Multimedia Đọc Báo in

Lời hịch non sông còn vang vọng mãi

09:13, 30/12/2016

70 năm trước, tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngôi nhà nơi Người viết lời kêu gọi kháng chiến giờ trở thành Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người trong suốt 70 năm qua vẫn còn vang vọng mãi…

Thăm nơi Bác viết lời hịch non sông

Làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) nay là phố phường tấp nập người xe. Tuy nhiên, ngôi nhà nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm nào vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn.

Đại tá Lê Ngọc Lấn, nguyên giảng viên Khoa Chiến tranh quân đội Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng dẫn chúng tôi đi thăm di tích đặc biệt này ở làng Vạn Phúc. Chỉ tay lên mái ngói nhà lưu niệm di tích, đại tá Lấn cho biết: “Sở dĩ Bác Hồ chọn địa điểm này, vì đây là nơi thường xuyên nuôi giấu cán bộ cách mạng, trong đó có cả các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ và cũng là nơi gây dựng cơ sở cách mạng, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Bây giờ nơi này là nhà lưu niệm cấp quốc gia, và trở thành địa điểm du lịch, phục vụ nghiên cứu lịch sử. Ngôi nhà này nguyên là của ông Nguyễn Văn Dương. Cụ đã qua đời rồi. Bây giờ còn ông Nguyễn Văn Hùng, là cháu đích tôn của cụ đang ở sát bên, cũng là người trông nom, bảo dưỡng nhà lưu niệm”.

Nhà ông  Nguyễn Văn Dương  (làng Vạn Phúc, quận Hà Đông) nơi Bác Hồ viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.   Ảnh: Vietnamnet
Nhà ông Nguyễn Văn Dương (làng Vạn Phúc, quận Hà Đông) nơi Bác Hồ viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Ảnh: Vietnamnet

Để rõ ngọn nguồn về ngôi nhà, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Hùng, cháu đích tôn của cụ Nguyễn Văn Dương. Ông Hùng kể, trước khi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngôi nhà của ông nội ông đã là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ của Đảng ta. Ở làng Vạn Phúc ngày ấy, nhà của ông nội ông được xây dựng kiến trúc kiểu Pháp khá kiên cố. Nhà có các phòng nhỏ, hành lang, cầu thang hẹp nối liền. Bác Hồ đã nghỉ và làm việc trong căn phòng của cậu Tú - con trai thứ hai của ông Nguyễn Văn Dương. Căn phòng gồm một chiếc giường gỗ, ghế bàn, mắc áo được kê lại để phù hợp cho công việc và sinh hoạt của Bác trong những ngày đông giá rét. Suốt 70 năm qua, những vật dụng như cây đèn bàn, đôi tạ tay để Bác rèn luyện sức khỏe vẫn còn giữ nguyên vẹn. Trong đó, có một vật quan trọng nhất mà mỗi lần nhìn thấy ai cũng rưng rưng xúc động, đó là bản phục chế Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. “Đây chính là bản hịch cứu quốc đầu tiên của dân tộc Việt Nam được Người viết trong mùa Đông năm 1946. Cho đến bây giờ nó vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, có sức lan tỏa, hiệu triệu quốc dân đồng bào”, ông Hùng xúc động nói.

Hằng ngày ông Hùng đều mở cửa lau chùi dọn dẹp ngôi nhà, một mặt vừa là nhiệm vụ, nhưng quan trọng hơn là tình cảm đối với Bác, với ngôi nhà kỷ niệm của dòng họ ông để lại làm nhà lưu niệm. Tháng 2-1975, ngôi nhà này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Sức mạnh hiệu triệu quốc dân đồng bào

Điểm lại lịch sử, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền nhà nước Việt Nam còn non trẻ, lực lượng vũ trang cách mạng đang trong quá trình xây dựng, tổ chức và trang bị còn thô sơ; nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu, bị kiệt quệ tiêu điều bởi hậu quả của chính sách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ở phía Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch lợi dụng cơ hội vào đòi giải giáp quân Nhật; ở phía Nam, quân Pháp theo gót quân đồng minh vào chiếm đóng Sài Gòn. Tình hình đó đã đặt vận mệnh đất nước đứng trước thử thách vô cùng nghiêm trọng. Vấn đề cơ bản nhất đặt ra cho Đảng và nhân dân ta lúc này là phải giữ vững chính quyền cách mạng trước sự tiến công của những kẻ thù độc ác và nguy hiểm. Không thể chờ giặc “rủ lòng thương”, trước vận mệnh dân tộc “tuyên chiến hay đình chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo với Hội đồng Chính phủ và Thường trực Quốc hội để thống nhất quyết định phát động cuộc kháng chiến trong toàn quốc.

Ngày 18 và 19-12-1946, trên căn gác hai trong căn nhà ông Nguyễn Văn Dương tại làng lụa Vạn Phúc, thị xã Hà Đông, Bác Hồ đã khởi thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” và chủ tọa Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương. Tại đây, Người đã quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng “Toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”. Lời kêu gọi nêu rõ:“Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Ngay khi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được phát đi, dân tộc Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu mới. Mở đầu cho cuộc chiến này là mỗi góc phố, con đường, ngõ phố của người dân Thủ đô Hà Nội trở thành chiến hào thép đánh Pháp. Cùng thời điểm ấy, tại Nam Bộ, hàng trăm cuộc đấu tranh đã nổ ra và giành thắng lợi.

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu 07 Lữ đoàn 171 Hải quân - người am tường về lịch sử Thủ đô xúc động: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác thực sự là một lời hịch có sức mạnh tinh thần rất lớn. Nếu mùa Đông năm 1946 Bác Hồ không ra lời kêu gọi thì không thể có chiến thắng Thu Đông năm 1947, cũng chẳng có chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu năm 1954. Lời kêu gọi còn là động lực để chúng ta viết tiếp những trang sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ, giành thắng lợi thống nhất đất nước vào năm 1975. Lịch sử sang trang, đất nước đổi mới, Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi và đan xen thách thức khó lường. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay vẫn vang vọng mãi”...  

  Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.