Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2018)

Hành trình về nơi cội nguồn báo chí cách mạng

07:07, 17/06/2018

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi có một cuộc hành trình về những địa điểm gắn với nguồn cội của nền báo chí cách mạng Việt Nam, nền văn nghệ kháng chiến.

Nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam

Vùng đất Gia Điền (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) được chọn làm nơi để đóng trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam và trụ sở của Tạp chí Văn nghệ - cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam. Ở mảnh đất này, các văn nghệ sĩ nổi tiếng gồm các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ trong thời kỳ đầu “nhận đường” đã dừng chân cho một hành trình dài lên Việt Bắc.

Theo tài liệu ghi chép, khi ấy, nhà thơ Tố Hữu làm thư ký tòa soạn cùng với Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng và các cộng sự như Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Kim Lân, Huy Cận, Hoài Thanh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Hữu Đang, Trần Huyền Trân, Như Phong, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Xuân Diệu, Thép Mới, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Thủy, Nguyễn Xuân Khoát…

Thế hệ trẻ chăm sóc bia di tích nơi đóng trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ tại xã Gia Điền (Hạ Hòa – Phú Thọ).
Thế hệ trẻ chăm sóc bia di tích nơi đóng trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ tại xã Gia Điền (Hạ Hòa – Phú Thọ).

Tại vùng đất miền trung du bình dị mà hữu tình này, hàng loạt những tác phẩm được ra đời như "Những người ở lại" của Nguyễn Huy Tưởng, "Vượt lên bão táp" của Nam Cao, "Phố mới" của Kim Lân, "Dãy người" - thơ của Nguyên Hồng, "Vỡ tỉnh" của Tô Hoài, "Nhận đường" - tùy bút của Nguyễn Đình Thi, "Núi yên ngựa" của Ngô Tất Tố, "Văn Lỗ Tấn" của Phan Khôi dịch… Nơi đây, Hội Văn nghệ Việt Nam cũng làm những công cuộc cần thiết để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam - tiền thân của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày nay. Số tạp chí Văn nghệ đầu tiên ra đời tháng 3-1948.

Nơi tổ chức Đại hội Văn nghệ toàn quốc đầu tiên

Đó là vùng đất Yên Kỳ (Hạ Hòa, Phú Thọ), một vùng quê trung du với rừng cọ, đồi chè thơ mộng, đẹp như tranh vẽ. Theo con đường mòn ngược một quả đồi cao, chúng tôi đến được một nương chè bằng phẳng, xanh tốt. Bốn phía xung quanh không gì khác là những đồi chè bạt ngàn xanh tốt đang vào mùa thu hái.

Giữa những hàng chè xanh mướt, tấm bia lưu niệm của Hội Văn học Nghệ thuật thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hiện ra. Tấm bia cao chừng hơn 2 m, tọa lạc trên một bệ xi măng vững chãi. Lần theo những dòng chữ bị thời gian, mưa gió làm nhòe đi đôi chút, chúng tôi như được trở về với sự kiện quan trọng liên quan đến công tác tổ chức của Hội Văn học Nghệ thuật.

Bản nhà sàn xóm Roòng Khoa (Điềm Mặc - Định Hóa - Thái Nguyên).
Bản nhà sàn xóm Roòng Khoa (Điềm Mặc - Định Hóa - Thái Nguyên).

Khu 1, xã Yên Kỳ, nơi được Hội Văn nghệ chọn là địa điểm tổ chức Đại hội Văn nghệ toàn quốc đầu tiên. Vào các ngày 23, 24, 25-7-1948 tại đây, có 80 văn nghệ sĩ cả nước về dự Đại hội. Đại biểu dự Đại hội gồm các nhà báo, nhà văn lớn, nhà phê bình văn học như: Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Tỵ, Võ Liên Sơn, Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Đôn, Chu Ngọc, Xuân Sanh, Hải Triều… Đại hội đã bầu 17 người vào Ban Chấp hành; Ban Thường vụ có Nguyễn Tuân - Tổng thư ký, Tố Hữu - Phó Tổng thư ký. Đại hội cũng quy định các khu thành lập chi hội văn nghệ, các tỉnh thành lập phân hội văn nghệ. Năm 1998, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Tỉnh ủy Phú Thọ đã đặt bia kỷ niệm nơi họp Đại hội.

Bản Roòng Khoa trên vùng ATK Định Hóa

Hành trình về vùng an toàn khu (ATK) Định Hóa có một địa chỉ mà những người làm báo đã trở nên thân thuộc và luôn hướng về nơi ấy như một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống nền báo chí cách mạng Việt Nam là bản Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa - Thái Nguyên). Mảnh đất Roòng Khoa có một ý nghĩa đặc biệt, là nơi ra đời Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.

Lần theo văn bia và di tích ở bản Roòng Khoa cùng với những câu chuyện kể, chúng tôi đã cảm nhận được những năm tháng ở ATK, với sứ mệnh cao cả lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc kháng chiến chống Pháp, mặc dù phải đối mặt với biết bao gian khổ, hiểm nguy nhưng Bác Hồ vẫn liên tục viết bài cho các tờ báo của Đảng, của cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giữa núi rừng ATK, Bác Hồ đã cho mở những lớp học báo chí. Lớp báo chí đầu tiên được tổ chức tại Trường Huỳnh Thúc Kháng, đóng ở xã Quy Kỳ - Định Hóa. Ngày 21-4-1950, theo chủ trương của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam đã được thành lập. Ban đầu, Hội có tên là “Hội những người viết báo Việt Nam”. Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam đã diễn ra tại nhà ông Triệu Đình Âu, xóm Roòng Khoa.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2-1951, báo Sự Thật ngừng xuất bản, Bác đã chỉ đạo thành lập báo Nhân Dân - cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Cũng từ mảnh đất chiến khu ATK này, ngày 11-3-1951, Báo Nhân Dân đã ra số đầu tiên. Tấm bia di tích lịch sử cấp quốc gia đặt tại xóm Roòng Khoa, Điềm Mặc như một dấu tích không thể mờ phai về một giai đoạn lịch sử vẻ vang của ATK nói chung và nền báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng.

Hành trình trở về những địa điểm, những vùng đất gắn liền với nền văn nghệ kháng chiến, với nền báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi cảm thấy càng thêm tự hào, ý thức trách nhiệm với ngòi bút của mình, mãi khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà; mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc".

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc