Một thời "hoa lửa"...
Chiến tranh dù đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng những năm tháng hào hùng của một thời “hoa lửa” vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người lính từng vào sinh ra tử. Với họ, từng trận đánh, từng mảnh đất đã đi qua đã trở thành những hồi ức không thể nào quên.
Dù đã gần 80 tuổi nhưng cựu chiến binh Phạm Văn Vận (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría, huyện Lắk) vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tháng 6-1967 ông Vận xung phong đi bộ đội, đóng quân ở Đồng Hỉ, tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, ông được đề bạt làm Tiểu đội trưởng một đơn vị bộ binh, Tiểu đoàn 8A, Sư đoàn 34 và đi vào vùng đất hiểm trở được gọi là “cổng trời” Quảng Bình (thuộc địa phận xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa), nhận nhiệm vụ bổ sung cho đồn công an biên giới, truy quét Furlo và phỉ Lào.
Một trong những nhiệm vụ mỗi lần nhắc đến khiến ông Vận xúc động và tự hào là tham gia vận chuyển tuyến ống xăng dầu trên sông Sê Băng Hiêng vào mùa hè năm 1969. Ông Vận nhớ lại: Suốt 3 tháng ròng rã, cứ đêm về ông cùng các đồng đội ngâm mình trong dòng nước lạnh chuyền từng phuy xăng. Khi địch phát hiện, chúng dùng B52 đánh phá dữ dội dọc con đường gần sông, ông và đồng đội phải nín thở núp mình dưới nước, thoát chết trong gang tấc. “Sự kiện đưa đường ống xăng dầu Trường Sơn vào vận hành mang một ý nghĩa lớn lao. Chỉ có những người trong thời khắc lịch sử ấy mới cảm nhận được một giọt xăng vào tới chiến trường quý giá như thế nào. Nó phải đổi bằng mồ hôi, thậm chí là bằng máu”, ông Vận bồi hồi nói.
Cựu chiến binh Phạm Văn Vận bên Bằng khen ghi nhận công lao thời kháng chiến của ông. |
Chỉ tay vào con mắt trái bị hỏng, ông Vận nhắc lại nhiệm vụ gỡ bom mìn ở đường đèo 300 (phía Nam Trường Sơn) vào tháng 9-1969: “Đặc tính của bom bi khi rơi xuống đất chưa nổ liền mà bung bốn lò xo có dây dù, chạm mới phát nổ. Tôi dò bom bằng cách dùng khúc gỗ bán kính khoảng 40 cm để che chắn và gậy dài 5 m để phát hiện bom. Khi chạm dây bom, vì sức công phá lớn nên tôi bị thương nặng phải ra Bắc điều trị”.
Còn với ông Vũ Xuân Nhạ (thôn Liên Kết 3, xã Buôn Tría, huyện Lắk) thì sự hy sinh của những đồng đội vẫn là ký ức đau thương hằn in trong tâm trí ông. Ngày 15-11-1967, ông vào chiến trường Đường 9 Nam Lào và Bắc Quảng Trị, nhận nhiệm vụ phục vụ chỉ huy chiến đấu thuộc đơn vị Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Trận chiến ác liệt nhất trong ký ức của người cựu chiến binh ấy là trận mở hàng rào điện tử McNamara dài 6 km năm 1969. Với 17 căn cứ quân sự, hàng loạt bãi mìn, các thiết bị trinh sát điện tử dưới mặt đất và trên không được bố trí liên hoàn dài khoảng 100 km từ biển Cửa Việt kéo dài sang Mường Phìn (Lào), hàng rào điện tử McNamara dễ dàng “đánh hơi” sự xuất hiện của quân giải phóng. Khi đó ông Nhạ được giao nhiệm vụ thông tin liên lạc với chỉ huy để phá hàng rào.
Ông Vũ Xuân Nhạ xem chiếc bình tông và la bàn như một kỷ vật quý giá của thời trận mạc. |
Trong trí nhớ của ông, trận chiến ấy vô cùng khốc liệt. Để hóa giải hàng rào “bất khả xâm phạm” đó, quân ta phải kết hợp giữa công binh phá bom, pháo binh để kiềm chế hỏa lực của địch, đặc công đánh gần, trinh sát dò tìm chỗ xung yếu nhất mở hàng rào... Ngày cũng như đêm những “cơn mưa” bom trút xối xả, bốn bề là tiếng súng đạn vang lên không ngớt, ông Nhạ phải chứng kiến cảnh nhiều đồng đội hy sinh… “Quân ta đã chiến đấu hết sức mình, có lúc lực lượng ta so với địch quá chênh lệch nên buộc phải rút vào rừng sâu. Không có thức ăn nên anh em phải bứt lá rừng nhai cho đỡ đói, bất cứ lá nào không đắng là chúng tôi ăn. Một số người vì quá đói hoặc ăn phải lá độc mà chết…”, ông Nhạ ngấn lệ. Vừa kể chuyện ông Nhạ vừa xúc động khoe với tôi những kỷ vật quý giá từ thời chiến là những chiếc bi đông, chiếc la bàn đã từng cùng ông đi qua các trận chiến sinh tử.
43 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, nhưng những người lính năm xưa ấy vẫn không thể nào quên một thời lửa đạn với niềm tự hào, vì họ đã cống hiến những năm tháng thanh xuân cho chiến trường, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc