Multimedia Đọc Báo in

Nỗi nhớ Điện Biên

07:52, 05/05/2019

Mùa hè năm 1999, cách đây vừa tròn 20 năm, chúng tôi có cuộc hành hương về xứ Bắc mà đích đến là Điện Biên Phủ. Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk Phạm Doanh thiết kế chuyến đi để khi tới Điện Biên là ngày 5-5, chậm nhất là ngày 6-5. Lúc bấy giờ có tin đồn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng về dự 45 năm Chiến thắng Điện Biên nên mọi người càng háo hức. Tôi cũng chỉ mong đứng từ xa chiêm ngưỡng Đại tướng là thỏa nỗi mong chờ.

Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lai Châu (khi ấy Điện Biên còn là huyện của tỉnh Lai Châu) là nhà văn Thạch Linh tiếp chúng tôi nói vui: "Điện Biên nóng tới 42 độ C" - ấy là nói tới việc không còn nhà nghỉ. Chúng tôi chia đoàn vào nghỉ nhờ nhà dân. Tôi an ủi: "Không sao đâu! Văn nghệ, báo chí ăn bụi, nằm bờ là chuyện bình thường, không phải lăn tăn".

May quá chúng tôi ở gần Đồi A1, tiện đường thăm viếng và chẳng xa Hầm Đờ-cát là bao. Điệu “Hò Kéo pháo” (Hoàng Vân), “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành), “Giải phóng Điện Biên” (Đỗ Nhuận) vang vang qua loa phóng thanh nhắc ta hồi nhớ lại quá khứ hào hùng của lớp cha anh.

Sáng ngày 7-5, chúng tôi được cấp vé vào quảng trường, được đứng trên ghế của lễ đài hẳn hoi, nhưng tin Đại tướng không về dự làm mọi người bớt đi niềm hứng khởi.

Anh Trần Quang Huấn lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lai Châu nói với tôi: “Thế là Đại tướng không về, tôi dẫn anh lên Mường Phăng thăm nơi Đại tướng chỉ huy Chiến dịch. Còn diễn văn, các lời phát biểu có báo đài, khi về nghe sau, đọc sau cũng được”. Tôi gật đầu theo Trần Quang Huấn dẫn đi Mường Phăng. Đường lên Mường Phăng đã được phát cây, dọn cỏ. Đoạn nào khó đi còn có bậc kè đá. Vắt, muỗi nhiều, cứ nhằm vào Lê Tiến Dị, Hồ Văn Trinh mà đốt.

Hầm của Đại tướng có hào giao thông nối với các tướng lĩnh chỉ huy và thông với cả hầm của cố vấn Trung Quốc. Hai bên đường vẫn gặp đồng bào Thái bán từng bó lá thuốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu chụp hình với các đại biểu tại Đại hội lần thứ VI Liên hiệp các Hội Văn học  - Nghệ thuật Việt Nam. (Ảnh tác giả cung cấp)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu chụp hình với các đại biểu tại Đại hội lần thứ VI Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. (Ảnh tác giả cung cấp)

Chúng tôi đến thăm Đồi A1, nơi bộ đội đào xuyên đồi đặt 960 kg thuốc nổ trong lòng đất để bây giờ vẫn còn hố sâu miệng hình phễu ngược như núi lửa phun; xem hầm bại tướng Đờ-cát đã được gia cố cho khách tham quan tiện bề lên xuống; gặp nhân chứng cắt tóc cho Đờ-cát là Hoàng Tam Khọi. Viếng nghĩa trang liệt sỹ lòng trào dâng xúc động khi gặp các mẹ, các chị là thân nhân liệt sỹ từ nhiều tỉnh cũng về. Bài thơ “Mẹ về thăm Điện Biên” được tôi viết ngay sau đó.

Tối ngày 7-5 dự lễ thả đèn trời. 45 chiếc đèn tượng trưng cho lễ kỷ niệm 45 năm Giải phóng Điện Biên, mang khát vọng độc lập, hòa bình cho miền Tây Bắc, cho Tổ quốc Việt Nam.

Lên Điện Biên chỉ mong được ngắm nhìn Đại tướng, mà Đại tướng không về dự. May mắn làm sao Đại hội lần thứ VI Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam đã mời được Đại tướng tham dự. Tôi ngồi ở hàng ghế thứ ba, cách hàng đầu của Đại tướng có một hàng ghế, hơi chếch về bên phải. Kết thúc Đại hội, tôi theo sau Đại tướng và trình bày: “Thưa Đại tướng! Cháu từ Đắk Lắk ra nên xin được chụp ảnh với Đại tướng!”. Đại tướng vui vẻ nói luôn: “Đắk Lắk là ở Tây Nguyên rồi. Đồng bào Tây Nguyên gian khổ, anh hùng lắm. Muốn làm tốt phải hiểu, phải yêu đồng bào và văn hóa của vùng đất mình đang sống”.

May mắn nữa là đi bên Đại tướng còn có nhà thơ Tố Hữu. Sau lời phát biểu với Đại hội, nhà thơ đọc hai câu thơ như lời tâm sự, nhắn gửi các thế hệ làm văn nghệ:

Chẳng còn hơi sức khơi dòng chảy

Thì chút phù sa gắng đắp bồi.

Thế là trong bức ảnh có Đại tướng – Người anh cả của quân đội, lại có nhà thơ Tố Hữu – Ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng, quả là điều vô cùng may mắn cho tôi.

Tôi cảm ơn nhà thơ Văn Công Hùng (Gia Lai) ghi lại cho tôi khoảnh khắc đáng nhớ tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 12-9-2000.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc