết dân tộc là vấn đề có tính nhân loại, tính phổ biến, là một trong những quyền cơ bản của con người, của các dân tộc.
Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” Ph. Ăng-ghen đã cùng với Mác bàn về vấn đề nhà nước vô sản với các dân tộc; xem xét vấn đề dân tộc dưới góc độ cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản để tiến tới thực hiện quyền bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc (2), phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu” (3). Để có sự bình đẳng, đoàn kết thật sự, chặt chẽ và lâu dài giữa các dân tộc, theo Ph. Ăng-ghen, phải xóa bỏ nguồn gốc sinh ra, bất bình đẳng, áp bức dân tộc, đó là: “Hãy xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ” (4). Sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ quốc gia, dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo. Những tư tưởng, quan điểm trên đây của Ph. Ăng-ghen và Mác đã đặt nền móng cho việc nhận thức và giải quyết vấn đề bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Lênin là người đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác về vấn đề dân tộc vào thực tiễn cách mạng nước Nga và phát triển vấn đề dân tộc của chủ nghĩa Mác trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, trong đó, vấn đề dân tộc luôn gắn với vấn đề thuộc địa (gọi là vấn đề dân tộc thuộc địa). Lênin coi phong trào giải phóng dân tộc là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Khẩu hiệu của C.Mác và Ph. Ăng-ghen nêu ra: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!” đã được Lênin phát triển thành: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”. Cương lĩnh nổi tiếng về vấn đề dân tộc của Lênin là kim chỉ nam cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới đấu tranh tự giải phóng mình.
Kế thừa truyền thống đoàn kết dân tộc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định bình đẳng dân tộc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc; bình đẳng dân tộc phải gắn liền với độc lập, tự do của Tổ quốc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng dân tộc đã được Người tuyên bố với nhân dân thế giới và trong nước trong “Tuyên ngôn độc lập”: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng: nếu không xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì không thể có sự bình đẳng của các dân tộc, không tạo nên sức mạnh để dựng nước và giữ nước. Ngày 19-4-1946 trong “Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây-ku”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na… đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… nước Việt Nam là nước chung của chúng ta… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt” (5).
Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng thiên tài của Ph. Ăng-ghen về bình đẳng dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân đã được Việt Nam tuân thủ và vận dụng hiệu quả trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Mới đây nhất, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013 tiếp tục khẳng định quyền bình đẳng giữa các dân tộc mà đã được nêu trong các bản Hiến pháp trước đây:
“Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.
(1)Từ điển triết học – nxb Sự thật – Hà Nội 1960, tr18
(2)Bản tiếng Anh năm 1888 dịch là “tự xây dựng thành giai cấp thống trị trong dân tộc” (theo chú thích trong “Các Mác và Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen”, tuyển tập, tập 1, nxb Sự thật, Hà Nội 1980, tr.565
(3)C.Mác và Ph. Ăng-ghen. Sđd, tr.565
(4)C.Mác và Ph. Ăng-ghen. Sđd, tr.565
(5)Hồ Chí Minh: Toàn tập, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tập 4, tr.249
Trương Tử Kỳ
Ý kiến bạn đọc