Multimedia Đọc Báo in

Những người lính đi tìm đồng đội...

17:20, 25/11/2018

Mùa khô lội suối, băng rừng, mùa mưa tích cực nắm tin, học tiếng, công việc của các cán bộ, chiến sĩ Đội Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ K51 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) quanh năm chẳng có lúc nào thảnh thơi. Hạnh phúc lớn nhất của các anh chính là khi tìm được những phần mộ đồng đội nằm rải rác trong những cánh rừng sâu trên đất bạn Campuchia.

Địa bàn hoạt động chính của Đội K51 là tỉnh Mundulkiri (Vương quốc Campuchia). Theo Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm, Đội trưởng K51, khó khăn lớn nhất đối với các anh chính là việc thu thập nguồn tin. Chiến tranh lùi xa, nguồn tin về các phần mộ ngày càng ít, độ chính xác cũng không cao. Thông tin về sơ đồ khu mai táng liệt sỹ, bệnh xá, trạm phẫu, thu dung điều trị không còn nhiều. Các khu vực giao tranh ác liệt trước kia nay đã được khai hoang làm đồn điền trồng cao su, hồ tiêu, mía và xây dựng, nhà cửa, trang trại làm biến dạng địa hình, rất khó xác định vị trí các phần mộ trước đây. Mới đây, nước bạn nghiêm cấm việc khai thác lâm sản, động vật hoang dã nên nguồn tin từ những người đi rừng ngày càng ít đi. Trung bình cứ 40 - 50 tin báo mới có một tin chính xác song khi nhận được tin báo, dẫu xa hay gần, Đội đều cử lực lượng đến tận nơi xác minh cụ thể, chặt chẽ.

Các chiến sĩ Đội K51 nghiên cứu bản đồ tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.
Các chiến sĩ Đội K51 nghiên cứu bản đồ tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.

Hành trang không thể thiếu trong mỗi chuyến đi của các anh là bản đồ, la bàn, ống nhòm, cuốc xẻng, quân tư trang cá nhân, đèn pin, dao phát, gạo, cá khô, mì tôm, mắm muối bảo đảm đủ cho 7 - 10 ngày ăn. Trung bình mỗi người phải cõng trên lưng hơn 30 kg. Tuy được trang bị khá nhiều phương tiện, máy móc hiện đại để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ nhưng trong thực tế bộ đội chủ yếu vẫn phải hành quân bộ và đào bới thủ công do đặc điểm địa hình chỉ toàn đồi dốc, rừng rậm, sông suối. Mỗi lần tìm thấy mộ đồng đội, bao mệt mỏi như tiêu tan cả; song cũng có chuyến, vất vả cả tháng trời mà cả đội vẫn trắng tay, buồn không sao kể xiết.

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Duẩn kể: “Tháng 3-2018, Phân đội tôi tiếp nhận tin báo về một phần mộ của bộ đội Việt Nam được mai táng giữa khu rừng già trên địa bàn huyện Keosama, tiếp giáp tỉnh Bình Phước của ta. Theo sự chỉ dẫn của nguồn tin, mất nửa ngày đi xe máy và hai ngày hành quân bộ, chúng tôi cũng tiếp cận được khu vực nghi có mộ. Qua nghiên cứu thực tế, niềm tin của anh em càng được củng cố thêm vì hình dáng, kích thước, hướng mộ đều rất giống với kiểu mai táng của bộ đội ta trong những năm tháng chiến tranh. Thế nhưng lúc khai quật, ngoài bộ hài cốt, bộ tóc dài và các di vật đã mục nát, chúng tôi còn tìm thấy những chiếc cúc áo có kiểu dáng khá lạ. Cảm giác chưa chắc chắn, chúng tôi thắp hương xin lỗi người đã khuất rồi lấp đất, mai táng lại như cũ. Tiếp tục cử người đi xác minh, chúng tôi được nhiều nhân chứng cho biết, giai đoạn 1967 - 1968, ở khu vực biên giới Keosama có một đơn vị biệt động thành của ta hoạt động. Do tính chất nhiệm vụ phải thường xuyên tiếp xúc với dân nên trang phục các chiến sĩ biệt động có nhiều khác biệt. Một cựu chiến binh, nhân chứng lớn tuổi người Campuchia còn khẳng định: Đấy chính là mộ của một nữ bộ đội Việt Nam, cô ấy bị địch bắn chết, buộc xác vào xe ô tô kéo đi khắp làng để thị uy, mãi đêm khuya người dân mới lấy được xác, bí mật mang ra rừng chôn. Đó là ngôi mộ nữ đầu tiên Đội khai quật được sau hơn 10 năm thành lập”.

Đưa các Anh về đất Mẹ.     Ảnh: H.Gia
Đưa các Anh về đất Mẹ. Ảnh: H.Gia

Thành viên lớn tuổi nhất đã bước sang tuổi 50, thành viên trẻ nhất mới vừa 19 nhưng cả đội thân nhau như ruột thịt, mọi niềm vui, nỗi buồn đều được sẻ chia. Quanh năm ăn rừng, ngủ núi, thường xuyên đối mặt với sốt rét, thú rừng, rắn rết nên các cán bộ, chiến sĩ đều sở hữu nước da đen nhẻm, xù xì, chi chít vết muỗi châm, vắt cắn. Mỗi ngày có 2 giờ học giao tiếp bằng tiếng bản địa, người biết ít dạy người biết nhiều, người biết ít chỉ người chưa biết, đến nay các thành viên trong đội đều đọc thông, viết thạo tiếng nói, chữ viết của bạn, rất thuận lợi trong quá trình thu thập, nắm tin, làm công tác dân vận.

Mỗi nắm đất, mỗi di vật đi kèm trong phần mộ đều được các anh nâng niu, gìn giữ và ghi chép nhật ký rõ ràng. Kết thúc đợt quy tập, Ban Chuyên trách, Ban công tác đặc biệt của các tỉnh bạn và ta đều tổ chức cầu siêu, lễ tiễn, lễ đón trang trọng, đưa về nước an táng đúng nghi thức, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

So với nhiều thành viên khác trong đơn vị, Đại úy Nguyễn Văn Từ, Phó đội trưởng Đội K51 chỉ là “lính mới”, đang chập chững làm quen với công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đầy khó khăn, vất vả, hiểm nguy. Anh vẫn nhớ như in trận sốt rét giữa rừng cuối mùa khô năm 2017 khi vừa chân ướt chân ráo sang đất bạn Mundulkiri. Nằm trong căn lều dã chiến, đắp mấy tấm chăn dày mà người anh vẫn run cầm cập, mồ hôi vã ra như tắm. Gần một tuần chiến đấu với bệnh tật, anh sút hơn chục cân, da dẻ gầy gò, ốm yếu, xanh xao. Thế nhưng vừa cắt bệnh, anh lại giở bản đồ, khoác ba lô, chống gậy chỉ huy bộ đội tiếp tục hành quân. Là một trong những thành viên gắn bó với đội lâu nhất, Đại úy Trần Hoàng Bảo, Phân đội trưởng Phân đội 3 có rất nhiều kỷ niệm trong những chuyến đi rừng. Nhớ lần thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn huyện Cônhét cuối năm 2015, khi đơn vị đang chuẩn bị vượt dòng suối Ô Cha Pa, anh nghe những tiếng ào ào từ xa vọng lại. Phán đoán có lũ quét, anh lệnh cho Phân đội nhanh chóng chạy ngược lên đỉnh núi. Quả nhiên chỉ ít phút sau, nước từ đâu tràn về như thác đổ, ngập sâu hàng chục mét, bộ đội bị mắc kẹt suốt 4 ngày liền. Đói rét, mưa lũ nhưng anh em vẫn động viên nhau bảo vệ an toàn những bộ hài cốt vừa cất bốc. Đầu năm 2017, khi băng rừng tiếp cận một ngôi mộ lẻ, cả Phân đội phải tìm đường vòng tránh do bị bầy voi rừng 8 con chắn lối… Từ kinh nghiệm thực tế, anh Bảo luôn chú trọng bồi dưỡng cho các thành viên mới về kỹ năng sinh tồn ngoài tự nhiên, như cách xác định phương hướng qua quan sát vỏ cây, thiên văn, cách nhận biết các loại rau rừng, kỹ thuật băng bó, cứu thương, phòng và điều trị rắn độc cắn… Giữa rừng sâu, không điện, không sóng điện thoại nên Thượng úy Lã Quốc Khánh, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Mô Y Xuân, Đại úy Trần Hoàng Bảo và nhiều thành viên khác có vợ sinh con cả tháng mà không hề hay biết.

Các  thành viên mới được đồng đội bồi dưỡng tiếng Khơme trước khi lên đường.
Các thành viên mới được đồng đội bồi dưỡng tiếng Khơme trước khi lên đường.

Mùa khô 2017 - 2018, Đội K51 đã cơ động hàng vạn cây số để tiếp nhận, xác minh thông tin, tổ chức khảo sát, tìm kiếm và đào bới hơn hơn 50 địa điểm tập trung và hơn 150 địa điểm nhỏ, lẻ trên đất bạn. Vạch tấm bản đồ đã đánh dấu chi chít các địa điểm nghi có mộ, Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm cho biết: “Theo thống kê của các cơ quan chuyên trách, ở khu vực này hiện còn khoảng 100 - 120 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh vẫn chưa tìm kiếm được, trong đó chủ yếu là mộ lẻ. Mùa mưa năm nay, được sự nhất trí của cấp trên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho tổ nắm tin ở lại tỉnh Mundulkiri thu thập, xác minh thông tin về các phần mộ liệt sỹ; tạo điều kiện thuận lợi để đầu mùa khô 2018 – 2019 khi Đội vừa sang là có thể tổ chức tìm kiếm, quy tập ngay”.

Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.