Multimedia Đọc Báo in

Những trận đánh lịch sử ở xã 9 - Tư Cung

10:10, 28/04/2018

Từ một dinh điền của chính quyền Ngô Đình Diệm, sau khi được giải phóng vào tháng 3-1965, dinh điền Tư Cung (nay là xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) đã trở thành một trong những cơ sở cách mạng vững chắc. Những trận đánh nơi đây vẫn luôn vẹn nguyên trong ký ức của những nhân chứng lịch sử.

Nguyên là du kích xã 9 – Tư Cung, thoát ly theo cách mạng, ông Nguyễn Văn Năm, từng công tác tại Huyện đội Krông Búk (cấp bậc Thiếu tá), hiện nay đang sinh sống tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc. Khi được hỏi về những tháng ngày tham gia cách mạng ở Tư Cung ông đã không giấu được nỗi xúc động. Ông kể, năm 1959 chế độ Ngô Đình Diệm đưa người dân của hai huyện Quế Sơn và Đại Lộc (thuộc tỉnh Quảng Nam) vào địa điểm Buôn Kwăng để thành lập dinh điền và đặt tên là dinh điền Tư Cung, đây là vùng đất án ngữ cửa ngõ phía đông bắc TP. Buôn Ma Thuột, được hiểu là Tứ lộ cung, tức là điểm nằm giữa 4 trục đường. Tháng 3-1965, Tư Cung được giải phóng, được chính quyền cách mạng Huyện H4 đặt là xã 9. Từ năm 1963 -1965, nhân dân Tư Cung được tiếp xúc gặp gỡ với cách mạng, nhanh chóng xây dựng được mạng lưới cơ sở vững chắc, rộng khắp. Đầu năm 1966, khi quân Mỹ đã xâm chiếm tràn ngập vào miền Nam, tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt hơn, trong xã 9 - Tư Cung có 20 thanh niên đăng ký tòng quân nhập ngũ. Cuối năm 1966, có 35 thanh niên tiếp tục đăng ký tòng quân lên đường đánh giặc. Năm 1967, khi được tin 12 thanh niên nhập ngũ đã hy sinh thì lúc này phong trào tòng quân nhập ngũ của xã 9 - Tư Cung ngày càng sôi nổi, hết lớp thanh niên đàn anh ra đi, thì tiếp lớp thanh thiếu niên đăng ký tòng quân nhập ngũ. Cứ thế đến năm 1969 đã có 90 người thoát ly tham gia cách mạng. Số thanh niên nhập ngũ được điều về Tiểu đoàn 301 của tỉnh, Thị đội 6 Buôn Ma Thuột, nhiều nhất là Huyện đội H4 và một số cơ quan trong tỉnh. Những thanh niên ở địa phương tham gia hoạt động cơ sở, bị bắt, bị tù hơn 50 người, có 51 người hy sinh.

Nhân dân Buôn Hồ phá ấp chiến lược trở về buôn cũ năm 1965. (Ảnh tư liệu)
Nhân dân Buôn Hồ phá ấp chiến lược trở về buôn cũ năm 1965. (Ảnh tư liệu)

Lực lượng du kích xã tham gia với lực lượng Huyện H4 chiến đấu giải phóng các buôn Kriêng A, B, buôn Pok, buôn Bôn, buôn Pah, buôn Ea Phê theo dọc Quốc lộ 21, (nay là Quốc lộ 26, thuộc huyện Krông Pắc). Bên cạnh đó, lực lượng này còn cùng với các đội công tác chống địch tái chiếm, xây dựng chính quyền cách mạng ở những vùng mới giải phóng. Trong đó, có những trận đánh đáng nhớ như vào tháng 6-1967, du kích dùng mìn phục kích trên Quốc lộ 14, cách Cuôr Đăng 1 km về phía đông, đã phá hủy 1 xe GMC quân sự, diệt 2 tên địch… Về hoạt động của du kích, cuối năm 1965, du kích xã 9 - Tư Cung tham gia phục kích đánh quân địch gác đường, đoạn đường Cuôr Đăng đi Buôn Hồ. Trận phục kích này thu được một số vũ khí của địch, diệt 3 tên, làm bị thương một số tên địch. Trận thứ hai là phục kích đánh địch tại đầu dốc Nông trường Phú Xuân ngày nay, diệt 3 tên. Năm 1966, lực lượng du kích xã 9 - Tư Cung phục kích đánh địch tại cầu Hoằng (cách cổng chào Buôn Hồ khoảng 300 m), trận này ta thu được 1 xe Jeep của quân địch. Năm 1967, du kích phục đánh lính địch cải trang dân thường đi xe mô tô, ta thu được 2 xe mô tô, 2 khẩu súng ru lô và 1 khẩu kalat, súng bắn đạn bi…

Ông Huỳnh Công Hoan, nguyên du kích xã 9 – Tư Cung, bộ đội Tiểu đoàn 301 (cấp bậc Trung úy), hiện sinh sống ở phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ kể lại, với một lòng theo Đảng làm cách mạng, nhân dân xã 9 – Tư Cung sẵn sàng đóng góp con người, lương thực, thực phẩm, thuốc men; mỗi người từ trẻ đến già đều hăng hái góp công, góp của. Thanh niên Tư Cung hồi đó thì hăng hái thoát ly vào rừng tham gia cách mạng, mỗi gia đình đều có hũ gạo nuôi quân. Nhân dân còn đi chặt cây làm kho cất giấu lương thực ngoài rừng, đêm đêm lực lượng bộ đội H4 và lực lượng chủ lực mang phiên hiệu Trung đoàn Vĩnh Phú lại vào các kho lấy lương thực để nuôi quân. Năm 1967, khi có lệnh Tổng động viên chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân 1968, nhân dân đóng góp càng tăng thêm, tùy theo từng gia đình có gì đóng góp đó như heo, bò, gà và được quy ra thóc. Có nhiều gia đình như ông Đoàn Như, cha hy sinh, mẹ mất, đã hiến hết tài sản gia đình cho cách mạng. Cuối năm 1969, địch bắt bà con Tư Cung đi khu chiêu hồi, nhưng tất cả đều đấu tranh không đi. Chúng bắt số gia đình có con thoát ly phải gọi trở về đầu hàng quốc gia, nhưng nhân dân đồng lòng không làm theo.

Cuộc biểu tình của nhân dân các dân tộc Đắk Lắk, trong đó có huyện H4  năm Mậu Thân 1968 (Ảnh tư liệu)
Cuộc biểu tình của nhân dân các dân tộc Đắk Lắk, trong đó có huyện H4 năm Mậu Thân 1968. (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Y Luyện Niê Kdăm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, một trong những cán bộ từng hoạt động cách mạng ở Tư Cung kể lại, trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, dù là vùng giải phóng (1965 - đầu năm 1969) hay thời kỳ bị địch quản lý kềm kẹp gắt gao (giữa năm 1969-1975) thì phong trào cách mạng của quân và dân xã 9 - Tư Cung vẫn là một quá trình liên tục, không bị đứt quãng. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã 9 - Tư Cung đã cùng với quân dân các dân tộc Huyện H4, tỉnh Đắk Lắk thực hiện phương châm “hai chân, ba mũi giáp công” vô cùng kiên cường, họ đã chiến đấu anh dũng, vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh, tài sản nhà cửa bị địch tàn phá, đốt cháy, chà đi xát lại. Trong cuộc kháng chiến ấy, xã 9 - Tư Cung có trên 200 người tham gia du kích, bộ đội địa phương, đứng đầu toàn huyện H4. 100% gia đình ở nơi đây có người thân trực tiếp ra chiến trường hoặc là cơ sở của cách mạng, đặc biệt đã cung ứng cho chiến trường khoảng 250 tấn lương thực, thực phẩm. Nơi đây đã diễn ra khoảng 30 trận đánh, diệt 40 tên địch, thu giữ nhiều phương tiện cùng súng đạn các loại…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.