Multimedia Đọc Báo in

Niềm tự hào trên vùng căn cứ địa cách mạng

09:11, 06/04/2018

Tham dự chương trình nói chuyện truyền thống tại nhà tưởng niệm liệt sỹ Y Ơn (buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) do Tỉnh Đoàn đã tổ chức nhân kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các bạn trẻ vùng căn cứ cách mạng tràn đầy niềm xúc động, tự hào.

Tại buổi nói chuyện, 200 đoàn viên, thanh niên ưu tú của 5 xã Cư Pui, Yang Mao, Cư Đrăm, Hòa Lễ và Hòa Phong đã được gặp gỡ, giao lưu với 2 nhân chứng lịch sử là bác Ama H’Oanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy và bác Y Nha Kbuôr, nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn khóa I để hiểu rõ thêm về khu căn cứ cách mạng Đắk Tuôr và sự ra đời của Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam tỉnh Đắk Lắk trong kháng chiến. 

Từng tham gia chiến đấu và bám trụ tại khu căn cứ cách mạng kháng chiến Đắk Lắk (H9), bác Ama H’Oanh đã kể về những năm tháng chiến đấu gian lao mà rất đỗi hào hùng của quân và dân ta. Khu căn cứ nằm trên sườn núi Cư Yang Sin, thường xuyên bị địch càn quét nhằm dập tắt phong trào cách mạng. Dù đói cơm, lạt muối nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây đã vượt lên tất cả, kiên trung bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy, đầu não cách mạng. Cùng với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Tỉnh ủy, mặt trận B5, quân và dân H9 đã nổi dậy tiêu diệt kẻ thù, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 9-5-1965, H9 là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn toàn được giải phóng.

Bác Y Nha Kbuôr (bìa trái) và bác Ama H’Oanh (giữa) trò chuyện, giao lưu  với các đoàn viên, thanh niên.
Bác Y Nha Kbuôr (bìa trái) và bác Ama H’Oanh (giữa) trò chuyện, giao lưu với các đoàn viên, thanh niên.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh, khu căn cứ cách mạng Đắk Tuôr luôn là tấm gương phản chiếu trung thực và sinh động sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mà trực tiếp là Tỉnh ủy đối với lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù, góp phần to lớn vào thắng lợi của công cuộc chống Mỹ cứu nước. Sự tài tình, sáng suốt đó được thể hiện qua tầm nhìn, phân tích và đánh giá tình hình chiến sự để đưa ra những quyết sách kịp thời, phù hợp trong 3 lần Đại hội Đảng bộ diễn ra tại đây. Mỗi lần Đại hội được xem là mỗi dấu ấn lịch sử, tạo nên bước ngoặt quan trọng cho từng giai đoạn đấu tranh.

Bác Y Nha Kbuôr vẫn nhớ như in, cách đây 49 năm, giữa lúc các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đang cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dốc sức đập tan chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam  tỉnh Đắk Lắk (tiền thân của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức Đại hội lần thứ I đánh dấu sự ra đời và trưởng thành vượt bậc của tuổi trẻ các dân tộc trong tỉnh. Qua câu chuyện của vị thủ lĩnh đầu tiên của thanh niên Đắk Lắk đã giúp cho các đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn về sự ra đời và phát triển cũng như vai trò của Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng miền Nam tỉnh Đắk Lắk trong kháng chiến.

      Các đoàn viên, thanh niên tham dự chương trình nói chuyện truyền thống.
Các đoàn viên, thanh niên tham dự chương trình nói chuyện truyền thống. 

Buổi nói chuyện là dịp để đoàn viên, thanh niên biết và hiểu rõ hơn về địa chỉ đỏ và những con người anh hùng đã dệt nên những trang sử vẻ vang cho quê hương, Tổ quốc; khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc nhất là những đóng góp hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh; bồi đắp lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, tạo động lực để cổ vũ thanh niên ra sức thi đua rèn luyện trong học tập, lao động, cống hiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chuyện kể của những nhân chứng lịch sử, những bậc lão thành cách mạng đã đem đến cho đoàn viên, thanh niên những ấn tượng sâu sắc. Là 1 trong 200 thanh niên ưu tú của huyện vinh dự được kết nạp Đoàn đúng dịp này, em Trịnh Thị Bích Liên (lớp 10A3, Trường THPT Trần Hưng Đạo) xúc động: “Ngoài những kiến thức được học ở trường thì qua buổi nói chuyện truyền thống này, được trực tiếp gặp gỡ, giao lưu  với các nhân chứng sống, em rất đỗi tự hào về một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng có tinh thần đấu tranh quật cường, càng thêm biết ơn các anh hùng, liệt sỹ đã không tiếc máu xương để giành độc lập, tự do cho dân tộc, cho chúng em được sống và học tập trong hòa bình”. Bạn Phùng Thị Kim Dung (Đoàn viên xã Hòa Phong) thì chia sẻ: “Được trực tiếp trò chuyện với bác Ama H’Oanh và bác Y Nha Kbuôr, em hiểu ra rằng không phải ngẫu nhiên Tỉnh Đoàn chọn buôn Đắk Tuôr làm nơi tổ chức chương trình. Bởi đây là khu căn cứ địa cách mạng, một mảnh đất anh hùng, nơi đã nuôi giấu, che chở các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhà thời kháng chiến. Đây cũng là nơi mà biết bao lớp thanh niên đã anh dũng ngã xuống, quyết bảo vệ từng tấc đất quê hương, góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước”.

Với vai trò là một cán bộ Đoàn, anh Y Thăm Byă, Bí thư Đoàn xã Cư Pui cho biết: Là những người may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình, thế hệ trẻ hôm nay cần tiếp bước và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước, để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk thực sự trở thành nơi hội tụ của tuổi trẻ các dân tộc, nơi thu hút thanh niên đứng vào đội ngũ, ra sức phấn đấu thực hiện hoài bão của thế hệ trẻ, góp phần xứng đáng cùng toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.