Multimedia Đọc Báo in

Chuyện kể về những chiến sĩ tham gia bảo vệ thành cổ Quảng Trị

09:42, 25/07/2016

Tôi may mắn được gặp những cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia bảo vệ thành cổ Quảng Trị, nghe hồi ức về 81 ngày đêm giữ thành – một khúc ca bi tráng trong trang sử hào hùng của dân tộc…

Theo hồi ức của cựu chiến binh Phạm Thanh Sơn, nguyên là trinh sát đại đội 20, tháng 6-1972 ông được điều động vào Quảng Trị, biên chế vào Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 giữa thời điểm cuộc chiến giữ thành diễn ra quyết liệt nhất. Ông nhớ nhất là trận trinh sát chuẩn bị đánh cao điểm 126 – một trong những vị trí chiến lược mà nếu bên nào chiếm được sẽ hoàn toàn giành quyền kiểm soát, khống chế thành cổ. Sau khi tiếp cận cao điểm, một người ở lại, còn ông rút về khu vực hậu cứ đưa cán bộ tiểu đoàn lên nghiên cứu khu vực địch đang chiếm giữ, xây dựng các phương án tấn công. Tuy nhiên sau nhiều ngày bám địch, một phần do trời mưa lớn, một phần do đói lả, ông bị mất phương hướng, lạc qua trận địa khác, song với kinh nghiệm của một người lính trinh sát, ông bình tĩnh, xác định lại vị trí và quay về đúng nơi tập kết, đưa cán bộ tiểu đoàn lên nghiên cứu kỹ trận địa địch. Nhờ đó ta đã giành được cao điểm, kéo dài thêm thời gian, làm hao tổn nhiều hỏa lực địch trước khi thành cổ bị thất thủ.

Các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại thành cổ  Quảng Trị  trong ngày hội ngộ tại Buôn Ma Thuột.
Các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị trong ngày hội ngộ tại Buôn Ma Thuột.

Với cựu chiến binh Phùng Bá Kháng, nguyên là chính trị viên tiểu đoàn 1, trung đoàn 141, Sư đoàn 312, ký ức 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ vẫn nguyên vẹn. Tháng 5 - 1972 sau khi làm nhiệm vụ ở Lào về, ông được điều động vào mặt trận B5, bổ sung vào đội hình của các đơn vị đã chiến đấu trước, làm nhiệm vụ án ngữ khu vực phía tây thành cổ. Các đội hình nhanh chóng đi vào ổn định, củng cố hầm hào, chốt giữ, tạo điều kiện cho các lực lượng trong thành đánh địch. Ông nhớ lại, trong 81 ngày đêm ấy dường như thành cổ không lúc nào ngớt tiếng súng; suốt ngày, suốt đêm, xa thì địch dùng máy bay B52 bắn phá dữ dội, gần thì dùng pháo bầy, pháo giàn liên tục công phá thành. Trong sự khốc liệt của đạn bom ấy, với tinh thần quyết chiến, quyết đấu, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ thành đã có không biết bao nhiêu đồng đội của ông ngã xuống. “Có đồng chí chiều hôm trước trung đoàn đưa xuống bổ sung quân số và được đưa thẳng ra trận địa chốt, thì đến hôm sau đã nhận tin báo hy sinh mà chưa biết mặt đồng đội”, ông Phùng Bá Kháng trầm ngâm hồi tưởng. Ông cũng còn nhớ sự hy sinh anh dũng của đồng chí tên Triển, đại đội trưởng đại đội 1, dù bị địch liên tục tấn công 4, 5 lần nhưng vẫn kiên cường bám trụ, giữ vị trí cho đến hơi thở cuối cùng.

Được biết, trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ, cứ trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lượt máy bay phản lực, 70 - 90 lượt B52 để ném bom; thị xã và thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn; trung bình mỗi chiến sĩ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo… Dù phải đối mặt với mưa bom bão đạn, trên mình mang đầy thương tích nhưng những chiến sĩ thành cổ vẫn chiến đấu ngoan cường đến hơi thở cuối cùng; người này ngã xuống người khác lại đến thay. Ngoài việc phải “hứng” một khối lượng hỏa lực khổng lồ của địch, nhiều khi do thời tiết không thuận lợi, nước sông dâng cao, các chiến sĩ còn phải suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã… “Kể về những khó khăn gian khổ, hiểm nguy của chiến tranh mà bản thân chúng tôi đã trực tiếp tham gia không phải là để kể công, mà là để tri ân những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Và đó cũng là bài học nhắc nhở thế hệ con cháu phải biết quý trọng, hun đúc tình yêu quê hương đất nước, luôn ý thức giữ gìn độc lập tự do đất nước mà cha ông đã đổ xương máu giành lấy”, ông Phùng Bá Kháng tâm sự.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.